Các nhà khoa học đang lên kế hoạch sử dụng chất parietin trong cây đại hoàng để tạo nên một loại thuốc mới trị ung thư. Parietin là yếu tố tạo nên màu cam của loại cây này, và nó có khả năng tiêu diệt khối u gần như ngay lập tức. Trong một lần thử nghiệm, chỉ trong 2 ngày, nó có thể diệt được một nửa các tế bào bệnh bạch cầu.
Người ta đang kỳ vọng loại cây này sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn trong chữa trị ung thư. Giáo sư Jing Chen, dẫn đầu thí nghiệm này, cho biết: "Chúng tôi đã phát hiện ra sức mạnh của cây đại hoàng khi đang tìm cách ngăn chặn một enzyme chuyên thúc đẩy ung thư phát triển là 6PGD".
Trong quá trình nghiên cứu cách ngăn chặn ung thư, các nhà khoa học đã tìm thấy chất parietin trong cây đại hoàng.
Các nhà khoa học thuộc Viện Ung thư Winship, Đại học Emory (bang Georgia, Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu trên 2.000 hợp chất và cuối cùng nhận thấy parietin (hay còn có tên gọi physcion) là hiệu quả nhất trong việc ức chế enzyme gây ung thư.
Vấn đề cốt yếu là parietin tiêu diệt tế bào ung thư nhưng không gây tổn thương gì đến các tế bào khỏe mạnh. Một phái sinh của chất này, có tên gọi S3, đã kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư phổi ở chuột xuống 1/3 chỉ trong 11 ngày. Hiệu quả tương tự cũng xuất hiện khi tiêu diệt các u bướu ở đầu và cổ.
Chất parietin đẩy nhanh tốc độ tiêu diệt ung thư đầu và cổ.
Các nhà nghiên cứu hy vọng các loại thuốc từ cây đại hoàng sẽ góp phần bổ sung cho những cách chữa trị ung thư hiện nay. Giáo sư Chen cho biết bệnh ung thư cần đến một hàm lượng 6PGD nhất định thì mới phát triển được và nếu lượng chất này tụt xuống, tế bào ung thư sẽ suy giảm.
Các nhà khoa học cũng lưu ý rằng, bệnh nhân không nên chỉ kì vọng vào việc uống nước ép cây đại hoàng hay ăn các thực phẩm chế biến từ đại hoàng để chữa ung thư. Bởi vì dù có ăn rất nhiều đại hoàng thì kết quả đạt được cũng không đủ khả quan.
Cây đại hoàng.
Yêu cầu đặt ra ở đây là chất parietin phải được cô đặc lại trong một viên thuốc với hàm lượng lớn hơn rất nhiều thì mới đủ sức tiêu diệt nhanh ung thư. Do đó, tất cả những gì chúng ta phải làm là chờ đợi thành tựu của khoa học.