Sinh ra đứa con thông minh, lanh lợi là niềm ao ước của bất cứ người làm cha, làm mẹ nào. Chính vì thế, ăn gì để tăng cường trí thông minh cho trẻ là vấn đề quan tâm của không ít người.
Chị Nguyễn Thị Bình (Hai Bà Trưng, Hà Nội) mới làm mẹ lần đầu. Cũng như nhiều bà mẹ khác, điều chị băn khoăn là ăn gì, uống gì để sau này có thể đẻ con thông minh. Dù điều kiện gia đình không thực sự dư giả, thế nhưng, hàng tháng, chị vẫn bỏ ra cả triệu đồng để mua sữa bầu nhập khẩu từ nước ngoài với hi vọng các khoáng chất, dưỡng chất trong đó sẽ phần nào phát huy tác dụng trong việc xây dựng bộ não của con trẻ. Mẹ chồng chị cũng háo hức không kém nên thường xuyên gửi trứng ngỗng ở quê lên, giục chị cố gắng tẩm bổ càng nhiều càng tốt. Chẳng biết, em bé sau này sinh ra trí tuệ có hơn người không, nhưng ở tháng thứ 6 của thai kỳ, chị đã tăng đến 17 kg.
Cùng chung nỗi niềm với chị Bình, chị Lê Thu Hải (Q.9, TP.HCM) cũng rất chăm chỉ tẩm bổ các loại sơn hào, hải vị. Chị tâm sự: “Xã hội bây giờ người khôn, của khó, nếu con mình sau này sinh ra không bằng bạn bằng bè thì rất khó tồn tại nên vợ chồng tôi phải đầu tư cho bé ngay từ trong bụng mẹ. Để tăng cường các dưỡng chất có lợi cho sự phát triển trí óc như DHA, ARA, omega3…, mỗi tuần tôi đều ăn cá hồi, cá chép, trứng ngỗng… và ngày nào cũng uống thêm sữa. Tôi cũng uống thêm các loại thực phẩm chức năng nữa. Không bổ đầu, sẽ bổ đuôi. Thừa còn hơn là thiếu”.
Ăn gì để đẻ con thông minh là trăn trở của không ít mẹ bầu |
Dinh dưỡng không quyết định trí thông minh
Ăn gì, uống gì để con thông minh có lẽ là nỗi niềm trăn trở chung của các bà bầu. Tuy nhiên, có thật là thực phẩm đóng vai trò quyết định trong sự hình thành và phát triển của não bộ như nhiều người vẫn tin tưởng? Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Lê Thị Kim Dung - Trưởng phòng khám sản phụ khoa, Trung tâm y tế lao động Thái Hà khẳng định: đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm. “Dinh dưỡng thai phụ rất quan trọng song không phải là yếu tố quyết định đến trí thông minh của con. Hơn nữa, điều quan trọng khi mang bầu, ưu tiên hàng đầu sẽ phải là làm thế nào để sinh ra con khỏe mạnh”, bác sĩ Dung nhấn mạnh.
Liên quan đến thông tin bà bầu ăn trứng ngỗng sẽ giúp thai nhi phát triển tốt, đặc biệt là phát triển trí não, các chuyên gia cho biết chưa hề có một kết luận khoa học nào khẳng định phụ nữ mang thai ăn trứng ngỗng thì con thông minh, hoặc trứng ngỗng tốt cho thai nhi hơn các trứng gia cầm khác. Ngoài ra, theo kết quả phân tích khoa học, hàm lượng vitamin A của trứng ngỗng chỉ bằng một nửa so với trứng gà (trứng ngỗng là 0,33 mg%; trứng gà là 0,70 mg%). Trong khi đó, Vitamin A là một loại vitamin rất cần cho phụ nữ có thai.
Tương tự, cá chép được dân gian ca tụng là có thể giúp trẻ sinh ra thông minh, lanh lợi, thế nhưng, trên thực tế, khoa học mới chỉ xác nhận giá trị dinh dưỡng mà loài cá này mang lại. Cụ thể, trong cá chép chứa nhiều dưỡng chất như axit lutamic, glycine, chất béo, arginine tốt cho sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Đặc biệt, với hàm lượng chất đạm cao, cá chép được khuyến nghị nên sử dụng cho người đang mang thai, người vừa ốm dậy… để bồi bổ thể lực. Tuy nhiên, để cân bằng dinh dưỡng, cá chép cũng chỉ nên sử dụng ở mức độ vừa phải, không nên ăn quá nhiều nếu không muốn thiếu hụt các dưỡng chất khác.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ tốt cho cả mẹ và bé |
Với các thực phẩm chứa nhiều DHA, ARA, omega3… như cá hồi, trứng gà... cũng cần sử dụng có chừng mực, không nên là nguồn dinh dưỡng chủ đạo. Hơn nữa, DHA, ARA, omega3… tan trong dầu mỡ, nên nếu không bổ sung chất béo thì các chất này cũng không thể phát huy tác dụng.
Vẫn theo bác sĩ Dung, phụ nữ mang thai cần phải ăn đủ 4 nhóm chất trong các bữa ăn hàng ngày gồm bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng. Trong đó, chất đạm sẽ tăng nhiều hơn. Nhu cầu canxi cần 1000 mg/ngày. Trong 3 tháng cuối, nhu cầu sắt tăng gấp 3 so với bình thường.
Một thực tế được đặt ra là: khi quá chú trọng vào việc ăn uống để tăng khả năng trí não của thai nhi, nhiều mẹ sẽ đối mặt với áp lực tăng cân nhanh chóng. Việc này không chỉ khiến sau sinh các mẹ khó lấy lại vóc dáng mà còn ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của thai nhi. Các chuyên gia cho rằng, trẻ sinh ra nặng hơn 3,8 kg có nguy cơ rối loạn đường huyết, suy hô hấp, đa hồng cầu… hơn so với trẻ có cân nặng bình thường và cần được tầm soát sau sinh.
Trí thông minh của con người phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có gen, môi trường sống. Dinh dưỡng chỉ chiếm một phần nhỏ. Thực tế, dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và khi cơ thể khỏe mạnh thì trí não mới hoạt động có năng suất. Thế nên, bên cạnh việc tẩm bổ cho mẹ bầu hay cho em bé sau này, các mẹ cũng cần quan tâm đến việc giáo dục và đào tạo con ngay từ nhỏ. Hãy tạo ra môi trường học tập cho bé và quan trọng hơn, hãy là tấm gương của sự nỗ lực, phấn đấu để các bé có thể học theo.