Đưa con đi khám dinh dưỡng, chị Hà, quận 2, TP HCM cho biết bé nhà chị 10 tháng tuổi nhưng cân nặng chỉ 7,2 kg. Bé bị suy dinh dưỡng dù chị chăm con kỹ lưỡng, chế độ ăn uống đầy đủ các nhóm chất.
"Khi bác sĩ hỏi về cách chế biến thức ăn, tôi mới biết sai lầm của mình là thường xuyên hầm xương lấy nước nấu cháo, cho con ăn cái gì cũng chỉ chắt lấy nước mà ít khi dùng phần xác, phần thịt vì sợ bé khó tiêu. Chính những điều này đã khiến chế độ ăn của con bị hao hụt chất dinh dưỡng nghiêm trọng nên ăn bao nhiêu cũng chẳng thấm vào đâu", chị Hà chia sẻ.
3 tháng liền con lên cân rất ít, chị Mai, nhân viên của một công ty bảo hiểm tại TP HCM mới đưa con đi khám. Nguyên nhân khiến con chị bị suy dinh dưỡng là bé được ăn dặm quá sớm, từ khi mới 4,5 tháng tuổi, khiến cho hệ tiêu hóa của con bị ảnh hưởng, việc hấp thu chất dinh dưỡng kém. Vì lo lắng cho sự phát triển của con nên khi thấy con còi cọc, chị còn đổi liên tục các loại sữa công thức.
"Ngoài ra, do không biết nên khi cho con bú, mình cứ thay đổi vú liên tục, khiến con không bú được lượng sữa cuối giàu năng lượng, khiến con không tăng trưởng tốt", bà mẹ 27 tuổi này rút kinh nghiệm sau khi được bác sĩ tư vấn.
Trẻ cần được theo dõi cân nặng, chiều cao thường xuyên. Ảnh minh họa: Nam Phương. |
Theo bác sĩ Hoàng Thanh Thủy, Khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng I, suy dinh dưỡng là hậu quả của chế độ ăn thiếu đạm và năng lượng lâu dài ở nhiều mức độ, gây chậm phát triển thể chất và tinh thần, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên.
"5 năm đầu đời là giai đoạn trẻ phát triển mạnh về trí não, chiều cao. Những sai lầm dinh dưỡng trong giai đoạn này sẽ để lại nhiều hậu quả. Cần can thiệp dinh dưỡng sớm để trẻ có thể phát triển tối ưu", bác sĩ Thủy nhấn mạnh.
Tại các phòng khám nhi, số lượng phụ huynh đưa trẻ đến khám vì suy dinh dưỡng vẫn còn rất lớn. Không chỉ trẻ nhà nghèo mà những bệnh nhi con nhà khá giả cũng mắc. Theo Chương trình Phòng chống Suy dinh dưỡng trẻ em, tỷ lệ trẻ nhẹ cân là 19,9%, tức cứ 5 trẻ có 1 trẻ nhẹ cân. Hơn 32% trẻ em Việt Nam suy dinh dưỡng thể thấp còi, tức cứ 3 trẻ có 1 trẻ mắc bệnh.
Trong cộng đồng, suy dinh dưỡng thường gặp dưới 3 thể là thể nhẹ cân, thể thấp còi và thể gầy còm. Với thể nhẹ cân, việc điều chỉnh có thể dễ dàng thực hiện bằng chế độ dinh dưỡng. Với thể thấp còi, thể gầy còm (biểu hiện bằng cơ và mỡ bị teo, suy dinh dưỡng cấp) cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám để điều trị kịp thời.
Một số nguyên nhân gây suy dinh dưỡng là trẻ thiếu ăn về số lượng, cách chế biến thức ăn không đảm bảo chất lượng, trẻ mắc nhiều bệnh nhiễm khuẩn, ăn dặm quá sớm hoặc quá trễ, trẻ bú mẹ không đúng cách, trẻ suy dinh dưỡng bào thai, trẻ thiếu các vi chất như vitamin A, axit folic, sắt...
Bác sĩ Thủy cho biết, suy dinh dưỡng dẫn đến nhiều nguy cơ bệnh tật và tử vong, ảnh hưởng khả năng lao động, trí lực, là nguyên nhân của nhiều bệnh mạn tính. Khi rơi vào tình trạng này, cơ thể giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, tiêu chảy, viêm phổi....
Hậu quả của nó có thể kéo dài qua nhiều thế hệ. Trẻ nhỏ, vị thành niên suy dinh dưỡng sẽ phát triển thành người lớn suy dinh dưỡng, rất dễ sinh con nhẹ cân, có nguy cơ tử vong cao và phát triển không bình thường.
Biểu hiện của suy dinh dưỡng ở giai đoạn nhẹ là trẻ không tăng cân, chậm tăng cân, biểu đồ tăng trưởng nằm ngang hoặc đi xuống, cơ nhão, mất lớp mỡ dưới da, da xanh. Ở giai đoạn muộn, trẻ hay quấy khóc, thờ ơ với ngoại cảnh.
"Nhiều trường hợp trẻ nhìn mập mạp nhưng vẫn bị chẩn đoán là suy dinh dưỡng. Đây là thể phù, với các rối loạn sắc tố da, rối loạn hình thái và chức năng các cơ quan khác, ảnh hưởng răng, tóc, mắt, xương, ruột...", bác sĩ Thủy lưu ý.
Để phòng chống suy dinh dưỡng, bà mẹ cần chăm sóc từ lúc mang thai. Cần nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách, chú ý các tư thế cho con bú. Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, không ăn uống thêm gì trong 6 tháng đầu tiên. Cần cho trẻ hấp thụ được nguồn sữa cuối giàu dinh dưỡng bằng cách bú hết vú này rồi mới chuyển sang vú còn lại.
Nên cho trẻ dặm đúng thời điểm, bắt đầu từ tháng thứ 6 trở đi với các thức ăn phù hợp, giàu dinh dưỡng, đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản. Nếu em bé gầy, có thể làm tăng đậm độ năng lượng và giảm độ đặc bằng cách tăng chất béo, đối với thịt, cá, rau, củ... cần ăn cả xác thay vì chỉ ăn nước, mỗi bữa nên thêm 2 muỗng dầu ăn ( nên dùng loại dầu tinh luyện) vào chén bột của trẻ. Nhiều bà mẹ không dám cho con ăn dầu ăn vì sợ ảnh hưởng đến tiêu hóa của bé, chính điều này đã khiến cho bé mất đi một lượng chất béo rất lớn.
Với những trẻ đã biếng ăn, có dấu hiệu suy dinh dưỡng thì cần phải kiên nhẫn và dành thời gian thật nhiều để trao đổi, khuyến khích trẻ ăn, không ép trẻ ăn. Nếu trẻ lười uống sữa, có thể cung cấp thêm các chế phẩm từ sữa thay thế như yaourt, váng sữa, bánh plan...Với những trẻ suy dinh dưỡng thể nặng, cần phải điều trị nội trú tại bệnh viện dưới sự theo dõi của bác sĩ.
Suy dinh dưỡng ở trẻ em để lại nhiều tác hại lúc cơ quan chưa trưởng thành, dưới 6 tuổi đối với não, dưới 20 tuổi đối với chiều cao. Do đó, cần đi khám dinh dưỡng sớm, tìm hiểu rõ nguyên nhân gây biếng ăn, không tăng cân của trẻ để có hướng can thiệp kịp thời, tạo điều kiện cho trẻ phát triển thể lực, trí tuệ ở những giai đoạn quan trọng.
Lê Phương