Bẩn như nước thủ đô?
Làng Sinh viên Hacinco nằm tại phường Nhân Chính - Quận Thanh xuân – TP Hà Nội. Khu nhà ở liên hợp với cơ sở hạ tầng tiện nghi đầy đủ đang là nơi phục vụ nhu cầu ở, sinh hoạt và học tập cho sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng... trên địa bàn thành phố. Ngoài đối tượng chính là sinh viên, thành phần dân cư sinh sống ở đây còn có người đi làm và các hộ gia đình.
Là khu chung cư được đánh giá là hiện đại bậc nhất cho sinh viên, lại ở vị trí sôi động của thành phố, nhưng nhiều năm nay, những người sống trong làng Hacinco lại đang phải sử dụng nguồn nước bẩn.
“Để có nước sinh hoạt dùng, bọn mình phải dùng khăn quấn quanh miệng vòi 3-4 lượt để loại bỏ cặn bẩn. Lọc 1 ngày thì khăn trắng chuyển màu nâu sậm, ngày thứ 2 trở đi là đen kịt, mùi thum thủm như mùi cống. Nếu để nguyên trạng, có lẽ chẳng ai dám dùng nước này để tắm, giặt, lau chùi chứ đừng nói là ăn”, một sinh viên tên T. bức xúc chia sẻ. Vẫn theo sinh viên này, họ phải dùng khăn lọc là để tránh cặn bẩn và những con vật như bọ và giun, chứ thực ra nước lọc xong vẫn là nước bẩn.
Có Thời điểm nước xả ra đen và bẩn |
Đồng quan điểm, bạn N.T.L. sống ở nhà A của làng cho hay: “Mình đã sống ở đây gần 4 năm và cũng ngần ấy thời gian phải sống chung với nước bẩn”. Cũng như nhiều người, L. phải dùng khăn để quấn vào đầu ống xả, nhằm loại bỏ phần nào tạp chất. “Tiền mua giấy ướt để lọc nước chiếm một khoản kha khá quỹ phòng, rất là tốn kém”, L. ngậm ngùi. Theo ghi nhận của PV từ những người sinh sống lâu năm ở Hacinco, hồi tòa nhà mới được đưa vào khai thác sử dụng, nước cũng được coi là sạch, nhưng khoảng vài năm gần đây thì tình trạng nước bẩn trở lên nghiêm trọng. Có thời điểm nước đen, đục ngầu, có nhiều cặn và thậm chí có cả bọ, khiến mọi người vô cùng ái ngại
Loay hoay tự bảo vệ mình…
Mặc dù người dân tại Hacinco đứng ngồi không yên với nguồn nước bẩn, thế nhưng, ban quản lý khu nhà lại vẫn rất bình chân. Khi được hỏi về tại sao nước lại bẩn đến thế, đại diện ban quản lý chỉ trả lời do lâu ngày không cọ bể. Không tìm được câu trả lời thích đáng và cũng chẳng thể xoay xở được tình hình, mọi người ở đây đành cam chịu sống với nước bẩn từ nhiều năm nay.
Để tự “cứu mình”, ngoài cách buộc khăn sạch vào đầu ống dẫn nước, những cư dân ở đây còn phải sắm sửa các thùng, chậu lớn tích nước, với hi vọng chất bẩn sẽ lắng đọng ở phía dưới, sau đó mới dám sử dụng. Một số người có điều kiện hơn thì sẵn sàng bỏ tiền mua nước đóng bình về để nấu ăn và uống. Cách này có vẻ an toàn hơn song vẫn chỉ là giải pháp tạm thời.
Tính đến thời điểm hiện tại, trước sức ép của người dân cũng như một số cơ quan báo chí, làng sinh viên Hacinco đã tiến hành làm sạch bể nước. Nước sinh hoạt giờ đã có vẻ trong hơn, song nếu nhìn bằng mắt thường vẫn có thể thấy những cặn đen. Không những vậy, nước xả ra lại có mùi lạ khiến người dân cũng lăn tăn khi dùng. Do đó, để có nước sinh hoạt, bọc vải vào đầu ống nước xả vẫn là giải pháp được những người sống ở đây lựa chọn.
Trăm bệnh rập rình
Dù được khẳng định chỉ dùng nước để tắm, giặt, thế nhưng, sự thực thì nỗi lo về sức khỏe vẫn rình rập trên đầu các cư dân Hancico. “Chẳng ai biết chất lượng nước ở đây đang thừa chất gì, thiếu chất gì, nhưng nhìn vào đã thấy nguy cơ mắc bệnh ngoài da rồi. Không biết phải có phải do nước không mà nhiều người ở đây thường xuyên bị ngứa ngáy, khó chịu. Trước đây, miếng khăn ướt bịt ở vòi để lọc thì từ sáng đến tối mới phải thay nhưng bây giờ cứ 2-3 người tắm là bọn tôi lại phải thay giấy lọc, tránh viêm da” – bạn N.T.L, ái ngại.
Không chỉ lo lắng về bệnh ngoài da, băn khoăn về viêm nhiễm phụ khoa cũng là trăn trở của không ít các bạn nữa nơi đây. Bởi thực tế, khi phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh như thế này để vệ sinh “vùng kín” hàng ngày, nguy cơ nhiễm viêm nhiễm là điều dễ hiểu.
Ngoài ra, với những sinh viên không đủ tiền mua nước đóng bình để uống và nấu ăn, nguy cơ mắc các bệnh về gan, thận sẽ rất lớn vì nước ở đây từng có kết luận là nhiễm amoni, asen..
Mùa nóng cao điểm sắp, thế nhưng, với chất lượng nước hiện tại Hacinco, không ai dám đảm rằng, bên cạnh những bệnh sẵn có trong mùa hè, người dân ở đây sẽ “đón” thêm những mầm bệnh nào vào cơ thể. Và cũng có lẽ, không biết đến bao giờ, những người sống giữa thủ đô như thế này mới vơi đi cơn khát nước sạch?
NƯỚC Ở HACINCO TỪNG NHIỄM ASEN, AMONI
Một bài báo năm 2013 có đăng tải thông tin về việc một nhóm SV khoa Hóa, ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội đem mẫu nước đang dùng đi phân tích tại phòng thí nghiệm của trường. Kết quả là hàm lượng amoni tăng gấp 30 lần so với giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế năm 2003 đối với nước ăn uống và sinh hoạt.
Khi đưa hai mẫu nước lấy tại dãy nhà E và A của Làng sinh viên Hacinco đi phân tích tại bộ môn Công nghệ hóa học, khoa Hóa (ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội) kết quả cho thấy, so với giới hạn cho phép, tại nhà E hàm lượng asen gấp 2,7 lần, amoni gấp gần hai lần, nitrit gấp 38 lần; tại nhà A hàm lượng asen gấp hai lần, amoni gấp ba lần và nitrit gấp 20 lần.
Ngoài ra, khi đem hai mẫu nước lấy tại nhà A và E đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Hà Nội) xét nghiệm thì hàm lượng asen và amoni trong hai mẫu nước này đều ở trong điều kiện cho phép, nhưng hàm lượng nitrit tại nhà E gấp... 270 lần và nhà A gấp 139 lần so với giới hạn cho phép.