Ảnh: healthbeautyfitness.in. |
Trong Đông y, chậm kinh hay còn gọi là kinh sau kỳ, đến muộn, kinh sụt. Biểu hiện kinh thường đỏ sẫm, có lẫn máu cục, hay đau bụng trước khi hành kinh, người mệt mỏi, bụng đầy, khó tiêu. Nguyên nhân chính là do hư hàn, huyết ứ hoặc đàm trệ. Phương pháp chữa cần phải ôn kinh, tán hàn, hoá ứ..
Phân theo 3 nguyên nhân, có thể uống một số bài thuốc sau:
+ Nếu do hư hàn thì lượng kinh ít, màu nhạt, chân tay lạnh, bị đau liên miên. Dùng phương pháp chữa ôn kinh trừ hàn. Bài thuốc: thục địa 12g, xuyên khung 10g, hà thủ ô 10g, đẳng sâm 12g, gừng tươi 8g, ngải cứu 12g, xương bồ 8g. Ngày một thang sắc uống. Uống 6 thang trước kỳ kinh.
+ Nếu do huyết ứ, huyết hư thì biểu hiện ít kinh, màu đen, vón cục. Bài thuốc hoạt huyết khứ ứ điều kinh: sinh địa 12g, xuyên không 8g, kê huyết đằng 16g, ích mẫu 16g, đào nhân 8g, uất kim 8g. Ngày 1 thang sắc uống, uống khoảng 6 thang trước kỳ kinh.
+ Huyết hư: lượng kinh ít, loãng, người mệt mỏi, đoản hơi, ngại nói, da khô, phải dùng bài thuốc bổ huyết điều kinh. Bài thuốc: thục địa 12g, xuyên không 8g, kê tử 12g, tía tô 8g, long nhãn 12g, trần bì 6g, ích mẫu 12g, đan sâm 8g. Ngày một thang sắc uống trước kỳ kinh.
Ngoài ra, bạn có thể dùng một số món ăn bài thuốc có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, ôn trung, tán hàn. Quan trọng với người có kinh đến sau kỳ là cần phải tập lối sống khoa học, ăn uống đầy đủ.
Lương y Vũ Quốc Trung