Chị Nguyễn Thị Quỳnh Viên tại vườn rau - Ảnh Internet
Đang là thạc sĩ hóa học, giảng viên Đại học Kiến trúc, chị Nguyễn Thị Quỳnh Viên quyết định khởi nghiệp với rau hữu cơ khi thực hiện đề tài khoa học "nghiên cứu sự khống chế của sâu bệnh trên sâu ăn lá bằng phương pháp vi sinh". Học về hóa, chị hiểu có nhiều cái khoa học không làm được mà vi sinh làm được. Sau đề tài cao học, chị đi sâu hơn vào vi sinh vì phân hóa học không thể giải quyết triệt để, gây ra tồn dư hóa học; nếu biết kết hợp giữa vi sinh và hóa học sẽ bổ trợ cho nhau rất tốt.
Chị đã bước vào nông nghiệp với tư cách của một người nghiên cứu và muốn biến nghiên cứu ấy thành hiện thực để xây dựng một mô hình chuẩn nhằm chứng minh rằng nhà nông nào cũng có thể trồng rau hữu cơ và sẵn sàng chuyển giao công nghệ ấy cho mọi người cùng làm một cách vô vị lợi.
Nhưng "nhà nghiên cứu" Nguyễn Thị Quỳnh Viên cũng đã trả giá không nhỏ khi bắt tay vào trồng rau xanh ăn lá trong điều kiện đất đai, nguồn nước bị nhiễm độc hiện nay. Chưa biết gì về nông nghiệp, một hai năm đầu thuê đất ở Tân Bình 4.000m2 để thử nghiệm trồng rau ăn lá trước, ban đầu mô hình của chị gặp rất nhiều khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Viên - Ảnh Internet
Trên mảnh đất rộng hơn 4.000 m2 nằm trên địa bàn Q.Tân Bình, TP.HCM là những luống rau xanh tươi đang được chăm sóc. 8 năm trước, mảnh đất này cỏ cây mọc um tùm, ai nhìn thấy cũng phải lắc đầu ngán ngẩm. Ấy vậy mà, Nguyễn Thị Quỳnh Viên lại quyết định đi thuê nó, cải tạo để trồng rau.
Quỳnh Viên kể, vào năm 2010, khi đó đang là giảng viêng tại trường Đại học Kiến trúc TP.HCM - cô chuẩn bị thực hiện đề tài tiến sĩ. Trước đó, do đã nghiên cứu vi sinh xử lý nước rất thành công nên khi thực hiện đề tài, câu hỏi đặt ra đối Viên lúc đó là tại sao không sử dụng vi sinh để khống chế sâu bệnh trên rau xanh, thay vì phun thuốc trừ sâu? Và Quỳnh Viên bắt tay vào làm.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});Ban đầu, Viên có xuống tham quan một mô hình trồng rau ở Long An. Sau khi tham khảo ý kiến của một số người thì cô quyết định đầu tư vào trồng rau thử nhưng kết quả thất bại. "Xung quanh mảnh vườn tôi làm, những người nông dân trồng rau khác vẫn phun xịt thuốc bình thường, vườn rau của tôi hiển nhiên trở thành "miếng mồi ngon" của sâu bệnh", Quỳnh Viên nhớ lại.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Viên - Ảnh Internet
Tưởng chừng như kế hoạch bị dừng lại thì vào năm 2011, trong một lần tình cờ đến thăm người bạn của ông xã thì Quỳnh Viên phát hiện ra mảnh đất mà hiện tại đã trở thành vườn rau hữu cơ và quyết định thuê nó.
"Thửa đất này khi đó rất xấu, cỏ mọc um tùm, cằn cỗi. Tôi có tìm đến một người nông dân có tiếng ở Đồng Nai, đưa người này đến mảnh đất rồi hỏi có làm được không và nhận được cái gật đầu. Thế là tôi quyết định thuê, kiểm tra đất, nguồn nước thấy đáp ứng được nên bắt tay vào làm", Quỳnh Viên kể.
Trong khoảng thời gian hơn 1 năm sau đó, Quỳnh Viên đã biến mảnh đất mà ai thấy cũng bỏ chạy đó để trồng rau. Trong quãng thời gian tiếp theo, cô gặp không ít khó khăn nhưng rồi vườn rau bắt đầu ổn định sau quãng thời gian 3 năm kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động. Cô cũng đã có được quy trình trồng, chăm sóc rau hữu cơ hoàn thiện; đáp ứng được các chỉ tiêu chất lượng do mình nghiên cứu, thực hiện.
Nguyễn Thị Quỳnh Viên cho hay, khó khăn không ít nhưng chị cũng đã có được thành công đảm bảo được quy trình sản xuất rau hữu cơ mà mình đã đặt ra. Vườn rau hữu cơ Happy Vegi của Quỳnh Viên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; có nhật ký chăm sóc tỉ mỉ, rõ ràng.
Ngoài vườn rau hữu cơ ban đầu tại Q.Tân Bình, đến nay, chị Nguyễn Thị Quỳnh Viên tiếp tục mở thêm 2 vườn rau hữu cơ ở huyện Củ Chi (TP.HCM) và 1 vườn rau ở Kon Tum. "Tôi muốn chứng mình cho mọi người thấy rằng, chúng ta hoàn toàn có thể trồng rau được rau hữu cơ trên nhiều hệ sinh thái, điều kiện thổ nhưỡng khác nhau. Tôi mong muốn nước ra có một nền nông nghiệp tốt, người nông dân sống tốt với nghề nông, người tiêu dùng được hưởng lợi", Quỳnh Viên bày tỏ.