Đó là một nghịch lý cơ bản trong cuộc sống, cũng chính là thứ làm nên những con người thành công kiệt xuất, những con người thành công và những kẻ “lết qua từng ngày” vô nghĩa. Tối ưu hóa các hoạt động trong vỏn vẹn 24h, đó là phương trình mà chúng ta phải giải thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như đẩy mình lên một tầm mới trong xã hội.
Trên thực tế, nếu coi mục đích của cuộc sống là cảm giác hạnh phúc và hài lòng, cũng như tạo ra giá trị cho bản thân và xã hội thì tất cả chúng ta đều có khả năng trở thành những cá nhân “siêu năng suất”, bất kể địa vị, trình độ văn hóa – học vấn hay gia cảnh.
Dưới đây là 6 bí kíp giản đơn giúp bạn sống “năng suất” hơn để cảm thấy hài lòng và hạnh phúc hơn:
Tập trung tối đa vào công việc hiện tại
Bất kể bạn đang làm gì ngay lúc này, hãy tập trung toàn lực cho nó. Giải một bài toán khó, lên kế hoạch kinh doanh hay viết những dòng chia sẻ cách để sống hiệu quả và năng suất hơn …dù là công việc gì, hãy chú tâm vào nó.
Thực tế cho thấy những người kém thành công luôn có “đầu óc trên mây”, đang làm việc này thì lại vẩn vơ nghĩ sang chuyện khác. Việc tập trung tưởng dễ mà lại không dễ, bởi không phải ai cũng được sinh ra với năng khiếu tập trung bẩm sinh. Cách duy nhất là hãy ép mình. Chẳng phải ngày xưa học tiểu học, chúng ta vẫn được dạy phải hô ra rả: “Chưa học bài xong chưa đi ngủ, chưa làm bài đủ chưa đi chơi.” đó sao.
Lẽ dĩ nhiên, con người không phải là cái máy và khoa học cũng chứng minh độ tập trung “rớt hạng” chỉ sau mỗi 20 phút. Vậy phải làm thế nào? Josh Pais, chuyên gia đào tạo kỹ năng cho các diễn viên, diễn giả, các nhà khởi nghiệp khuyên rằng, khi cảm thấy đầu óc có dấu hiệu mệt mỏi lơ là và “trôi đi nơi nào xa lắm”, hãy đứng dậy hít thở, nhắm mắt trong 1-2 phút. Sau đó, quay trở lại với công việc và hô to: “Nào, tiếp tục!” Nghe có phần hơi điên nhưng thực sự rất hiệu quả, bạn hãy thử xem.
Đừng “đa nhiệm”
Trước nay người ta cứ cho rằng “năng suất” có nghĩa là làm được nhiều việc hơn trong một khoảng thời gian, song giờ các nhà phân tích khẳng định điều này không còn đúng nữa.
Rất đơn giản, hãy nghĩ đến những khi bạn chạy quá nhiều tab trên màn hình chiếc điện thoại thông minh của mình: Email, Facebook, Instagram, một đoạn video vui nhộn về mấy con mèo trên YouTube rồi thì ứng dụng game Zombie … Dám cá là dù cấu hình máy tốt đến đâu, khả năng “đơ”, “giật”, load ì ạch hoàn toàn là điều có thể.
Chỉ làm thật tốt một việc trong một thời điểm là bí quyết để năng suất và hiệu quả hơn. Ảnh minh họa (Internet).
Con người cũng thế. Làm quá nhiều việc cùng lúc khiến bạn không để đảm bảo được hiệu quả và chất lượng cho mỗi công việc. Đồng thời, “đa nhiệm” cũng khiến bạn mất tập trung, vi phạm nghiêm trọng quy tắc số 1: tập trung tối đa vào công việc hiện tại.
Vậy nên, thay vì định nghĩa “năng suất” là làm nhiều việc cùng lúc, hãy hiểu “năng suất” là làm được thật nhiều cho một đầu việc trong một khoảng thời gian quy định.
Tránh bị làm phiền bằng mọi giá
Bạn đang bận rộn với dự án của mình, nhưng rồi cô bé đồng nghiệp cứ gọi bạn ra, nhờ chỉ giúp cái này cái kia. Một hai lần không sao, bạn cũng nghĩ giúp người khác là tốt. Nhưng dần dần, bạn sẽ cảm thấy phiền. Ai cũng có công việc riêng của riêng mình, ai cũng bận rộn chạy deadlines, tốt nhất là nên tự mình giải quyết.
Tỏ ra đang tập trung và không muốn tham gia vào một cuộc tán gẫu không khiến bạn “chảnh” và khó gần trong mắt mọi người như bạn vẫn lo. Hãy bắt chuyện lại vào lúc khác, bởi bạn sẽ không thể lường được những tác hại khôn lường của việc trả lời câu hỏi “Mình mặc chiếc áo này đẹp không?” của cô bạn kế bên, hay cười hùa theo một chuyện đùa của sếp đối với tiến độ làm việc của mình. Như đã nói ở trên, hãy tập trung và đừng đa nhiệm, đó mới là chìa khóa để làm năng suất hơn, hiệu quả hơn.
Lạm dụng "chuyện phiếm nơi công sở" có thể ảnh hưởng không tốt tới tiến độ làm việc của bạn. Ảnh minh họa (Internet).
Mà nếu không tin lắm vào nguyên tắc này, hãy nhìn ngay tại nơi làm việc của mình xem. Có phải các sếp to luôn có phòng riêng, rộng rãi, cách âm và thường xuyên đóng kín cửa. Ở trong đó, họ không bị làm phiền, và họ đưa ra những quyết định vĩ đại. Hãy học lối làm việc đó (trước khi bạn có phòng làm việc riêng!).
Chơi với người chăm chỉ, thành đạt
Có lẽ, thành kiến cho rằng kẻ chăm chỉ thì thường vô vị, nhạt nhẽo chỉ đúng với hồi đi học (đa phần chúng ta đều không thích bị gọi là mọt sách, hoặc chơi với những tên mọt sách). Thế nhưng, cuộc đời chứng minh những người làm việc hăng say, nghiêm túc và đạt được các thành tựu lớn lao lại là những người rất biết “chơi”, biết tận hưởng cuộc sống. “Work hard, Play hard” – người ta đã bảo vậy rồi.
Hãy nhìn vào các nghệ sỹ đình đám nhất thế giới hiện nay như Lady Gaga, Taylor Swiff, Beyoncé. Họ tiêu tiền tỷ vào hàng hiệu, tổ chức những bữa tiệc linh đình, xa hoa, tốn kém. Nhưng họ cũng là tác giả của những tour diễn chất lượng từ nội dung đến hình thức, những album nhạc với gần tỷ lượt stream và luôn nghiêm túc, đúng mực khi làm việc phía sau cánh gà. Họ gặp gỡ (và cặp với) những đại gia tài năng, những cộng sự chung chí hướng hay kết bạn cùng nhiều người nổi danh, giàu có bằng chính sức mình.
Hai vợ chồng Beyoncé và Jay Z, những người làm nhạc nghiêm túc.
Các cụ nhà ta thì có câu: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Để làm việc tốt hơn, có tiền đồ tươi sáng hơn, hãy kết thân và hợp tác với những người cùng có mục tiêu như vậy.
Chớ để cảm xúc lấn át
Đặc biệt là những cảm xúc cực đoan, như chán nản hay giận dữ. Bạn sẽ phải mất hàng giờ để giải quyết những hậu quả mà nỗi tức giận, sự mệt mỏi căng thẳng đem lại trong ngày. Tốt nhất là tạm gạt chúng sang bên, tập trung hoàn thành công việc của mình thay vì thanh minh hay “xả” ra với mọi người. Sẽ có thời điểm khác cho bạn làm điều đó.
Nhưng không để cảm xúc lấn át khác với việc dồn nén cảm xúc của chính mình, bởi một khi bị dồn nén quá đà, những trạng thái tiêu cực chắc chắn sẽ có lúc “dâng trào” và “bùng nổ”, đi kèm những hậu quả “khủng khiếp”.
Biết "cương nhu" và thả lỏng bản thân để hợp tác và đàm phán hiệu quả. Ảnh minh họa (Internet).
Những người năng suất, về bản chất, là những người có khả năng điều phối hiệu quả từ công việc cho tới trạng thái tinh thần, thể chất của bản thân. Lời khuyên từ họ là hãy biết lúc nào cần tỏ ra dễ chịu và lúc nào cần “chơi rắn” để tiết chế những cảm xúc mạnh trong mình. Trên tất thảy, hãy luôn hướng đến cách giải quyết thông minh để đạt được hiệu quả làm việc mong muốn.
Và cuối cùng, hãy yêu bản thân
Chỉ khi yêu bản thân, bạn mới có niềm tin rằng mình sẽ làm được những điều phi thường. Một trong nhưng cách cơ bản nhất để yêu và cảm thấy tích cực hơn về chính mình đó là tham gia một hình thái vận động thể chất phù hợp. Thiền định, yoga, chạy bộ, bơi lội hay nhảy múa …khi khỏe mạnh dẻo dai hơn, bạn sẽ có được sự chuẩn bị tốt nhất cho khối lượng công việc đồ sộ trước mắt.
Trên tất thảy, chúng ta là những cá nhân không hoàn hảo, song đều đang cố gắng sống tốt hơn, đẹp hơn bằng những kiến thức và kỹ năng được truyền dạy. Hãy hướng đến những năng lượng tích cực, những mục tiêu tối ưu để định hướng toàn bộ cuộc đời mình. Và bởi ý nghĩa cuộc đời đến từ hành trình chứ không phải điểm đến, một cuộc sống hăng hái, nhiệt tình chắc chắn sẽ đem tới cho bạn sự thỏa mãn và niềm hạnh phúc vô biên.