Sau khi những thay đổi được công bố, báo giới cũng như những nhà phân tích chuyên môn đã có hàng loạt nội dung mổ xẻ về tính đúng đắn – sai lầm hay triển vọng thành công – thất bại của Alphabet. Giữa những luồng thông tin trái chiều, nhiều bài báo cũng cố gắng khai thác sự kiện mới mẻ này trong những cái nhìn khách quan hơn, trung thực hơn.
Xét về đúng bản chất sự việc, Google đã trở thành nền tảng vững chắc để hai nhà đồng sáng lập lập nên một thực thể mới to lớn và vĩ đại hơn mang tên Alphabet. Mảng dự án có tính đổi mới và tham vọng được rút ra khỏi Google, trở thành một bộ phận độc lập trực thuộc công ty lớn. Alphabet, tiếng là công ty mới thành lập, song đã ngay lập tức sở hữu 8 đơn vị thành viên, trong đó có 1 đơn vị cực kỳ vững mạnh trên thương trường là Google. Kể cũng hơi ngược đời, bởi theo lẽ thường, các công ty hoạt động rồi lớn mạnh thông qua thâu tóm, sáp nhập; còn ở đây, từ một đơn vị lớn mạnh lại sinh ra một thực thể lớn hơn để rồi sở hữu chính nó.
Sự kiện thành lập Alphabet của Larry Page và Sergey Brin khiến nhiều người ngay lập tức nghĩ đến mô hình của các công ty như berkshire Hathaway, General Electric (GE) và AT&T. Vì sao lại vậy? Hãy cùng tìm hiểu qua một số phân tích dưới đây.
Berkshire Hathaway
Khi cấu trúc mới được công bố, nhiều người đã ngay lập tức liên tưởng Alphabet với một đế chế “tập đoàn hỗn hợp”, với những mảng hoạt động bao trùm đa dạng các lĩnh vực và ngành công nghiệp – bất cứ điều gì khiến bộ máy lãnh đạo hứng thú và tin rằng có thể đem về lợi nhuận.
Đây cũng là chiến lược được áp dụng bởi tỷ phú Warren Buffett và biến ông trở thành một trong những cá nhân giàu có bậc nhất thế giới, cũng như sở hữu tập đoàn có giá trị lớn thứ 5 toàn cầu Berkshire Hathaway. Mặc dù trọng tâm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, song Berkshire có “chân rết” trong vô số địa hạt ngành nghề, từ nhà di động, chuyên cơ cá nhân cho tới chai tương cà và những cục pin tiểu. Chưa kể là vừa rồi, ngài Buffett đã cùng tập đoàn của mình chốt thương vụ mua lại lớn nhất của hãng từ trước đến nay với 37 tỷ đô chi cho công ty sản xuất linh kiện vũ trụ Precision Castparts.
Nếu đọc lại founder letter của Larry Page, có thể thấy rằng chẳng chóng thì chầy Alphabet cũng sẽ đi theo chiến lược bành trướng của Berkshire: “Alphabet là doanh nghiệp cổ phần hỗ trợ các dự án triển vọng thông qua đội ngũ lãnh đạo vững vàng và tính độc lập tuyệt đối. Nhìn chung, các dự án sẽ được vận hành và quản lý bởi một CEO riêng biệt có thể tham vấn tôi và Sergey nếu cần. Chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm ngặt hoạt động phân bổ dòng vốn nhằm đảm bảo việc kinh doanh được vận hành hiệu quả. Chúng tôi cũng sẽ đảm bảo rằng dự án nào cũng sẽ có một CEO giỏi đứng ra chỉ đạo, và chính chúng tôi sẽ quyết định mức đãi ngộ cho CEO đó.”
Khi đọc những dòng này thì hẳn ngài tỷ phú Buffett cũng phải gật đầu ưng ý. Cũng như định hướng của Page và Brin, Warren Buffett hiện chỉ đứng ra một đội ngũ nhân sự cấp cao khoảng 24 người “đóng đô” tại Omaha, Nebraska, và cùng 24 cá nhân này, ông thực thi quyền hành rộng lớn có tầm ảnh hưởng tới ít nhất 340.000 lao động trên khắp cả nước.
Tuy nhiên, có một điểm khác biệt cơ bản, là trong khi Berkshire chỉ nhăm nhe thôn tính hoặc góp phần trong những doanh nghiệp lớn, ăn nên làm ra và nhiều triển vọng phát triển; thì Alphabet sẽ chỉ quan tâm tới khía cạnh đột phá, cách mạng, tính khả thi và khả năng làm lợi cho cộng đồng từ các dự án mới. Tức là Berkshire lớn mạnh nhờ chiến lược “ăn chắc” thì Alphabet chấp nhận rủi ro khi làm sân sau hậu thuẫn cho các startup non trẻ.
General Electric
Nếu như Berkshire hathaway không phải một minh họa chính xác cho diện mạo tương lai của Alphabet thì phải chăng general electric sẽ là sự phản ánh xác đáng hơn chăng? Được góp phần tạo lập bởi Thomas Edison – nhà phát minh đại tài của thế kỷ 19, từ những bóng đèn điện đầu tiên, tới nay General Electric đã trở thành một tập đoàn toàn cầu chuyên về các sản phẩm điện tử - công nghệ và rất nhiều chuyên viên nghiên cứu làm việc tại GE tiếp tục trở thành những nhà phát minh của thế kỷ 21, với hệ cáp quang, máy chụp cộng hưởng từ toàn thân (MRI) cùng vô số công nghệ tối tân khác.
Có thể thấy rõ ở đây rằng cả GE và Alphabet đã cùng chung chí hướng, đó là luôn tìm tòi và sáng tạo ra những điều mới mẻ chưa từng có và đem đến giá trị cho người sử dụng.
Tuy nhiên, mặc dù địa hạt quan tâm có thể giống nhau song cách thức vận hành lại là điểm khác biệt mấu chốt. Cụ thể, GE có một đầu não trung tâm chuyên về nghiên cứu phát triển, cho ra đời các công nghệ mới và chuyển giao áp dụng cho nhiều đơn vị, bộ phận, lĩnh vực khác nhau. Đơn cử như công nghệ Laser được các chuyên viên phòng nghiên cứu GE phát triển đã được nhân rộng mô hình và ứng dụng trong cả hai lĩnh vực hoạt động của hãng là y tế và viễn thông. Như vậy, với GE, chính sự kết nối mới là nền tảng của thành công và tăng trưởng chứ không phải tính đơn lẻ, độc lập với nhau. Cũng chính sự kết nối này đã làm nên một văn hóa GE khá xuyên suốt, được củng cố bởi sự chỉ định hoạt động và vai trò rõ ràng giữa các đơn vị thành viên trong mô hình tập thể chung.
Như vậy, có thể nói mặc dù rất có khả năng là Alphabet và GE cùng chia sẻ tham vọng tạo ra các bước đột phá về công nghệ hữu ích và có giá trị dài lâu trong đời sống con người, song xét về mặt vận hành thì để đạt được những mục tiêu đó, GE vẫn chưa phải mô hình hoạt động mà Alphabet hướng đến.
AT&T/Bell Labs
Nếu nói về những dự án khoa học đầy tham vọng và các đột phá lớn về công nghệ thì có lẽ không một thực thể doanh nghiệp nào lại dày dạn thành tích hơn Bell Labs của AT&T, hạt nhân nghiên cứu và phát triển của mạng viễn thông hàng đầu thế giới từ năm1925 đến 1996.
Có lịch sử hoạt động lâu đời giống GE, Bell Labs cũng là đứa con tinh thần của nhà phát minh Alexander Graham Bell (người tạo ra chiếc máy điện thoại đầu tiên trên thế giới) và luôn đi đầu trong công nghệ điện trở bán dẫn, laser, vệ tinh truyền thông, pin năng lượng mặt trời và ngôn ngữ lập trình máy tính. Các công trình được xây dựng và hoàn thiện tại Bell Labs đã đem về cho đơn vị này 8 giải Nobel danh giá và củng cố ngôi vị độc tôn của AT&T tại Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ.
Một số phát kiến từ Bell Labs thực sự đem về lợi nhuận cho các cổ đông của AT&T, song không có nghĩa chỉ những dự án nghiên cứu đảm bảo được tiềm năng sinh lời mới được hãng này hậu thuẫn. Trên thực tế, mối quan hệ giữa hiệu suất lợi nhuận – mức độ đầu tư khá mờ nhạt tại AT&T, có nghĩa là AT&T tập trung kiếm tiền nhờ vào vị thế ông trùm viễn thông, đồng thời trích lại một phần lời lãi để thúc đẩy hoạt động sáng tạo, thay vì chỉ chăm chăm dựa vào đội ngũ nghiên cứu sáng tạo để củng cố vị thế của mình.
Đây là mô hình mà Alphabet hoàn toàn có thể học hỏi, nhất là khi cân nhắc cấu trúc mới của doanh nghiệp này. Sở hữu Google với những thế mạnh truyền thống, bao gồm công cụ tìm kiếm, bản đồ, quảng cáo di dộng, quảng cáo video, quy mô và cả hiệu suất sinh lời của Google đủ ăn đứt 7 “người anh em” còn lại. Như thế, Google sẽ là người anh cả cần mẫn tạo ra của cải vật chất để đàn em có chỗ dựa vững chắc cả về tài chính và thế lực.
Dẫu vậy, cách thức vận hành này cũng tồn tại một số rủi ro, mà rõ nét nhất là khi chủ lực “kiếm ra tiền” gặp trục trặc. Thương trường luôn biến động và với ngành công nghệ thì sự xoay vần càng khó đoán: hôm nay anh là vua, nhưng ngày mai có thể trở về tay trắng. AT&T có lợi thế của một tập đoàn hùng cứ suốt một quãng thời gian dài, hệ thống đã đi vào ổn định và kinh qua các giai đoạn khó khăn, vậy nên hãng biết cách cân bằng hoạt động để duy trì một báo cáo tài chính “an toàn” nhất.
Trong khi đó, Alphabet, nếu muốn “sống thọ” như AT&T, cần phải rất thận trọng trong việc thực thi các chính sách và chiến lược. Đầu tư cho dự án nào, bao nhiêu tiền, lấy từ Google bao nhiêu… là những điều mà ban lãnh đạo cần thận trọng cân nhắc. Khi sự đầu tư trở nên quá đà mà không hứa hẹn đem về bất cứ ích lợi gì, khi “bò sữa” Google bị vắt cho cạn kiệt… đó sẽ là lúc Alphabet gặp rắc rối, và việc thay đổi cấu trúc mới chẳng còn chút nghĩa lý gì.