Sunny Burns là một anh chàng người Úc điển trai và đa tài hiện định cư tại thái lan với vai trò diễn viên, blogger kiêm giáo viên Anh ngữ. Thế nhưng, dù yêu đất nước con người Thái đến thế nào, anh này cũng chưa bao giờ nghĩ rằng cuộc sống của mình sẽ khốn đốn như mấy ngày qua, khi cư dân mạng nhầm anh với kẻ đánh bom đang bị truy lùng ráo riết.
Tối ngày 17/8, một vụ đánh bom đã nổ ra ngay trong khuôn viên điện thờ Erawan nằm ở giao lộ Ratchaprasong, trung tâm thủ đô Bangkok, làm ít nhất 20 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương, chủ yếu là khách du lịch nước ngoài.
Sau đó, các chuyên gia đã tiến hành kiểm tra các băng ghi hình đặt tại nhiều vị trí, phát hiện một kẻ khả nghi mặc áo thun màu vàng, tóc xù và mang balo xuất hiện quanh khu vực nổ bom chỉ ít phút trước đó. Ngay lập tức, nhân dạng của kẻ bị tình nghi đã được nghiên cứu và phác thảo, nhiều người tin rằng tên này không phải người Thái mà rất có thể đến từ một quốc gia phương Tây.
Sự giống nhau “chết người”
Trong khi các nhà chức trách tập trung phân tích các giả thuyết và lần theo manh mối của tên tội phạm, các “chuyên gia” trên mạng Twitter và Facebook cũng hăng hái đóng góp vào công cuộc điều tra. Khi bức phác thảo nhân dạng được tung ra và chia sẻ với tốc độ chóng mặt, anh chàng người Úc nói trên đã vô tình rơi vào tầm ngắm. Nhiều người “lu loa” anh chính là tên tội phạm đang bị truy lùng gắt gao, khai thác các thông tin cá nhân của anh và chia sẻ… địa chỉ nhà nơi anh đang ở.
“Nhiều trang mạng xã hội lan truyền ảnh của tôi chụp ở Thái Lan, khẳng định tôi là kẻ tình nghi khủng bố bởi vì tôi nhìn rất giống hắn ta. Tất cả các thông tin cá nhân của tôi, từ giấy phép nhập cư cho đến địa chỉ nhà đều bị tung lên mạng, và người ta đua nhau tìm kiếm cũng như chia sẻ thông tin về tôi.” Anh chàng “đau khổ” cho biết.
Thậm chí, sự việc không dừng lại ở những lượt chia sẻ ảnh và đồn đoán: “Sau đó, tôi còn nhận được một số lời đe dọa trên mạng, và người ta bắt đầu hỏi tôi: ‘Sao mày lại làm thế này với Thái Lan?’ … Tôi đã phải dùng chính các phương tiện truyền thông xã hội để bảo vệ mình và thông báo cho gia đình rằng bản thân tôi cũng không hiểu chuyện quái quỷ gì đang xảy ra. Tôi thậm chí còn chẳng thể gọi điện về cho bố mẹ mình, cảnh sát ở đây thì không biết tiếng Anh. Tôi thực sự hoảng loạn và chỉ cầu mong một phiên dịch viên sẽ sớm xuất hiện. Các bạn sẽ không thể hiểu nổi tôi đã bị chấn động và sợ hãi đến mức nào đâu.”
Để dập tắt cơn “tấn công” của cộng đồng mạng, Burns đã chủ động tìm đến giới chức cảnh sát để được thẩm vấn và minh oan. Trong bức ảnh dưới đây, anh chàng chia sẻ trên tài khoản Instagram cá nhân về việc đã hợp tác với cảnh sát Thái, và sau đó trên Facebook, Burns khẳng định các nhà chức trách đã cho dừng lệnh khám nhà anh để tìm… thuốc nổ.
Hãy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ
Đây không phải lần đầu tiên sự nhiệt tình của cộng đồng mạng làm cho cuộc sống của một cá nhân trở nên khốn đốn. Sự việc của Sunny Burns làm người ta nhớ lại thời điểm xảy ra vụ đánh bom Boston, Mỹ, khi các nhà điều tra cũng tung ra một bức tranh phác họa nhân dạng khiến dân tình đoán già đoán non và tự ý tung ra các phỏng đoán của mình. Các trang mạng về sau cũng đã nhầm tưởng một sinh viên là kẻ đánh bom khủng bố, làm xáo trộn cuộc sống cũng như gây nhiều tổn thương tâm lý không đáng có cho người này và gia đình.
Dù không thể phủ nhận ý nghĩa của mạng xã hội trong việc tạo nên những làn sóng vận động tích cực trước nhiều vấn đề thời sự, ví dụ như chung tay ủng hộ người dân các vùng chịu thiên tai thảm họa (điển hình như sau vụ động đất ở Nepal) hay cất tiếng nói đòi bình đẳng cho con người (chiến dịch cờ lục sắc ủng hộ cộng đồng LGBT), song cũng phải thấy rằng sự nhiệt tình và tính lan tỏa có phần thái quá của cộng đồng mạng có thể trở thành con dao hai lưỡi.
Người ta dễ dàng thể hiện quan điểm bất đồng, căm ghét, chống đối chỉ bằng một cái hashtag mà chẳng cần tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng hay xuống đường biểu tình. Khi một ngọn lửa công kích nhen lên chỉ với vài chứng cứ mơ hồ, cuộc sống của một cá nhân bình thường có thể sớm chìm trong “bão lửa” tẩy chay của cả một cộng đồng mạng.
Các hình thức vận động trên Internet là biểu hiện của tự do ngôn luận và quyền biểu quyết, song cũng có thể vô tình trở thành kẻ “giết người không dao”.
Quan tâm đến các vấn đề thời sự cũng như mong muốn góp sức giải quyết vấn đề là một biểu hiện tốt đẹp, song đừng để mình cuốn theo các giả thuyết, các luận điệu vô căn cứ để trở thành một con bò bị dắt mũi và gây ra những vết thương khó lành cho người vô tội. Hãy nghĩ kỹ trước khi like hay share một tấm hình, một nội dung thông tin. Hãy là một cư dân mạng tích cực, công bằng và thông thái.