Một ngày tháng tư ấm áp tại Sài Gòn, hai đứa bé trai – đứa lớn mới 11 tuổi – bị cha mẹ đánh thức từ lúc 3 giờ sáng. Chúng được đưa tới bến cảng, lên một con thuyền với khoảng hơn 100 người khác mà không hề có lương thực dự trữ.
Con thuyền nhanh chóng khởi hành, mặc hai đứa trẻ bơ vơ nhìn thành phố quê hương xa dần – nơi mà cha mẹ chúng vẫn còn ở lại. Năm ngày sau, thuyền cập bến tại một trại tị nạn ở Indonesia. Hai đứa trẻ đã ở đó suốt sáu tháng ròng, trước khi tiếp tục hành trình tới với nước mỹ để đoàn tụ cùng họ hàng thân thích.
Đó là một khởi đầu đầy chông gai của Tri Tran cùng anh trai mình trước khi đặt chân tới nước Mỹ và tay trắng làm nên. Tri Tran hiện là CEO của startup công nghệ chuyên kinh doanh và vận hành ứng dụng ẩm thực đình đám Munchery. Còn anh của cậu hiện là giáo sư giảng dạy tại Đại học danh giá Johns Hopkins.
thành công nhờ một tuổi thơ gian khó
Ngày rời quê hương, cả hai anh em họ Trần đều không lấy gì làm kinh ngạc hay hoảng sợ. Cha mẹ họ đã tìm cách đưa họ vượt biển 4 lần trước đó, tất cả vì một tương lai tốt đẹp hơn cho các con mình. Thời điểm hai anh em rời Việt Nam là vào năm 1986 và phải 11 năm sau, khi hình bóng thân sinh đã mờ nhòa trong tâm trí họ, họ mới được hội ngộ.
“Tôi gần như chẳng còn nhận ra cha mẹ mình. Mẹ tôi khóc suốt, nhưng tôi thì không khóc được, chỉ vì tôi không nhận ra mẹ” – Tri Tran kể lại.
Tri, cùng với anh mình, là một trong số 1,5 triệu “thuyền nhân” Việt Nam đã tìm đường vượt biển đến với Tân Thế Giới. Hai thập kỷ sau khi chính quyền cộng hòa thất thủ vào năm 1975, những công dân của “chế độ cũ” nháo nhác chạy khỏi Sài Gòn. Gia đình Tri Tran cũng vậy, nhưng thay vì cùng bỏ đi với các con, họ ở lại.
“Cha mẹ sợ rằng nếu sống ở Việt Nam, chúng tôi sẽ không thể có được những cơ hội phát triển tốt nhất. Tôi cảm thấy mình mắc nợ cha mẹ mình, rằng tôi phải luôn luôn cố gắng", anh nói.
Có thể xem Tri Tran như một tấm gương người Việt điển hình đã tạo lập được tên tuổi tại thung lũng Silicon: ở tuổi 39, trông anh đúng chất dân công nghệ, với quần jeans và những câu chuyện đầy say mê về việc làm ăn, về startup non trẻ nhưng vững vàng của mình.
Tri Tran cũng không ngại ngần cho biết chính nhờ danh “giáo sư” của anh trai mà anh đã “xoay” được 28 triệu đô vốn huy động cho Munchery hồi đầu năm nay. Với anh, khởi tạo một doanh nghiệp thì có khó khăn gì, nhất là khi anh đã có một tuổi thơ quá đỗi gian nan để “làm vốn”.
Cập bến công nghệ - đường đến San Jose
Ba mươi lăm năm sau khi những con tàu cuối cùng cập bến nước Mỹ, hiện có khoảng 600.000 người Việt định cư tại bang California, và khoảng 200.000 người định cư tại Texas. Xét trên toàn nước Mỹ, hiện có khoảng 1,5 triệu công dân gốc Việt sinh sống và làm việc, tăng đáng kể từ con số 260.000 người ghi nhận vào năm 1980.
Hàng nghìn thuyền nhân người Việt đã có mặt tại thung lũng Silicon, neo đậu cuộc sống và kiếm kế sinh nhai từ một ngành công nghệ đồ sộ. Giai đoạn bùng nổ các sản phẩm điện tử như máy tính cá nhân, máy tính mini cuối thập niên 70 đầu thập niên 80, nhiều công ty như Atari, Intel hay IBM luôn trong tình trạng “khát” lao động. Bởi thế, những người tị nạn nhanh chóng tìm được việc làm nhờ sự chăm chỉ, khéo léo và thái độ gắn bó nghiêm túc với công việc. Còn với những đứa trẻ tị nạn, chúng dần thích ứng với một môi trường công nghiệp, hiện đại, luôn có chỗ cho học hỏi và tư duy đổi mới.
“Thế hệ trước đã tạo lập một cộng đồng và một nền tảng để các thế hệ về sau thụ hưởng và tiếp nối”, dẫn lời Hien Do, người cũng đã rời Việt Nam từ thủa thiếu thời và nay là một nhà xã hội học tại trường Đại học San Jose.
Ở thời kỳ đầu, thế hệ người nhập cư trưởng thành tìm được cách ổn định cuộc sống bằng việc làm công nhân tại các nhà máy sản xuất, các phân xưởng chế tạo, lắp ráp của các công ty công nghệ. Nhưng càng những năm về sau, khi những đứa trẻ nhập cư lớn lên và một thế hệ mới được sinh ra trên đất Mỹ, người ta ghi nhận ngày càng nhiều người gốc Việt tham gia vào ngành công nghiệp với tư cách quản lý bậc trung, thậm chí, cấp cao.
“Cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ đang đứng trước những cơ hội khởi nghiệp rất lớn tại thung lũng Silicon. Với họ, không gì là không thể” – theo lời bà Nancy Avila, Chủ tịch của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tại thung lũng Silicon.
Cũng giống như chính đất nước Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển dịch từ một thị trường gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài sang một quốc gia có đủ năng lực chế tạo và sản xuất sản phẩm, người Mỹ gốc Việt cũng đang thực hiện một quá trình tương tự trên đất Mỹ, dần khẳng định vai trò cũng như vị thế của mình tại kinh đô công nghệ của toàn cầu.
Công nghệ - cái nghiệp nhiều rủi ro, nhưng cũng đầy cơ hội
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thung lũng Silicon chỉ cách Little Saigon 10 phút chạy xe. Tại đây, phóng viên được gặp gỡ 3 người đàn ông Việt Nam đặc biệt. Đều từng là các thuyền nhân tị nạn đất Mỹ, nay họ đều đã thành đạt và đang tìm cách đóng góp cho cộng đồng, cũng như cho quê hương.
“Ở nước Mỹ, ai cũng có thể có một khởi đầu mới”, Alan Nguyen, chủ tịch Hiệp hội Nhà ở Bridgepoint tâm sự với chúng tôi. Hiệp hội của anh tổ chức cải tạo những căn hộ xuống cấp và bán lại cho các hộ gia đình thu nhập thấp. Anh cũng sở hữu một cửa hàng đồ điện tử ở San Jose.
Trong khi đó, Nick Nguyen lại là Phó chủ tịch Chiến lược sản phẩm tại Mozilla (nổi tiếng với trình duyệt web Fire Fox đình đám). Trước đó, anh cũng từng sáng lập và bán công ty phát triển phần mềm của mình cho Walmart, nơi mà sau đó anh gia nhập với tư cách Giám đốc mảng sản phẩm di động trong năm 2013. Cách nay nhiều thập kỷ, cha mẹ anh đã đem con trai mình vượt nghìn dặm biển, với giấc mơ về một cuộc sống an toàn và sung túc hơn.
“Cha mẹ tôi luôn để tôi tự đưa ra những quyết định cho riêng mình. Họ hiểu rằng chính tôi mới là người quyết được số phận của mình, và vì thế họ luôn ủng hộ tôi, dù cho lựa chọn của tôi có điên rồ đến thế nào đi nữa”, Nick Nguyen chia sẻ.
Nhiều gia đình Việt định cư tại thung lũng Silicon đã nghiệm ra một điều rằng chính thất bại mới là nền tảng, là thẻ bài danh dự của thành công – điều mà nền văn hóa Á Đông truyền thống vốn vẫn coi là ê chề, ô nhục. Vất vả tìm đường đến Mỹ, rồi nhọc nhằn trụ lại nơi đây, những người con Việt Nam buộc lòng để lại sau lưng những quan điểm, thành kiến nặng nề để không ngừng nắm bắt các cơ hội mới, triển vọng mới.
“Chúng tôi đang đứng trước nhiều cơ hội, và thực sự là ngày càng có nhiều người Việt thành công trên đất Mỹ”, dẫn lời Phi Nguyen, CEO kiêm đồng sáng lập startup công nghệ y tế MIBA Medical.
Đúng như lời Phi Nguyen, những cái tên Việt xuất hiện ngày càng nhiều trong bộ máy nhân sự cấp cao của các công ty công nghệ lớn, nhỏ. Ví dụ như anh Binh Tran là nhà sáng lập của Klout – ứng dụng/ website đánh giá tác động của truyền thông xã hội.
Phu Hoang là chuyên viên cao cấp của nền tảng DataTorrent. Brian Nguyen, chuyên viên của công ty phần mềm thương mại điện tử Celery. Thinh Tran, chuyên viên công ty chất bán dẫn Sigma Designs. Được biết đến nhiều hơn cả là Sonny Vu, CEO của thương hiệu sản phẩm theo dõi sức khỏe thông minh Misfit.
Trở lại với Munchery của Tri Tran
Anh Trần đã không làm cha mẹ mình thất vọng. Anh học giỏi, dành bằng cử nhân và thạc sỹ kỹ thuật điện tử và khoa học máy tính của viện công nghệ MIT.
Sau nhiều năm lăn lộn trong ngành công nghệ, anh Trần – khi đã trở thành một người chồng, người cha, chợt nhận ra rằng vấn đề chế biến và thưởng thức những bữa cơm bổ dưỡng và ngon miệng quả là không đơn giản. “Ăn gì tối nay thực sự là câu hỏi học búa mỗi ngày”, anh chia sẻ. Năm 2011, anh bỏ việc để tạo lập Munchery.
Munchery là ứng dụng đặt món qua máy tính hoặc thiết bị di động. Khách hàng tải ứng dụng có thể lựa chọn trong menu đa dạng những món ăn ưa thích (từ khai vị, món chính cho đến món tráng miệng), tiến hành đặt và thanh toán trực tuyến.
Dù không có chuyên môn về ẩm thực nhưng Tri Tran và các cộng sự tự tin tuyển dụng hàng chục đầu bếp tay nghề cao, liên tục chế biến những món ăn ngon, bổ dưỡng, hợp vệ sinh và đến tay khách hàng vẫn nóng hổi – với mức giá hợp lý chỉ từ 10 -20 USD.
“Thời điểm đó, tôi đã tích cóp được chút tiền bạc, nên tôi mới dám điên như thế.” Anh hào hứng chia sẻ.
Nhưng xem ra, chút điên của vị giám đốc cũng đáng. Munchery hiện là ứng dụng “nhà hàng trực tuyến” rất được yêu thích tại Mỹ, thu hút một lượng lớn khách hàng đặt món thường xuyên và đã huy động được hơn trăm triệu đô vốn đầu tư.
Tham vọng của Tri Tran là đem đứa con tinh thần của mình ra với toàn thế giới, sánh ngang thương hiệu McDonald’s đã phủ sóng toàn cầu. Một giấc mơ xa vời, nhưng ai nói nó không thể trở thành sự thực.