Không rõ có phải dịch vụ OTT đầu tiên không nhưng Viber chắc chắn là ứng dụng mang khái niệm OTT đến cho đa phần người Việt. Đây chính là đối thủ đầu tiên trong cuộc chiến giành thị trường 100 triệu dân đầy tiềm năng này. Thế nhưng ở thời điểm này, với động thái rõ ràng nhất là đóng cửa văn phòng đại diện, Viber đã thừa nhận thất bại ở Việt Nam.
"Thất bại" của Viber
Nói về mặt người dùng, tuy không có bất cứ con số thống kê chính thức và trung gian nào nhưng dễ thấy Viber chắc chắn nằm trong top 3 OTT được nhiều người dùng nhất hiện nay thậm chí cá nhân tôi tin họ đang đứng đầu. Viber cho biết đến thời điểm đóng cửa văn phòng tại Việt Nam, ứng dụng này có khoảng 30 triệu người dùng thường xuyên.
Về mặt người dùng với ưu thế là người đi đầu có khoảng thời gian không bị cạnh tranh khá dài nên Viber xây dựng được một tập người dùng tương đối lớn, ổn định và được đánh giá có chất lượng cao hơn mức trung bình của thị trường. Làm một khảo sát nho nhỏ 10 người xung quanh tôi có 9 người trong máy vẫn có Viber và 6 người "thường xuyên sử dụng".
Có một lượng người dùng lớn nhưng vấn đề của Viber nằm ở việc họ không có được quan hệ với các đối tác lớn, quan trọng trong nước. Điều này cộng thêm việc thiếu am hiểu thị trường và sự khác biệt lớn của Việt Nam với thế giới khiến cho Viber đi vào ngõ cụt trong con đường tìm ra mô hình doanh thu phù hợp. Không có liên kết với nhà mạng khiến Viber Out ở Việt Nam không tốt, sticker khó bán khi vấn đề thanh toán vẫn quá phức tạp. Việc quảng cáo qua Viber cũng không có vẻ gì sẽ được triển khai thành công. Vì vậy, dù nắm trong tay tập khách hàng tốt nhưng convert kém khiến Viber thất bại.
Cờ sẽ về tay ai?
Bộ 3 "quyền lực của OTT ngoại trước gồm: Line, Kakao và Viber đã chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam theo những cách khác nhau. Vì vậy, thị trường OTT Việt nhiều khả năng sẽ được thống trị bởi một doanh nghiệp trong nước. Vấn đề là họ liệu có tìm ra mô hình doanh thu tốt và phù hợp hay không mà thôi.
Hiện nay, cái tên sáng giá nhất là Zalo. Ứng dụng của VNG thông báo có khoảng 30 triệu người dùng, xấp xỉ Viber. Hiện zalo đang bắt đầu kết thúc giai đoạn người dùng và đã có những động thái đầu tiên để cụ thể hóa doanh thu. Vì là một sản phẩm thuộc hệ sinh thái của VNG nên khả năng kiếm tiền thông qua phân phối game của Zalo là rõ ràng.
Những ứng viên sáng giá nhất tiếp theo đến từ các nhà mạng. Cho dù sản phẩm chưa tốt, khách hàng chưa nhiều nhưng với kinh nghiệm làm viễn thông và tập khách hàng khổng lồ đó, cả 3 nhà mạng đều có cơ hội "xâu xé" miếng bánh OTT. Với các nhà mạng, thậm chí đó còn là sự sinh tồn của họ trong tương lai bởi chỉ có ai thích nghi tốt với sự biến đổi lớn mà tôi đánh giá là ngang thời cố định - di động mới có thể sống sót.
Ngoài ra, cũng không thể không nhắc đến một số ứng dụng như BTalk của BKAV hay Bee của Garena. Tuy được đầu tư khá nghiêm túc, ít nhất về mặt sản phẩm nhưng đến thời điểm này cả hai cái tên trên vẫn chưa gây nhiều ấn tượng.
Cơ hội đã đến, cờ sẽ về tay ai?