Biện pháp mạnh này nhằm bảo vệ chất lượng không khí ở châu Âu. Theo báo cáo, ba phần tư những thương hiệu ôtô hàng đầu thế giới không thực hiện cam kết giảm nồng độ khí thải mà họ ký vào năm 1998 và 1999. Lượng khí thải CO2 từ các phương tiện giao thông tăng 22% tại lục địa này tính từ 1990. Năm ngoái, nơi các đường phố châu Âu thải ra khoảng 20% tổng lượng khí nhà kính trên toàn thế giới.
Murano mang lại lợi nhuận lớn cho Nissan nhưng lại gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Topspeed. |
Nghiên cứu của nhóm vận động hành lang Văn phòng Giao thông và Môi trường, có trụ sở tại Brussel, cho thấy các hãng Nhật Bản có mức khí thải lớn nhất. Nissan, Suzuki và Mazda chiếm 3 vị trí cuối cùng trong danh sách 20 nhà sản xuất có mức khí thải thấp nhất. Nissan chỉ giảm được trung bình 3% mức độ ô nhiễm trong vòng 8 năm qua do nhà sản xuất này chú trọng tới việc bán những chiếc xe mang lại lợi nhuận lớn như xe 2 cầu. Ngay cả Toyota, nhà sản xuất lúc nào cũng cho rằng luôn sản xuất ra những chiếc xe sạch nhất thế giới do đầu tư vào các mẫu như hybrid xăng điện, cũng nằm trong danh sách không tuân theo đúng cam kết.
Fiat, Citroen, Renault là 3 hãng duy nhất có khả năng thực hiện đúng cam kết. Các nhà sản xuất này đã tập trung phát triển những dòng xe hạng nhỏ và đầu tư vào những công nghệ diesel sạch, có mức khí thải thấp.
Günter Verheugen, Phóng Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp, lên tiếng ủng hộ dự luật và cho biết khả năng thông qua sẽ rất cao. Một ủy viên tên Dimas cho biết Ủy ban còn có khả năng đưa ra quy định bắt buộc xe mới chỉ được phép thải ra lượng CO2 dưới mức 120 g trên mỗi km đi được. Năm ngoái, lượng khí nhà kính trung bình từ các xe thải ra là 162 g.
Ngoài ra, các nhà làm luật còn cảnh báo xu hướng ôtô ngày càng nặng hơn, rộng hơn. Trọng lượng trung bình của mỗi xe nặng hơn 20 kg so với 10 năm trước. Chẳng hạn, chiếc Mini Cooper và Beetle mới nặng gấp đôi so với mẫu cũ. Chiếc VW Golf không những nặng hơn nửa tấn so với 30 năm trước mà còn dài hơn 60 cm và cao hơn 13 cm.
Hiệp hội các nhà sản xuất và thương mại xe hơi cho rằng Ủy ban châu Âu đã tự mâu thuẫn với chính mình, bởi xe nặng thêm là do các hãng phải thêm những thiết bị an toàn như túi khí và các công nghệ khác. Chris McGowan, Giám đốc điều hành tổ chức trên nói: "Các quy định trong dự luật có thể gây nên những ảnh hưởng xấu không thể tưởng tượng nổi. Chúng có thể sẽ khai tử nhiều mẫu xe khỏi thị trường. Như vậy, sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận và kế hoạch đầu tư của các nhà sản xuất".
McGowan còn cho rằng Ủy ban không nên kêu gọi người dân lái xe này hay xe khác. "Xe hơi là chuỗi ADN mở rộng. Người ta có thể yêu nhau chỉ vì nhìn thấy xe của người khác và cũng vì thể mà yêu xe dù nó “béo hơn” hay “gầy” hơn", McGowan nói.
Đáp lại, Aat Peterse, người phát ngôn của Văn phòng Giao thông và Môi trường đưa ra ví dụ của Renault. Hãng này đã chứng minh cho các nhà sản xuất khác thấy rằng họ hoàn toàn có thể đạt tiêu chuẩn môi trường và an toàn trên cùng một mẫu xe. Chẳng hạn như chiếc Megane 1.5 diesel, dòng xe gia đình hạng nhỏ, chỉ có mức khí thải 120 g CO2/km và đứng đầu bảng trong số những xe an toàn nhất.
Nguyễn Nghĩa (theo The Times)