Ngày 6/8, Fiat cho biết sẽ mua động cơ giá rẻ của nhà sản xuất nội địa Trung Quốc Chery nhằm giúp hãng xe Italy chống chọi với các đối thủ đang phát triển quá nhanh. Dự kiến, mỗi năm Chery bán cho Fiat 100.000 động cơ dung tích 1.6 và 1.8. Phần lớn trong số này nhà sản xuất Italy lắp trên các mẫu xe bán tại Trung Quốc, một số được xuất khẩu.
"Đây là bước tiến mới trong quá trình toàn cầu hóa của Chery", Yin Tongyao, Tổng Giám đốc hãng xe 10 năm tuổi cho biết. Không dừng lại ở đây, dự kiến Fiat và Chery sẽ có những mối hợp tác sâu rộng khác.
Mẫu xe hạng nhỏ của hãng nội địa nổi tiếng Trung Quốc Chery. Ảnh: Chery. |
Hiện tại, Chery là một trong những hãng xe nội địa lớn nhất Trung Quốc với doanh số 310.000 xe trong đó 40.000 xuất khẩu năm ngoái. Mục tiêu của hãng xe này trong 2007 là 390.000 chiếc và 70.000 trong số đó được bán ở thị trường khác. Hiện tại, Chery có nhà máy lắp ráp tại Iran, Malaysia, Ai Cập, Nga, Brazil.
*Cách mua xe của người Trung Quốc |
*Chiến lược 'gậy ông đập lưng ông' của ôtô Trung Quốc |
*Công nghệ 'copy' của ôtô Trung Quốc |
Trước khi ký với Fiat, Chery từng đạt được thỏa thuận sản xuất xe giá rẻ và xuất khẩu sang Mỹ dưới thương hiệu Chrysler. Thậm chí, Chery sẽ cùng Chrysler phát triển sản phẩm mới. Thỏa thuận trên là thuận lợi lớn của công nghiệp ôtô Trung Quốc vì được thừa hưởng công nghệ và kinh nghiệp thiết kế của Chrysler.
Đã có rất nhiều báo lớn như Detnews, New York Times viết về sự kiện này và cho rằng ôtô Trung Quốc chưa thể vào Mỹ ngay, nhưng trong tương lai gần, nguy cơ trên là không thể tránh khỏi.
Trước khi Chery ký với Chrysler, các hãng xe Trung Quốc đua nhau tuyên bố sẽ vào Mỹ. Nhưng chỉ bằng rào cản kỹ thuật về an toàn và khí thải, Mỹ làm phá sản kế hoạch trên. Ngay lập tức, Chery có cách tiếp cận khác và thỏa thuận với Chrysler được đánh giá là bước đi khôn ngoan. Dù phải gắn logo Dodge, hãng con của Chrysler khi bán tại Mỹ nhưng chắc chắn, Chery sẽ biết cách làm nổi mình trước người tiêu dùng Mỹ, với danh tiếng là đối tác của Chrysler.
Khuyến khích xuất khẩu
Việc Chery mở rộng sản xuất không phải là sự kiện nhất thời mà nằm trong chiến lược lâu dài của chính phủ Trung Quốc. Sự phát triển như vũ bão của thị trường ôtô nước này là miếng mồi hấp dẫn các hãng lớn. Năm ngoái đất nước đông dân nhất thế giới đã vượt Nhật về số lượng xe ôtô bán ra.
Tuy nhiên Trung Quốc không hề có chủ trương trở thành thị trường tiêu thụ mà sản xuất mới là mục đích chính. Nhờ đó, trong 2006, có khoảng 325.000 xe đã được bán ở các thị trường khác dù 80% trong số đó là xe bus và xe tải hạng nặng.
Để thúc đẩy các hãng xe xuất khẩu sản phẩm, Trung Quốc đưa ra chính sách giảm thuế và Honda là hãng đi đầu trong trào lưu này khi sản xuất chiếc hạng nhỏ Jazz rồi bán sang châu Âu. Các chuyên gia cho rằng với việc giúp những hãng nổi tiếng như Honda, Toyota hay GM tăng cường xuất khẩu, Trung Quốc hy vọng làm "mềm" lòng người tiêu dùng ở những thị trường khó tính như châu Âu hay Mỹ về những sản xuất có xuất xứ từ đây.
Ngoài ra, khuyến khích xuất khẩu có thể dẫn đến một đợt cạnh tranh mới giữa các ông lớn. Nếu điều đó xảy ra, các hãng xe lại một lần nữa phải đổ tiền để nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn và khí thải ở Mỹ hay châu Âu. Và giống như khi họ đổ tiền, công nghệ vào các liên doanh cách đây 10 năm, nguy cơ đánh mất bí quyết công nghệ là điều khó tránh khỏi.
Theo dự báo, năng lực sản xuất ôtô Trung Quốc có thể vượt Mỹ và châu Âu khi mà hàng loạt nhà sản xuất đang tìm kiếm cơ hội hợp tác như Chery.
Đặc biệt vào tháng 7, hai liên doanh hàng đầu Trung Quốc là Thượng Hải Auto và Nam Kinh Auto đã liên kết với nhau trên lĩnh vực thiết kế, sản xuất và bán hàng. Như vậy, Trung Quốc ngày càng có thêm nhiều "quân" trong khi năng lực của các nhà sản xuất nước ngoài không thể là vô tận.
Trọng Nghiệp tổng hợp