Năm 1977, BMW quyết định khai sinh một dòng xe mới, thay thế cho serie 6 khi đó vẫn là xe 4 cửa mang tên serie 7. Thế hệ serie 7 đầu tiên mang mã số E23 với nhiệm vụ cao cả là cạnh tranh với S-class của Mercedes.
Người chấp bút thiết kế nên serie 7 khi đó là Paul Bracq, Giám đốc phòng thiết kế của BMW. Những công nghệ trên serie 6 Coupe được "bê" sang serie 7 dù nó to và dài hơn đàn em của mình. Đồng thời, khung gầm serie 7 được BMW cải tiến nhằm thích nghi với trọng lượng xe cỡ lớn.
BMW serie thế hệ thứ nhất (mang mã E23, 1977-1986). Ảnh: Wikipedia. |
Ở thế hệ đầu tiên, serie 7 trang bị ba phiên bản động cơ 2.8, 3.0 và 3.2 với công suất tương ứng 170, 184 và 197 mã lực. Giá cơ bản của 30 năm trước là 13.000 USD cho 728. Công nghệ nổi bật nhất là hệ thống tay lái trợ lực có cảm biến tốc độ, kính chắn gió dạng lớp không vỡ vụn khi va chạm.
Xứng đáng là mẫu xe sang nhất, trước khi mua khách hàng có một danh sách dài liệt kê những trang thiết bị tùy chọn từ rẻ nhất đến sang nhất. Điều này tạo cơ hội cho chủ nhân serie 7 "cá tính hóa" chiếc xe của mình.
*BMW X6 - chiếc crossover độc đáo nhất |
*Mercedes và cuộc chiến với BMW |
Năm đầu tiên ra mắt, BMW bán được 35.000 chiếc serie 7, vượt qua doanh số kế hoạch 20.000 chiếc. Thành công này là động lực thúc đẩy BMW cho ra đời nhiều phiên bản khác như 733i, 735i và đặc biệt là 745i năm 1983. BMW serie 7 đời thứ nhất kéo dài tới 9 năm, trước khi hãng xe hạng sang Đức cho ra đời thế hệ thứ hai mang mã E32.
Serie 7 thế hệ thứ hai (E32, 1987-1994). Ảnh: Wikipedia. |
Trong 30 năm tồn tại, serie 7 trải qua 4 đời và những mẫu xe hiện tại đang ở đời thứ tư, ra mắt vào 2002. Với 160.000 xe đã xuất trận trên toàn thế giới, serie 7 thế hệ thứ tư là dòng xe hạng sang thành công nhất của BMW. Ở Đức, BMW dòng 7 trở thành mác xe dẫn đầu thị phần xe hạng sang năm 2004. Sự tăng trưởng của serie 7 đặc biệt ấn tượng ở châu Á, Trung Đông, Đông Âu, châu Đại Dương và châu Phi. So với lớp đàn anh đi trước, lượng xe dòng 7 đời 2002 bán ra tăng gấp đôi sau 38 tháng xuất hiện trên các thị trường này.
Tuy thế, phần nào đời thứ tư của dòng 7 vẫn bị coi là một "bước lùi" trong thiết kế, dưới quyền của Giám đốc thiết kế Chris Bangle, người đến với BMW từ năm 1992. Với những người chỉ trích, serie 7 trước đây bị coi là "Bangle Butt - trò cười của Bangle" với một phong cách kỳ cục, nhất là phần đuôi xe nặng nề.
Serie 7 thế hệ thứ 3 (E38, 1995-2001). Ảnh: Wikipedia. |
Để làm dịu đi làn sóng chỉ trích, BMW cho ra đời serie 7 đời 2006 rất thanh thoát. Đó là nhờ cụm đèn đuôi lớn lấn cả sang nắp ca-pô cùng đường viền trên của cản sau kéo dài ra tận hốc bánh xe, vừa nhấn mạnh phong cách khỏe khoắn, vừa làm giảm cảm giác nặng nề của thùng sau. Những chi tiết như lưới tản nhiệt, cụm đèn pha được các kỹ sư thận trọng chỉnh sửa lại. Lưới tản nhiệt đặc trưng của BMW mở rộng hơn, uốn theo nắp ca-pô; cụm đèn pha hình thoi trong vắt có đường viền hơi khác so với những chiếc serie 7 đời 2002.
BMW serie 7 thế hệ thứ tư, đời 2006 (E65/66, 2002 đến nay). Ảnh: Seriouswheels. |
Khi S-class của Mercedes gặp khủng hoảng năm 2005, serie 7 cùng BMW vươn lên ngôi vương trong thế giới xe hạng sang. Thế nhưng, S-class hoàn toàn mới đời 2007 đã lấy lại khí thế cho Mercedes nhờ những tính năng an toàn và công nghệ hiện đại.
Theo các chuyên gia, sang 2008 cuộc chiến với S-class và Audi A8 của serie 7 sẽ cân tài cân sức hơn khi BMW có thể tung ra thế hệ thứ 5 được thiết kế lại hoàn toàn.
Trọng Nghiệp