Dù đường sắt và hàng không rất phát triển nhưng phương tiện đi lại chủ yếu của người Đức vẫn là xe hơi cá nhân. Người dân nước này đam mê ôtô và tự hào vì được sinh ra trên quê hương của những hãng xe tốt nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, hệ thống đường cao tốc (Autobahn) nổi tiếng từ lâu cũng là lý do khiến nhiều người Đức đam mê tốc độ.
Thông thường, trên Autobahn có một quy luật là những chiếc Volkswagen sẽ phải nhường đường BMW, rồi BMW phải nhường Mercedes và cứ thế những chiếc xe có tốc độ thấp phải nhường được cho các “đại ca”. Kẻ được coi là “vua” của đường cao tốc Đức vẫn là những chiếc Porsche thể thao.
Người Đức rất có ý thức tuân thủ luật giao thông. Tại các thành phố lớn hầu như không có hiện tượng phóng nhanh vượt ẩu hay vượt đèn đỏ. Các lái xe cũng tỏ ra khá lịch thiệp với người đi xe đạp và đi bộ và họ thường chủ động nhường đường. Nhưng trong trường hợp người đi bộ hay xe đạp vi phạm giao thông thì dù bị chấn thương do ôtô họ không những không được đền mà còn phải bồi thường. Thậm chí, nếu chẳng may bị chết, người nhà của nạn nhân vẫn phải chịu trách nhiệm thay.
Lỗi thường gặp nhất tại Đức là đỗ xe không đúng nơi quy định. Mỗi lần như thế họ phải nhận hóa đơn phạt 15 euro gài trên cần gạt nước. Trường hợp xấu nhất là không thấy xe của mình đâu nữa vì bị cảnh sát "cẩu" đi. Nhiều người biết nhưng không còn cách nào khác vì không thể tìm được chỗ đậu. Còn nếu muốn đỗ dưới hầm, lái xe phải chạy vòng theo các tầng và phải trả 2 euro/giờ.
Khác với Việt Nam, dường như không bao giờ nghe thấy tiếng còi xe trên đường. Các lái xe không có thói quen bấm còi inh ỏi bởi họ coi hành động đó là bất lịch sự. Chỉ khi nào cần thiết như cảnh báo xe khác, hoặc quá tức giận với một hành vi vượt ẩu họ mới nhớ đến thiết bị này.
Một điều khác lạ nữa là cảnh sát thường ít xuất hiện trên đường phố. Tuy nhiên khi xảy ra bất cứ sự cố hay hành vi vi phạm luật giao thông nào, họ có mặt rất nhanh. Một phương tiện hữu hiệu để giám sát hoạt động giao thông là hệ thống camera gắn ở khắp nơi. Cảnh sát có trách nhiệm ghi lỗi của người tham gia giao thông và số tiền phạt. Còn những người vi phạm sẽ đóng tiền theo hình thức chuyển khoản qua ngân hàng. Nếu là người nước ngoài lưu trú ngắn hạn thì họ sẽ phải đóng tiền phạt khi làm thủ tục xuất cảnh khỏi Đức.
Cảnh sát nước này được trang bị xe hiện đại, có tốc độ cao của các mác danh tiếng như Audi, Mercedes, BMW... và cả những chiếc Mini Cooper xinh xắn của cảnh sát thành phố Munich.
Do khó tìm chỗ đỗ nên những chiếc xe nhỏ gọn này là giải pháp tối ưu. Nếu không phải là chiếc xe này thì khó có thể tận dụng được chỗ còn lại. |
Với vóc dáng nhỏ gọn, tiện dụng, Smart được sử dụng khá nhiều. Showroom của Mercedes-Benz tại Đức dành riêng một khu cho loại xe này. |
Người Đức sử dụng rất nhiều mẫu xe ngừng sản xuất từ lâu. Trông chúng còn khá mới so với tuổi thọ của mình. |
Đường phố ở Đức khá nhiều cây xanh, lòng đường không lớn hơn Việt Nam nhưng tốc độ thì rất khác biệt. Trên những con đường như thế này, tốc độ trung bình vào khoảng 120 km/h. |
Các tuyến cao tốc có vai trò như các mạch máu nối giữa những thành phố và thường chia 3 làn mỗi chiều. Trong đó làn trong cùng, sát dải phân cách là nơi xe chạy với tốc độ cao nhất. Làn ở giữa dành cho những xe chạy tốc độ thấp hơn một chút và làn ngoài cùng cho những xe chuẩn bị rẽ sang đường khác. |
Bài và ảnh: N.Đ.