Cán bánh phồng. |
Làm bánh phồng đòi hỏi nhiều công sức và cực hơn làm bánh tráng. Để kịp phơi bánh vào buổi sáng, người ta phải nấu sắn từ lúc nửa đêm. Sắn chín được cho vào cối quết để thành một thứ bột dẻo; rồi cho đường, muối trộn lẫn vào bột quết tiếp sau đó nhào thêm sữa để bánh thơm và có vị béo. Việc nặn bột cũng phải do tay quen, nếu không bột chia không đều sẽ ảnh hưởng đến kích thước của chiếc bánh. Trước đây, làm bánh phồng phải chuẩn bị lá chuối để cán. Lá được rọc từ chiều hôm trước, phơi nắng cho dịu sau đó lau sạch rồi cán bánh. Lá chuối chỉ dùng một lần rồi bỏ, nên ngày nay người ta thay thế bằng bao nilông, ống nhựa, vừa tiện lợi vừa ít tốn kém. Sau khi cán, bánh phồng được xếp lên chiếc đệm bàng mang phơi khô.
Càng ngày bánh phồng càng được biết đến nhiều hơn, đặc biệt là ở thị trường Đồng bằng Sông Cửu Long. Hầu như nhà nào ở Cái Bè cũng làm bánh. Các công đoạn được chuyên môn hoá dần lên. Ông Ba Trung Gian, chủ một cơ sở quết mì cho biết, ngày trước công đoạn này được thực hiện bằng chày đạp chân rất nặng nhọc, nay trong làng có một số người làm cối máy chuyên quết mì gia công. Cứ quết 1kg bột tiền công được 2.200 đồng. Mỗi cối bột từ 15 kg đến 20 kg tuỳ theo hộ làm nhiều hay ít. Có nhiều nhà còn kinh doanh dịch vụ cho thuê sân phơi bánh, họ phá cả vườn tạp để làm sân, cứ một công đất thu nhập gần 1,5 triệu đồng/năm so với trồng cây ăn trái sẽ lợi hơn nhiều.
Tuy nhiên, làm bánh thì không giàu nhưng bán bánh thì lại giàu. Hiện ở Cái Bè có 8 đại lý bán bánh, người nào cũng khá giả. Họ lấy bánh ở lò, phân phối cho các cửa hàng, các tiệm dọc theo quốc lộ 1 hoặc đưa lên thành phố qua các tỉnh bạn để bán, và mua nguyên liệu về cung cấp lại cho người sản xuất.
(Theo SGGP, 26/12).