Nguyên liệu
Xương ống, lươn; miến; nấm hương, nghệ, hành tím, hành lá, rau răm, giá đỗ; sa tế, muối, tiêu, gia vị, bột chiên.
Sơ chế lươn
Làm sạch nhớt lươn bằng cách tuốt với nước cốt chanh (không dùng giấm vì giấm sẽ làm lươn mất mùi vị đặc trưng riêng) hay nước vo gạo. Tuốt lươn tới khi nào thấy không còn nhớt là được. Dùng nước nóng hoặc cho lươn vào túi nilon nước có thêm một nhúm muối, để lươn tự quẫy đạp cũng có thể sạch nhớt.
Khi lươn đã sạch, mổ bụng, bỏ hết nội tạng, rửa lại bằng nước muối cho sạch. Sau đó, phi lê lươn. Tiếp đó, chia từng khúc nhỏ rồi cắt nhỏ theo chiều dọc. Sau khi chiên, lươn sẽ bị quắt lại, vì thế bạn nên cắt dài một chút để khi chiên xong, miếng lươn trông hấp dẫn hơn.
Chế biến
Rửa sạch xương, trần qua nước sôi sau đó ninh xương để lấy nước dùng. Khi nước xương hầm đã đủ ngọt thì bỏ xương đi. Ngoài ra, bạn cũng đừng bỏ phần xương lươn, bạn hãy đem hầm chừng 30 phút rồi giã nhỏ, lọc nước, cho thêm vào phần nước xương heo cho thơm.
Ướp lươn với một chút muối tiêu và bột chiên, đảo đều rồi để chừng 15 phút cho ngấm gia vị. Khi chiên lươn, có thể đập một củ nghệ cho vào chảo dầu giúp màu lươn thêm hấp dẫn. Khi dầu nóng thì cho lươn vào chiên.
Hai công đoạn chiên lươn và ninh xương bạn có thể làm sẵn từ tối hôm trước, sáng hôm sau chỉ việc chỉ việc đun sôi lại nước dùng.
Trước khi bắc nước dùng xuống bếp, nướng hành tím cho thơm, bóc vỏ, đập đập hành cho vào cùng với một chút nấm hương. Nên nêm nước dùng bằng bột canh cho vừa miệng, không nêm bằng nước mắm vì sẽ làm mất mùi thơm của lươn.
Miến rửa qua nước lạnh. Rau răm, hành lá thái nhỏ. Phi vàng hành tím.
Trình bày miến, rau, hành, giá đỗ, lươn vào tô trước khi chan nước. Khi ăn, có thể thêm chút sa tế sẽ rất ngon miệng.
Bài và ảnh: Đinh Hương