Không gian quán Trịnh. Ảnh: L.D. |
Thực khách, phần lớn là những bạn thân của hai nữ chủ nhân, thường chọn ngồi ngoài sân, nơi "có cây có đá sẵn sàng/có hiên Lãm thúy nét vàng chưa phai". Mà chưa phai là nhờ mắt thẩm mỹ và bàn tay hai nữ chủ nhân đã tô điểm và gọi dậy sự quyến rũ của ngôi biệt thự cổ đã phủ rêu phong vì thiếu hơi ấm của sự chăm sóc.
Chẳng thế mà Trịnh Vĩnh Trinh cứ muốn một vài người thân của mình chứng kiến sự xô bồ, ngổn ngang của vôi vữa, gạch ngói khi cô chỉ đạo quá trình biến ngôi nhà ở kiểu biệt thự thành một “quán Trịnh” như bây giờ. Nói như cách của cô, đó là để “khoe” với mọi người sự vất vả, khó nhọc trong đam mê của người nghệ sĩ quyết hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật.
Sự hài hòa giữa các bức họa tài hoa của Trịnh Công Sơn với những nét họa tiết chạm khắc, dáng kiểu bàn ghế, sự hợp lý của những công trình phụ kín đáo và tiện nghi, mặc dầu hết sức tiết kiệm không gian... tạo nên nét ấm cúng và thanh khiết. Trong sự huyễn hoặc của những ca khúc vốn quen thuộc với thực khách, tưởng như người ta không nỡ ồn ào, xô bồ khi thưởng thức những món ăn tinh tế.
Thực khách có thể nhẩn nha cảm thụ và bình phẩm những đĩa bánh bèo, bánh ướt tôm chấy, cơm lá sen Tịnh Tâm, cơm hến, bún bò Huế… Những món ăn dậy lên mùi vị sang trọng nhưng dân dã của khẩu vị độc đáo mà chỉ những ai thật sành trong nêm nếm, nhấm nháp mới thưởng thức nổi sự tinh tế, tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Lãng Du