Gọi là cá lài bay bởi cá có thể phóng xa trên mặt nước 0,3-0,5 m. Cá lài bay thuộc họ cá lòng tong nên ở một số miệt vườn nước ngọt khác, loại cá này còn có tên gọi là cá lòng tong bay. Tuy cùng họ cá lòng tong nhưng thịt cá lài bay ở Ba Tri mềm hơn và ngọt hơn. Ở. Cá lài bay được chế biến thành nhiều món ăn dân gian rất khoái khẩu: kho mẳn vắt chanh, phơi khô dành uống nước trà, lăn bột chiên giòn... và tất nhiên cả bún mắm.
Cách làm mắm cá lài bay cũng như một số mắm cá khác là: cá tươi lặt đầu, nặn bỏ ruột và rửa thật sạch. Cá rửa xong trải ra rổ cho ráo nước, sau đó ướp theo công thức: 3 chén cá, một chén muối. Ướp cá một ngày, chắt bỏ nước (không vắt), trộn tỏi, ớt, cho vào keo và rót nước đường (đường cát ngon hơn đường thô) để nguội, gài cá chìm dưới nước đường, thính vài ba hôm, thấy thịt cá đỏ hồng là mắm ngon, nếu thịt cá tái xanh, mắm sẽ hư. Cả quy trình làm mắm cá không để ruồi bám vào vì như vậy mắm sẽ có dòi, không ăn được.
Mắm cá lài bay sau một tháng ủ có thể đem ra dùng. Để có món mắm cá lài bay ngon, nên trộn mắm với đu đủ mỏ vịt, một ít khóm (dứa) cùng bột ngọt, đường, trải trên mặt vài lát ớt sừng đỏ tươi. Mắm cá lài bay giống mắm tép bạc đất nhưng vị đậm đặc hơn do chứa nhiều đạm. Mắm cá lài bay ăn với cá lóc nướng trui, thịt heo quay, thịt heo ba chỉ luộc cùng với rau sống, khế chua, chuối chát, bún, ít món mắm cá nào sánh được.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)