Quả đúng như chồng dự đoán, giữa bữa ăn tối vợ tự dưng chống đũa, nói bâng quơ: “Công nhận nhỏ Thảo ở cơ quan em sướng thiệt”. Chồng giả điếc, cứ cắm cúi ăn. Vợ chừng như kiềm nén hết nổi, xả ra một tràng: “Sao cùng phận đàn bà mà nó sướng quá, được chồng cưng như trứng mỏng. Nó bị nhiệt miệng mà sáng nay chồng nó dậy sớm nấu nước mát cho nó uống. Nó đi đâu cũng cầm theo chai nước, ý khoe khoang cho thiên hạ thấy chồng cưng mình. Mà nếu em được chồng cưng như nó thì em cũng làm vậy. Người ta mới bị nhiệt miệng một tí mà chồng đã cuống lên, còn em hôm trước bị lở cả miệng, anh còn gắt ai bảo ăn đồ nóng cho lắm vào. Tủi thân gì đâu”.
Chồng cười cười: “Anh nói vậy thôi chứ sau đó anh có mua thuốc cho vợ mà”. Vợ lắc đầu: “Chạy ra tiệm thuốc tây mua mấy viên thuốc thì nói làm gì. Dậy sớm nấu nước mát cho vợ uống mới gọi là có tình cảm chứ”.
Vợ cứ càm ràm suốt bữa ăn, rằng nhỏ Thảo sướng, vợ khổ, rằng làm chồng như chồng nhỏ Thảo mới đáng mặt đàn ông. Chồng mới đầu còn ráng nói tếu táo mấy câu cho bớt căng thẳng, được một lúc thì chồng nín lặng. Thêm một lúc cái miệng xinh xinh của vợ vẫn không ngớt tuôn ra những lời than vãn trách móc, chồng không nhịn nữa, dằn cái chén đánh cộp xuống bàn, đứng dậy gằn giọng: “Nếu anh thật sự tệ như thế thì em viết đơn ly dị đi” rồi chồng đi thẳng vô buồng, nằm vật ra giường tìm cách hạ hỏa.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ở trong buồng, nhưng chồng vẫn… ti hí mắt ngó ra, thấy vợ lầm lũi dọn mâm cơm xuống bếp. Chồng vẫn lắng tai nghe tiếng vợ thút tha thút thít bên ngoài. “Làm như là oan ức lắm vậy”, chồng lầm rầm trong miệng, vừa giận vừa thương, không biết nói sao cho vợ hiểu.
Tình huống này xảy ra ở nhà như cơm bữa. Kết thúc cũng thường na ná giống nhau: chồng tức giận, vợ khóc lóc. Cuối cùng vẫn là chồng phải xuống nước làm hòa trước. Chồng xuống nước không phải vì thấy mình có lỗi, mà chỉ vì chồng thương cho cái tính đàn bà quá coi trọng lặt vặt của vợ.
Chồng chẳng dám tự nhận mình là người chồng hoàn hảo, nhưng công việc chồng đang làm cũng có chút địa vị, thu nhập đủ để vợ nếu không thích đi làm thì nghỉ ở nhà chồng nuôi. Hết giờ làm chồng về nhà phụ vợ nấu ăn. Thỉnh thoảng hai vợ chồng lại đi ăn nhà hàng, xem phim, coi nhạc kịch. Vợ muốn gì chồng cũng chiều ý, kể cả khi kết hôn đã 3 năm mà vợ chưa muốn sinh con, chồng cũng không thúc ép, gác lại mong muốn có cháu bồng bế của hai bên nội ngoại.
Bình thường thì vợ cũng thầm thì vào tai chồng: “Anh là số một”. Nhưng chỉ cần có một chi tiết nào đó không vừa ý lọt vào mắt vợ, vợ lại không ngần ngại, không ngừng lải nhải về nó suốt buổi. Chi tiết đó đôi khi do chồng vô ý gây nên, nhưng cũng có khi do “người thiên hạ” ở đâu đâu làm vợ bận lòng. Điều làm chồng điên tiết là trong những lần “tra tấn” như vậy, vợ luôn luôn đem chồng ra so sánh với chồng của người này người nọ để kết luận vợ lấy phải chồng thật là … vô phúc.
Như có lần vợ bận công chuyện, nhờ chồng đi chợ dùm. Chồng mua đầy đủ mọi thứ theo lời vợ dặn. Chỉ duy có cà chua là chồng chọn những trái còn hơi xanh, chưa chín. Vợ chẳng kể cái công chồng ra chợ mua đồ ăn, chẳng khen ngợi cá tươi rau sạch chồng đem về mà chỉ chăm chăm vào túi cà chua không hợp ý. “Cà chua sống vậy làm sao làm món cá sốt cà được?”, “Anh đi chợ mà chẳng để ý gì hết”, “Anh chẳng bằng một góc của anh Tuấn. Ảnh không chỉ khéo lựa thức ăn mà còn biết chế biến bao nhiêu là món ngon. Ai như anh đi chợ được vợ ghi sẵn mọi thứ trong giấy rồi chỉ có việc làm theo mà cũng không xong”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Chồng nghe vừa tức vừa buồn cười. “Anh Tuấn” là hàng xóm của hai vợ chồng, thất nghiệp gần một năm nay, ở nhà đi chợ nấu ăn, đưa rước con đi học. Mới hôm trước vợ còn thủ thỉ tội nghiệp anh Tuấn đi phỏng vấn mấy chỗ không đạt, phải ở nhà lo cơm nước chờ kiếm việc làm. Vậy mà bây giờ chỉ vì túi cà chua chưa chín, chồng lại bị vợ coi “không bằng một góc của anh Tuấn”.
Lần khác, đang ăn cơm vợ bỗng thở dài đánh thượt, nói công nhận ông sếp của em tâm lý dễ sợ. Tiền lương, tiền thưởng gì của ổng bao giờ ổng cũng bỏ vào trong bao thư, trân trọng đưa cho vợ chứ không phải như anh, cầm tiền đưa cái roẹt vào mặt vợ. Chồng than trời, bao thư hay không bao thư thì có gì quan trọng, quan trọng là làm được bao nhiêu tiền chồng đều đem về cho vợ. Vợ vẫn nức nở, chồng người ta tâm lý, trân trọng vợ, chồng mình ỷ làm nhiều tiền nên không xem vợ ra gì, đưa tiền mà y như… bố thí vậy. Kết cuộc hôm ấy cũng là chồng tức giận, vợ khóc lóc, hai vợ chồng bỏ mâm cơm, giống hệt như hôm nay, ngoại trừ cái câu “Em viết đơn ly dị đi”.
Tất nhiên là chồng chỉ tức giận mà nói thế thôi, chứ ai lại ly dị nhau chỉ vì lý do lãng xẹt như vậy. Có điều những lời vợ nói, ngày này qua ngày khác sẽ từ từ làm tổn thương lòng tự trọng của chồng, rồi từ đó sẽ làm vơi bớt tình cảm tràn trề mà chồng đang dành cho vợ.
Góp ý nhiều lần vợ vẫn không thay đổi. Chồng chẳng biết phải làm sao. Hay là chồng sẽ làm theo lời khuyên của mẹ vợ, người vốn rất hiểu tính con gái mình, rằng chẳng qua hai vợ chồng son, rảnh rỗi quá nên vợ ưa suy nghĩ, thích cầu toàn, hay nhõng nhẽo. Hai vợ chồng cứ sinh đứa con, sự bận rộn và hạnh phúc của người làm mẹ sẽ giúp vợ trưởng thành hơn, suy nghĩ thoáng hơn, bớt thời gian săm soi vào các tiểu tiết hơn.
Có phải như vậy không, vợ yêu?
beforeAfter('.before-after');