Hàng năm, cứ mỗi mùa hoa tam giác mạch, hà giang lại trở thành điểm hẹn đặc biệt của nhiều phượt thủ bởi sức hấp dẫn không thể cưỡng lại của loài hoa này. Đặc biệt, với sự tổ chức lần đầu tiên của lễ hội Hoa tam giác mạch vào 12/11, ngay từ cuối tháng 10, rất nhiều du khách đã kéo đến đây rất đông. Hà Giang trở nên nhộn nhịp trong không khí lễ hội, đồng thời có nhiều cơ hội để phát triển du lịch và quảng bá văn hóa của đồng bào dân tộc.
Tuy nhiên, cũng như mọi năm, những hình ảnh không đẹp mắt được ghi lại sau mỗi mùa hoa nở lại khiến nhiều người không khỏi xót xa. Rất nhiều luống hoa đã bị giẫm đạp, nhiều diện tích trồng hoa được trồng theo các hình khác nhau để phục vụ lễ hội bị tàn phá dưới bàn chân của con người. Khách du lịch, phượt thủ nhảy, giẫm nát, lăn lộn trên những ruộng hoa để tạo dáng chụp ảnh.
Những khóm hoa tam giác mạch bị gãy nát trong mùa hoa tam giác mạch vào cuối tháng 10 vừa qua
"Đúng như câu nói "Không để lại gì ngoài những dấu chân, Không lấy đi gì ngoài những bức ảnh", dấu chân mà các bạn trẻ bây giờ đang hiểu chính là đôi chân giẫm lên cánh đồng hoa. Chính điều này đã khiến cho một cô gái đồng thời là người con của mảnh đất Hà Giang phải lên tiếng.
Thông qua tâm thư với tiêu đề: "Các bạn đang làm gì với quê hương tớ vậy?", cô gái này đã thẳng thắn phê phán hành động thiếu ý thức của một bộ phận phượt thủ, bên cạnh đó còn khéo léo giúp mọi người hiểu được những nỗi vất vả, thiệt thòi mà những người dân nơi đây đang phải chống chọi, từ đó truyền tải thông điệp: "Mong các bạn đến với nơi đây để trải nghiệm và thấu hiểu cuộc sống nghèo nàn, thiếu thốn của con người nơi đây, chứng kiến, cảm nhận".
Bức tâm thư của cô gái đến từ Hà Giang đang được chia sẻ trên khắp diễn đàn mạng với mong muốn lan tỏa thông điệp ý nghĩa - (Ảnh chụp màn hình)
Đoạn chia sẻ của cô gái Hà Giang mang đến cho chúng ta nhiều suy ngẫm:
"Các bạn đang làm gì với quê hương tớ vậy?
Hà Giang mình toàn đá, toàn rừng già, toàn hoa cỏ dại lấy đâu ra sơn hào hải vị, lấy đâu ra chăn ấm đệm êm, điều hòa, nóng lạnh khi những đứa trẻ vẫn thiếu cái quần, cái áo và thiếu thốn đủ điều.
Các bạn lên Hà Giang như lên theo phong trào cho vui vậy, chứ đâu phải là trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống nghèo khổ và thời tiết khắc nghiệt ở nơi đây.
Các bạn chán chúng tôi, không hài lòng với chúng tôi? "Chắc gì chúng tôi đã hài lòng với các bạn". Dân phượt - chúng tôi gọi các bạn như vậy và các bạn cũng coi mình như vậy, nhưng các bạn có phải là dân phượt thật sự chưa???
Các bạn có tự mang đồ ăn để nấu, ngủ trong rừng hay ven đường, sống cảnh thiếu thốn thực sự chưa mà tự cho mình là dân phượt?
Các bạn đi mà phải nói là "lao đi" mới đúng, như những con ngựa hoang chưa được thuần hóa, khiến nhiều lúc mình ngồi trong nhà còn giật mình huống hồ người đi đường.
Đường Hà Giang quanh co toàn cua gấp khúc mà các bạn cứ phi như đường đi về phía chân trời .. thì mình cũng ạ các bạn luôn.
Các bạn đi đến đâu hoa chết đến đấy, giẫm lên hoa, nằm lên hoa, ngủ trên hoa chắc cảm giác này phải phiêu lắm các bạn mới làm như thế được.
Các bạn có bao giờ nghĩ đến người dân nơi đây khổ sở vất vả như thế nào mới trồng được những bông hoa như vậy không (mình chỉ nói 1 số bạn không có ý thức thôi nhé).
Các bạn bảo đồ ăn ở vùng cao đắt .. vâng, xin thưa với các bạn vì là vùng cao nên nó đắt thật, cái thời tiết khắc nghiệt như vậy lấy đâu rau cỏ , thịt thà gà dân làng tự nuôi để cung cấp vậy?
Tất cả mọi thứ đều được vận chuyển từ xuôi lên qua những cái con đường quanh co đó mới đến được nơi đây để phục vụ các bạn đó thưa các thượng đế thế nên các thượng đế đừng so sánh giữa miền xuôi và miền ngược nữa nhé!!
Xin các bạn đừng vứt rác bừa bãi đi đến đâu cũng vứt la liệt nhìn mà thấy khiếp...
Những hình ảnh thiếu văn hóa của một bộ phận các bạn trẻ khi tạo dáng chụp ảnh cùng hoa tam giác mạch
Thậm chí có người còn phi thẳng xe máy "nghiền nát" những cánh đồng tam giác mạch
Các bạn đang làm gì, nói gì về quê hương mình vậy?
Một Hà Giang nghèo nàn được nổi lên như 1 hiện tượng, thậm trí nó là thiên đường do các bạn đặt chứ với mình, Hà Giang quê mình hoang sơ lắm, nghèo nàn và lạc hậu lắm, đừng nâng nó lên tận mây xanh rồi vùi dập nó như vậy, hãy cứ để nó hoang sơ như nó vốn có đi.
Con người nơi đây tuy tầm hiểu biết không cao, cuộc sống nghèo nàn nhưng tình cảm giữa con người và con người luôn được đặt lên hàng đầu, họ sống tình cảm, thật thà chả có cái kiểu lừa lọc, trộm cắp hay đại loại gì đâu (đa số người dân nơi đây là vậy)
Mong các bạn đến với nơi đây để trải nghiệm và thấu hiểu cuộc sống nghèo nàn, thiếu thốn của con người nơi đây, chứng kiến, cảm nhận.
Dù sao đi nữa vẫn mong và chào mừng các bạn đến với Hà Giang nơi nghèo nàn lạc hậu và thiếu thốn này !!!
Hà Giang luôn chào đón các bạn".
Bức tâm thư với những lời lẽ đanh thép, chất vấn được cất lên từ chính người con của vùng đất Hà Giang đã khiến dân mạng xúc động mạnh. Nhiều người lắc đầu ngao ngán và thất vọng cho một bộ phận các bạn trẻ với đam mê phượt khi không có ý thức giữ gìn ở những vùng đất mình đã đi qua.
"Buồn cho hai từ "dân phượt", một thành viên bình luận.Một cư dân mạng là một phượt thủ cũng lên tiếng trước những hình ảnh và chia sẻ này: "Mình cũng là dân phượt, bản thân mình và những người bạn nghỉ ở đâu xong đều thu rác lại treo vào xe đến chỗ nào có thùng đựng rác hoặc bãi rác mới vứt. Chỉ có đội phượt theo kiểu a dua phong trào mới vậy, thật bức xúc.
Câu chuyện về ý thức giữ gìn môi trường khi đi chụp ảnh với hoa đã nhiều lần được nhắc đến. Trước đây, những hình ảnh dân phượt phá nát cánh đồng hoa cải trên Mộc Châu, Sơn La cũng từng được chia sẻ và khiến cho cộng đồng mạng bức xúc. Chỉ vì mất 10.000 đồng vé vào cửa mà nhóm bạn này phải “phá cho bõ” số tiền đã chi ra để có những bức ảnh đẹp.
Những bức ảnh của nhóm bạn trẻ lăn, lê, bò, trườn tàn phá cánh đồng cải ở Mộc Châu khiến dân mạng phẫn nộ.
Vẫn còn đó những đồng hoa tam giác mạch và những chuyến phượt Hà Giang trong nhiều năm sau, có lẽ điều mà cô gái đến từ Hà Giang hay những phượt thủ chân chính mong muốn không dừng lại ở sự suy ngẫm, mà là sự thay đổi thực sự trong hành động. Xin hãy thận trọng hơn, có ý thức hơn khi du lịch trải nghiệm để nhận thức rằng du lịch ở những vùng đất này là cần phải giữ gìn cảnh sắc thiên nhiên và bảo vệ nét đẹp và sức lao động của đồng bào nơi đây.
Hồng Minh