Có những ngày trong cuộc đời tưởng chừng như sẽ không thể một mình đối diện, tưởng chừng như chỉ mong muốn trốn chạy mà bỏ rơi cả bao bộn bề phức tạp lại sau lưng. Có những ngày, chỉ muốn đi thật xa, xa là xa thôi, không cần rõ bao lâu sẽ quay trở lại. Rồi có cả những ngày, chỉ muốn ngủ thật lâu, quên hết đống bài vở chất đống, quên hết mấy kiểu giận hờn vu vơ trẻ con, quên cả việc cứ phải lặp đi lặp lại việc nhắn tin gọi điện như một cỗ máy lập trình...
Ngày trước, khi cảm thấy giận dỗi hay buồn bực, chỉ biết òa khóc như một đứa trẻ, chỉ biết chạy thật nhanh về nhà rồi mắt ướt mắt khô kể lể với ba mẹ cho bõ tức. Những ngày sống trong tuổi thơ ấu hồn nhiên ấy, tôi nhận ra, được làm trẻ con là vô tư nhất. Nhưng chẳng ai có thể mãi là một đứa trẻ được, chẳng ai có thể chỉ là một chú chim bé nhỏ trong cái tổ ấm an toàn đầy tình yêu thương bao bọc...
Mười tám tuổi – cột mốc quan trọng trong con đường cuộc đời...
Mười tám tuổi – Không lớn cũng chẳng bé, chỉ đủ để đi từng bước đi khập khiễng...
Mười tám tuổi – Chưa bao giờ nghĩ tới việc rằng chỉ không lâu nữa thôi, bản thân sẽ tự đứng dậy khi gục ngã, tự khóc cho một mình mình nghe, tự vui cho những thành công của riêng mình!
Mười tám tuổi ngày ấy, ngày lên Sài Gòn học đại học, mẹ đi theo tiễn tôi ra tận con đường đất, ba dắt bộ con xe mini đã bạc màu, trên xe chỉ có một cái túi đủ để xếp gọn dăm bộ đồ và vài thứ linh tinh của con gái, con Ki chạy lon ton ve vẩy cái đuôi theo sau, có lẽ nó cũng ý thức được phần nào chuyện cái đứa suốt ngày dắt nó đi đủ mọi ngõ ngách trong làng sắp lên thành phố và sẽ rất lâu để quay về.
Đường đất này tôi đã đi qua quen thuộc đến mức nhớ cả mùi vị ngai ngái của đất miền Trung, nó dường như có cái vị khét nắng và cả vị mồ hôi của những con người sống tại nơi này đã cả chục năm. Thế nhưng, hôm nay cảm xúc thật sự khác, trong cái nắng như muốn đốt cả vạn vật, tôi nhận ra khóe mắt mẹ có vết chân chim đã rõ, nhìn ra nơi đôi bàn tay của ba đã chai sần và thô ráp đến mức nào. Tôi còn nghe rõ cả tiếng lọc cọc con mini đã cũ kỹ đi qua sự gồ ghề nhấp nhô sỏi đá. Nó cũ lắm rồi, nhưng ba không chịu bán, ba bảo để ba đi chứ bán rồi tao lấy cái gì chở mẹ mày lên rẫy.
Nghe xong câu nói mà nước mắt chỉ chực để trào ra nữa thôi, tự nhủ phải cố gắng học để sau này đón ba mẹ lên thành phố, không để ba ngày ngày đi làm thuê, không để mẹ trưa nắng cứ phải lên canh nương khỏi trâu bò đi ngang dẫm hết hoa màu. Lên xe ngồi rồi mới dám khóc, sợ khóc rồi ba mẹ thấy, nhất là mẹ. Xe đã đi được một đoạn mà vẫn nghe tiếng con Ki inh ỏi, quay lưng lại, thấy mẹ úp mặt vào vai ba, chắc mẹ khóc...
Lên thành phố, bên cạnh việc tập làm quen với trường mới, bạn bè mới, thầy cô mới, cách học lạ lẫm, còn phải tập cách tự chăm sóc bản thân mình. Lúc còn ở nhà cái gì cũng được mẹ làm thay, giờ lớn rồi, là sinh viên rồi, ốm cũng tự biết đi mua thuốc, đói cũng tự biết nấu đồ ăn. Ngoài việc ngày ngày đi học còn phải đi làm thêm, số tiền ba mẹ gửi sao đủ để trang trải bao nhiêu thứ chi phí nơi thành phố đắt đỏ này, bao nhiêu thứ tiền phải nghĩ.
Nhiều lúc đau đầu quá, mệt mỏi quá, chỉ muốn về bên mâm cơm của mẹ, về mái nhà đã che mưa che nắng suốt mấy chục năm trời cho hai thế hệ. Về nhà để được ăn đồ ăn mẹ nấu dù chẳng phải sơn hào mĩ vị nhưng thấy ngon lạ lùng, về để leo lên yên sau xe đạp theo ba đi khắp cánh đồng ngát mùi hương lúa mới.
Ngồi ăn một mình, lặng lẽ lôi điện thoại gọi về cho ba, hỏi ba xem ở nhà như thế nào, bệnh ho của mẹ có đỡ hơn chưa rồi tắt thật nhanh trước khi khóc huhu như một đứa trẻ. Không dám gọi cho mẹ, sợ không kiềm chế bật khóc rồi lại để mẹ lo, sức khỏe mẹ lại yếu nữa rồi lại khiến ba vất vả. Chắc mỗi lần tắt máy vội, ba hiểu, ba đều nhắn lại: " Con cứ lo học hành, ba lo được! ".
Hòa nhập vào cuộc sống mới với những mối quan hệ mới, tôi bắt đầu quen dần. Tôi quen dần việc có thể khống chế cảm xúc của mình để không cãi vã như những đứa trẻ, tôi quen dần với việc sáng có thể tự chăm sóc bản thân mình không để ốm sụt sịt sổ mũi như hồi mới vào chưa quen thời tiết. Tôi nhận ra, mười tám tuổi – tôi phải lớn, chứ không phải nên lớn nữa.
Tôi ý thức được việc tại sao tôi lên Sài Gòn và cố gắng thích nghi với một nơi ở quá xa lạ, là vì ước mơ của tôi, vì hy vọng của ba mẹ đã đặt cả đời vất vả. Tôi không thể sống và tự do mãi trong một thế giới mà khi vấp ngã, ba mẹ sẽ luôn đến bên cạnh. Người ta thường hối tiếc vì những điều chưa làm, hơn là những điều đã làm. Nếu tôi chưa lớn lúc này thì có lẽ đây là điều khiến tôi hối hận nhất...
Bầu trời này rất rộng!
Nhưng những cánh chim khi đã đủ lông đủ cánh, nếu không bay đi thì sẽ bỏ lỡ khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc đời!
Tôi viết cho một tuổi mười tám, đầy những trải nghiệm, những suy nghĩ!
Hà Ngân -