Dân gian có câu: “Gieo gì gặt nấy”. Mình cư xử sao thì nhận được đền đáp từ đối phương như vậy. Một nàng dâu trẻ người non dạ, mới về làm dâu còn biết bao nhiêu bỡ ngỡ, cô ấy cần lắm những chia sẻ giúp đỡ. Nàng dâu nào lúc mới đầu cũng lo sợ làm điều này chưa tốt, điều kia chưa phải, thật tâm cũng mong hiếu kính với bố mẹ chồng thật tốt, đối đãi trên dưới với nhà chồng thật tròn vẹn. Nhưng thế nào là đúng, thế nào là sai? Cô gái trẻ ấy cần lắm người chỉ bảo. Có lẽ sẽ không ai khác phù hợp hơn là mẹ chồng, người mẹ chồng sẽ như là tấm gương soi để nàng dâu nhìn vào một người đi trước mà học theo.
Tại sao lại có câu nói: “Mười năm nhìn mẹ chồng, mười năm xem nàng dâu”?
Nói một cách đơn giản, mười năm đầu của hôn nhân là lúc nàng dâu gặp nhiều khó khăn và cần được giúp đỡ nhất. Mới về nhà chồng chưa thể quen ngay, lúc mang thai còn không được thoải mái, thời gian ở cữ cần được chăm sóc, lúc bận bù đầu cần người giúp trông con…
Còn mười năm này lại là mười năm nhàn nhã nhất của mẹ chồng, sức khỏe vẫn tốt, nghỉ hưu rồi nhiều thời gian rảnh rỗi, cũng là lúc tốt nhất để cùng nàng dâu bồi đắp tình cảm. Khi nàng dâu mới về nhà chồng được mẹ chồng đưa tay ra giúp đỡ, nàng dâu có thể không cảm kích sao?
Mười năm sau, lúc này sức khỏe mẹ chồng cũng không còn được như trước, đây là lúc mẹ chồng cần đến nàng dâu. Nếu lúc đầu mẹ chồng không làm tròn trách nhiệm của mình, quãng thời gian sau này có được mấy nàng dâu cam tâm tình nguyện đối xử tốt với mẹ chồng.
Ảnh sưu tầm trên Internet
Tôi vẫn thường thấy những bà mẹ chồng liên tục chê trách con dâu mình, dù là trước mặt hay sau lưng thì cách nói cũng quan trọng lắm. Người bình thường khi phải nghe những điều tiếng không hay về mình, đã rất rất khó chịu rồi, huống chi là trong một mối quan hệ phức tạp giữa hai người phụ nữ mẹ chồng và nàng dâu. Nếu như mẹ chồng tỏ ra “người lớn”, hiểu rằng con người không ai hoàn hảo, con dâu mình cũng vậy, cũng chỉ là một đứa trẻ như con trai mình “trẻ người non dạ” cần được chỉ bảo, thì nên dùng những lời lẽ mềm mỏng chỉ bảo nói sao cho nàng dâu của mình hiểu.
Tôi vẫn nhớ một triết gia đã từng nói: “Muốn khen ngợi ai thì hãy khen ngợi trước mọi người, nhưng muốn phê bình ai thì hãy gặp riêng người đó”. Nói xấu sau lưng là chuyện mẹ chồng nên tránh, thì việc khuyên bảo nhắc nhở hay phê bình con dâu cũng cần lắm khéo léo tế nhị, để nàng dâu có thể hiểu có thể tâm phục khẩu phục cần lắm kinh nghiệm sống, cách cư xử tinh tế của mẹ chồng. Những câu nói ra khiến người khác đau lòng, thì cũng nên bớt nói lại, vì “lời đau là nhớ lâu” lắm.
Bố mẹ chồng nào cũng nói rằng: “Coi con dâu như con đẻ”, nhưng có lẽ điều này là khiên cưỡng rồi. Thật tâm đã làm mẹ, thì con mình mình vẫn thương hơn, cho dù đứa con của mình có như nào. Một nàng dâu là cô con gái do một bà mẹ khác sinh ra, lớn lên và chịu sự giáo dục của một gia đình khác, lối suy nghĩ, cách ăn ở của cô ấy sẽ không thể giống mình được. Có chăng, mẹ chồng nên hài hòa trong cách sống cùng với con dâu, hiểu và cảm thông cũng như nghĩ thoáng một chút. Không nhất thiết phải gồng mình coi con dâu như con gái, phải yêu thương như con ruột, chỉ cần đơn giản như là một người bạn của con dâu, đối xử bình hòa và công bằng.
Mọi việc đều nói dễ làm khó, triết lý có thể nặng nề đọc rồi cũng quên, nhưng chỉ cần sống đơn giản dùng tâm để đối đãi, thì đối phương cũng sẽ hiểu. Khi mẹ chồng đã làm hết những gì cần làm và có thể làm, có con dâu nào không dùng hết lòng hết dạ để hiếu thuận lại với bố mẹ chồng?