Thêm một lần nữa, câu chuyện: Con nhà người ta. Việc các bậc cha mẹ luôn hi vọng một cách quá đáng vào những gì có thể đạt được là điều không tưởng. Đó mới thực sự là lòng tham sâu thẳm nhất nơi mỗi con người: sự kì vọng (gần như) không tưởng.
CHA MẸ
Việc làm sao để biến con mình thành siêu nhân đột biến gen hầu như là việc cha mẹ nào cũng quan tâm và làm hàng ngày theo những cách hoàn toàn khác nhau, có người bắt con đi học hàng tá thứ trên đời, có người la mắng con theo đủ sắc thái với cái mô tuýp, dù xa dù gần, cuối cùng trở lại cùng: CON NHÀ NGƯỜI TA.
Tại sao họ không bao giờ hiểu là chẳng có "con nhà người ta" nào là hoàn toàn hoàn hảo cả. Đơn giản cụm từ này tồn tại để minh chứng cho một điểm mạnh nào đó của một đứa trẻ bất kì, chẳng may thay, danh tiếng được lọt vào tai cha mẹ bạn. Sự la mắng ấy đôi khi không chỉ bắt đầu từ việc những đứa con thực sự kém cỏi trong mọi chuyện, mà đơn giản, chúng không hoàn hảo trong mọi chuyện.
Cái sự ấy bắt đầu và tiếp tục diễn ra từ khi bạn còn là một đứa trẻ sơ sinh, việc so sánh hoàn toàn diễn ra một cách tự nhiên theo kiểu: "Con nhà anh/chị ăn thích quá! Chẳng bù cho con nhà em",...Chỉ đơn giản vậy, phụ huynh tự hình thành cho mình chức năng so sánh tự động con nhà mình và con nhà người.
Việc làm này phải chăng vô hình chung biến con cái thành những thứ có giá trị xác định, vì chỉ khi định lượng được một thứ người ta mới có thể đem ra so sánh. Vậy cụm từ "vô giá" đối với những đứa trẻ liệu có đang đặt đúng chỗ!?
CON CÁI
Những đứa con, đơn giản hơn nữa, gần như được lập trình để cố gắng theo đuổi những cái gì bạn bè chúng hơn chúng. Điều đầu tiên, có vẻ như tích cực, đó là phấn đấu để học giỏi hơn bạn. Tuy nhiên, cái thói hơn thua dần dần hình thành, về sau sẽ là cả sự hơn thua trong lời nói, hành động hay những vật ăn chơi ngoài thân...những thứ vô nghĩa.
Việc những đứa trẻ phấn đấu để đạt một thành tích, một vị trí nhất định dường như để thỏa mãn phụ huynh phần nhiều. Vì thực chất không có đứa trẻ nào tự hình thành nên sự hơn thua trong bản tính. Có chăng đó là sự rèn luyện vô hình trong chính con người chúng qua những lời "động viên" theo kiểu hơn thua của cha mẹ hàng ngày.
Việc chúng đạt được một vị trí, một khả năng nhất định đôi khi làm cha mẹ "hoa mắt". Họ lầm tưởng chúng là hoàn mĩ và lien tục đổ lỗi khi chúng phạm phải một sai lầm. Rằng khi chúng làm sai điều gì thì hiển nhiên đó là lỗi của chúng vì đáng lẽ chúng phải như thế này, như thế kia. Chúng là người như thế này như thế nọ, chúng đáng lẽ phải cư xử, hành động theo cái chuẩn mực tự bố mẹ chúng thấy là đúng.
Con người hoàn mĩ của các bậc phụ huynh có lẽ sẽ trở thành một phạm trù triết học để nghiên cứu trong tương lai. Và hiện nay thì lại có quá nhiều cha mẹ đang bị căn bệnh này xâm chiếm tâm trí.
Một lần thôi, hãy dừng việc biến con nhà mình thành "con nhà người ta"
Thảo Bếu -