Khi đã yêu nhau, tất nhiên ở trong một chừng mực nào đó, hai người sẽ có sự chiếm hữu và muốn kiểm soát đối phương. Nhưng nếu sự kiểm soát ấy đã quá mức giới hạn cho phép đến mức người còn lại cảm thấy tình yêu không khác gì nhà tù và người yêu chính là người cai ngục thì lúc đó bạn nên tự nhìn nhận lại bản thân.
Sự kiểm soát trong tình yêu là trạng thái cảm xúc thường thấy ở những cặp đôi yêu nhau bởi họ mong muốn giữ chặt người yêu, ràng buộc người yêu và luôn muốn người yêu xuất hiện trong tầm mắt của họ. Tuy nhiên, nghịch lý trong tình yêu lại nằm ở chỗ đó bởi sự kiểm soát không phải là phương thức hoàn hảo nhất để giữ người yêu mà đó lại là con đường nhanh nhất đi đến sự xa cách và chia ly.
Chính bởi vậy, khi đã yêu một người hãy để người ấy được tự do. Sự tự do ở đây không phải là buông lỏng hoàn toàn. Mà sự tự do chính là đừng can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của đối phương. Có người thường nói, ở ngoài kia biết bao người rình rập, để người yêu tự do có mà mất ngay.
Tuy nhiên, tại sao không một ai nghĩ tới nếu như không có sự chủ động “đớp thính” thì sao kẻ thứ ba có cơ hội chen chân vào tình yêu giữa hai người. Đa phần mọi người đều đổ lỗi cho “người thứ ba”. Ừ thì có lẽ sự xuất hiện của họ đã là một sai lầm, thế nhưng chỉ bằng một câu nói, một cử chỉ lại có thể khiến cả một mối tình tan vỡ hay sao? Người thứ ba có lỗi, nhưng lỗi lầm của họ là đã xuất hiện đúng thời điểm tình yêu của hai người đã không còn đủ sự bền vững. Còn phần nhiều lỗi là do chính bạn đã “dâng” tình yêu của mình cho người thứ ba.
Chính sự kiểm soát quá chặt chẽ trong tình yêu của bạn khiến người bạn yêu thương cảm thấy ngột ngạt, cảm thấy muốn trốn chạy khỏi “sự giam hãm” đáng sợ này.Vậy nên, để người yêu được tự do cũng chính là giải thoát cho chính mình, giải tỏa cho cuộc sống đã chứa đầy sự mệt mỏi. Đừng tự trói buộc mình vào những sự hờn ghen, đố kỵ để rồi tình yêu đi mất mà người yêu cũng chẳng còn. Hãy dùng thời gian lo lắng người yêu phản bội để tự yêu lấy bản thân mình bởi nếu chính bản thân bạn còn đầy đọa bản thân thì đâu còn ai có thể yêu thương bạn.
Hãy nhớ rằng, khi thật lòng yêu một ai đó thì hãy quan tâm thật vừa phải, kiểm soát thật thông minh. Đừng bao giờ nhân danh “sự quan tâm” để rồi bắt người yêu vào trong “ngục tù” để tiện bề quản lý. Hãy để người ấy quan tâm yêu thương bạn theo cách riêng của họ. Có lẽ cách yêu thương của họ sẽ khiến bạn cảm thấy buồn phiền bởi tình yêu không hạnh phúc như những gì bạn tưởng tượng. Thế nhưng đừng buồn! Bởi trong tình yêu luôn cần có sự hy sinh. Nếu cứ cân đo đong đếm ai yêu nhiều ai yêu ít thì tình yêu này có khác gì một vụ trao đổi. Hãy cùng người bạn yêu thương cố gắng và vững bước xây dựng, bồi đắp tình yêu của hai người để cả hai có được hạnh phúc đã kiếm tìm bấy lâu.