Lửa Thiện Nhân là câu chuyện về nỗi đau và sự tử tế. Nhưng nỗi đau ấy không nhuốm màu bi quan, lại càng không khiến người ta cảm thấy nặng nề bởi đơn giản trong câu chuyện thấm đẫm nước mắt ấy, vượt lên tất cả là tinh thần, nghị lực sống và sự lạc quan mãnh liệt vào cuộc đời này của “chú lính chì” Thiện Nhân và những người đồng hành cùng em.
Lửa Thiện Nhân – bộ phim tài liệu đang trở thành “hiện tượng” của làng phim Việt bắt đầu từ một câu chuyện thương tâm xảy ra từ 9 năm về trước – 2006 khi Thiện Nhân lúc ấy vừa sinh chào đời, chưa có một cái tên nhưng đã bị thú vật và côn trùng cướp đi một bên chân và bộ phận sinh dục.
Thiện Nhân là đứa trẻ đặc biệt, điều đó có lẽ không phải bàn cãi. Chính chị Mai Anh – người mẹ nuôi của em từng chia sẻ trong phần mở đầu câu chuyện chị bị ám ảnh bởi số phận cậu bé khi được đọc những bài báo về con. Lần đầu tiên quyết định gặp bé, chị càng ám ảnh hơn bởi cậu bé khi ấy chỉ mới 16 tháng tuổi nhưng ánh mắt chứa đầy sự mạnh mẽ khi dám nhìn thẳng vào mắt người lớn cho đến khi họ “chùn bước” mới thôi. Chỉ một chi tiết và một câu nói ấy thôi đã bộc lộ tất cả. hành trình của hai mẹ con Kim Anh – Thiện Nhân và những tấm lòng nhân ái xung quanh họ, chắc chắn nhiều gian truân nhưng luôn tin rằng họ chiến thắng và vượt lên số phận chính bởi sự mạnh mẽ, quả cảm và niềm tinh mãnh liệt vào cuộc sống. Và thực tế họ đã làm được điều đó.
Ánh mắt đầy mạnh mẽ của bé Thiện Nhân
77 phút chiều dài của Lửa Thiện Nhân có quá nhiều những chi tiết đắt giá và cảm động mặc dù cuộc đời của cậu bé đã xuất hiện trong hàng nghìn bài báo. Ấy vậy nhưng, khi những thước phim lần đầu được công bố trên màn ảnh rộng tất cả mọi người mới chợt tỉnh, hóa ra những câu chuyện trên mặt báo ấy chỉ là một phần nhỏ so với những gì em trải qua; so với hành trình ngoài sức tưởng tượng của hai mẹ con.
Ít ai biết rằng, cậu bé lành lặn của ngày hôm nay từng được mẹ Mai Anh ví tựa như cục đá, cục sỏi vì chẳng biết gì, thậm chí không thích ăn gì ngoài chuối. Còn đó là chứng cuồng ăn, sợ người, chứng ghẻ triền miên không biết bao nhiêu tháng, vấn đề về tiêu hóa, bài tiết... Tất cả đều hiện hữu trong từng khung hình chứ không chỉ là những lời kể. Đạo diễn Đặng Hồng Giang chia sẻ anh thấy hạnh phúc bởi Mai Anh đã rất tỉ mỉ khi luôn cố gắng lưu lại từng khoảnh khắc cho Thiện Nhân và mỗi lần trong quá trình lọc tư liệu, tìm được khoảnh khắc hay anh thấy mình như “vớ được cục vàng”. Đó cũng là lý do để những hình ảnh của Lửa Thiện Nhân vừa đảm bảo tính chân thực nhưng nó lại không quá khô khan, trần trụi.
“Nỗi đau cũng được tiết kiệm”Xúc động nhất trong bộ phim có lẽ nằm ở những thời khắc quan trọng trong hành trình Thiện Nhân tìm lại phần cơ thể đã mất của mình. Đó là khoảnh khắc Thiện Nhân có thể hãnh diện đứng trên hai chân một cách vững vàng. Đó là lần đầu tiên mẹ Mai Anh thấy cậu con trai của mình có thể tè, tè thẳng vào mặt chị và đó là khoảnh khắc hạnh phúc ngập tràn. Đó là khi hai mẹ con đưa nhau đi khắp các bệnh viện từ Thái Lan, đến Mỹ, Ý với mong muốn em có một “con chim xinh xinh” trước khi bước vào lớp 1. Đó còn là câu nói bật trong nỗi đau khi em vừa trải qua ca phẫu thuật kéo dài 9 tiếng đồng hồ, người còn đầy dây rợ truyền nước: “Lớn lên con chăm sóc mẹ” mà chị Mai Anh phải hỏi đi hỏi lại 2 lần vì không nghe rõ.
Cùng với hình ảnh, ngôn ngữ của bộ phim thực sự đắt giá bởi nó được cất lên từ những trái tim cùng chung nhịp đập của nỗi đau, của tình yêu thương và sự đồng cảm. “Nỗi đau cũng được tiết kiệm” là cách để chị Mai Anh biến giấc mơ của con mình thành hiện thực chứ không đơn thuần là giấc mơ của người mẹ. Đó cũng là cách để chị Mai Anh luôn sẵn sàng nói thật cho con tất cả bởi không thể dùng lời nói dối cho một sự thật.
“Lớn lên con chăm sóc mẹ.”Người viết nhớ mãi câu nói của chị Mai Anh khi nhận được hàng trăm lá thư, hình ảnh của các bé từ khắp nơi gửi về cho mình: Mình không thể chỉ biết nhận. Thiện Nhân có được ngày hôm nay là nhờ sự chung tay của biết bao nhiêu tấm lòng trong xã hội. Đó là lý do thôi thúc Mai Anh quyết định phải làm cái gì đó giúp cho những em bé ở trong hoàn cảnh như Thiện Nhân; giúp cho những ông bố, bà mẹ; những người ông bà được thấy con, cháu mình phát triển bình thường và được chung sống hòa đồng trong xã hội này.
Mẹ con Thiện Nhân cùng bố nuôi Greig Craft và bác sĩ Roberto Decastro
Tôi tự đặt ra câu hỏi: Nếu Lửa Thiện Nhân chỉ đơn thuần là một bộ phim tài liệu về cuộc đời của em, có lẽ câu chuyện tử tế này không có sức lan tỏa mạnh mẽ đến vậy. Chính phần sau của câu chuyện mới thực sự tạo nên sức nặng và sức ảnh hưởng đến với toàn xã hội. Hàng chục, rồi hàng trăm... và danh sách còn nối dài những em bé sẽ được thăm khám, tái tạo bộ phận sinh dục mà Mai Anh, bố nuôi Greig Craft, vị bác sĩ người Ý Roberto Decastro... kia vẫn miệt mài là hành động thật đẹp. Mai Anh từng gọi Greig là “đại sứ”, “người đàn ông không bình thường” nhưng chính cô và những người bạn đồng hành khác của mình cũng là người không-bình-thường bởi họ có trái tim biết yêu thương, biết đau nỗi đau của người khác và từ đó quyết định hành động.
Đạo diễn Đặng Hồng Giang chia sẻ, khi thực hiện bộ phim này anh tin vào “thiên định”. Số phận của Thiện Nhân trong phim với tất cả những gì đã xảy ra không hoàn toàn một cách tự nhiên mà dường như có sự sắp xếp của “số phận”. Điều này đúng bởi việc Mai Anh gặp được Greig, bác sĩ Roberto... và còn biết bao nhiêu tấm lòng nhân ái khác đều bắt đầu bằng chữ duyên. Chính chữ duyên ấy đã cho Thiện Nhân tái sinh cuộc đời thứ 2 lành lặn cả về cơ thể và tâm hồn. Và chính chữ duyên ấy là nhịp cầu để chính họ cùng mang đến những cuộc đời mới cho những đứa trẻ nghèo bất hạnh nơi vùng quê nghèo. Chuyến xe cuộc đời trong hành trình của những điều tử tế ấy, tin rằng sẽ còn được nối tiếp thật dài, được chung tay bởi thật nhiều những tấm lòng nhân ái.
Chuyến xe cuộc đời trong hành trình của những điều tử tế ấy, tin rằng sẽ còn được nối tiếp thật dài, được chung tay bởi thật nhiều những tấm lòng nhân ái
Sau khi phim được chiếu độc quyền tại cụm rạp Ngọc Khánh tại Hà Nội, rạp Tân Sơn Nhất (Tp. HCM), Lửa Thiện Nhân đang được công chiếu trên toàn hệ thống cụm rạp BHD và Platinum.