Nhìn bề ngoài, Hà Thanh trẻ trung hơn so với tuổi thực. Theo như câu chuyện về cuộc sống riêng mà nàng dâu Hà Thành này chia sẻ, có vẻ như ai cũng sẽ dễ dàng hiểu được lý do vì sao cô lại trẻ lâu đến như vậy. Vừa bước sang tuổi “băm”, có một gia đình hạnh phúc bên chồng và cô con gái xinh xắn, công việc kinh doanh thuận lợi, cuộc sống của Hà Thanh dường như hội tụ đủ tất cả những yếu tố “cần và đủ” mà người phụ nữ nào cũng mong muốn.
Những ngày cuối năm cũ, trong khi không ít chị em “hoa mắt chóng mặt”, ngược xuôi lo cho công cuộc chuẩn bị Tết: băn khoăn không biết sẽ đón Xuân ở đâu, biếu bố mẹ hai bên bao nhiêu tiền là phù hợp, hay mâm cỗ gia đình sẽ có món gì… thì Hà Thanh lại gần như không hề có áp lực hay bị stress vì Tết. Theo “bật mí” của bà mẹ một con này, “điều kỳ diệu” không phải bí quyết gì xa xôi mà bởi chính suy nghĩ và quan điểm về cuộc sống của mỗi người.
PV đã có cuộc trò chuyện với Hà Thanh để tìm hiểu bí quyết về cái Tết “nhẹ tựa lông hồng” của nàng dâu xinh đẹp này!
Hà Thanh đã kết hôn được 7 năm và có một cô con gái 6 tuổi
Chào Hà Thanh, bạn có thể giới thiệu một chút về bản thân mình?
- Mình tên là Đặng Trần Hà Thanh, 30 tuổi. Mình đã kết hôn được 7 năm và có một cô con gái nhỏ 6 tuổi. Hiện mình đang có một cửa hàng kinh doanh thời trang tại phố Nhà Hỏa, Hà Nội.
Được biết, đây là cái Tết thứ 7 của bạn ở vai trò của một người phụ nữ đã có gia đình. Đến bây giờ cảm giác của bạn về việc ăn Tết nhà chồng là như thế nào?
- Đúng là mình lấy chồng được 7 năm nhưng hai vợ chồng mình ở riêng từ ngay sau khi cưới, đến đầu năm vừa rồi bọn mình mới chuyển về sống cùng bố mẹ chồng và bà ngoại chồng. Mọi năm ở riêng thì hai vợ chồng tự chuẩn bị mọi thứ, từ việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa, mua sắm Tết đến chuẩn bị cỗ bàn, mâm ngũ quả… Có những năm con còn nhỏ, hai vợ chồng cứ lu bu với đủ thứ việc. Ngày 30 Tết, chồng trông con, vợ lúi húi dưới bếp làm cơm cúng. Năm nay về ở chung với nhà chồng thì chắc sẽ không như thế nữa, vì có bà ngoại và bố mẹ chồng hỗ trợ.
Công việc của bạn có vẻ khá bận rộn, vậy bạn sắp xếp thế nào để vẫn có thời gian chuẩn bị Tết?
- Mình bận công việc ở cửa hàng nên thường phải 30 Tết mới nghỉ. Nhưng công cuộc chuẩn bị Tết thì đã rục rịch từ ngày 23 tháng Chạp, cúng ông Công ông Táo. Sau ngày đó thì hai vợ chồng tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, nếu bận quá thì có thể thuê giúp việc dọn nhà theo giờ, còn bao nhiêu thì hai vợ chồng dọn tiếp.
Trước đó thì chồng mình sẽ tính toán trước xem sẽ mua cây gì về trưng nhà ngày Tết, rồi đến khoảng 28, 29 thì hai vợ chồng cùng đi mua. Sắm sửa Tết với mình cũng khá đơn giản, quà biếu và bánh kẹo… chỉ cần một buổi vào siêu thị chọn là xong xuôi. Cũng may là mình có một đội ngũ nhân viên nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ và san sẻ công việc cho đến những ngày cuối cùng trong năm.
Gia đình nhỏ rất yêu thích du lịch
Nhìn bạn đúng chuẩn “gái phố”, vậy công việc bếp núc như chuẩn bị cỗ, cơm cúng hay bày mâm ngũ quả có làm khó bạn không?
- Thực ra trong khoản bếp núc thì mình không thực sự khéo lắm đâu. (Cười) Nhưng về cơ bản thì mình vẫn có thể tự lo chu toàn. Như mình đã chia sẻ từ trước thì hai vợ chồng mình ở riêng ngay từ sau khi cưới nên hầu như mọi việc trong nhà đều do mình đảm nhận. Mâm ngũ quả thì cũng không có gì phức tạp cả, bố đẻ mình thường mua giúp con các loại quả cần thiết như chuối, bưởi… rồi về mình tự bày biện.
Cơm cúng thì mình cũng chuẩn bị như mọi nhà, với một số món ăn đặc trưng cho Tết như: canh măng, bánh chưng, gà luộc… Bánh chưng thì cả bên nội lẫn bên ngoại mình đều đi mua, vì nhà ăn không đáng kể nên thống nhất là mua sẵn cho nhanh. Gà thì mình mua rồi nhờ người làm ngay tại chợ, hoặc không thì nhờ mẹ chồng mua hộ. Thức ăn cho mấy ngày Tết thì mình hay mua rồi dự trữ sẵn trong tủ đông. Theo những gì mình tìm hiểu thì đồ ăn được bảo quản trong tủ đông vẫn còn nguyên chất dinh dưỡng và tươi chẳng kém gì đồ mua mới tại chợ.
Vợ chồng mình thường "ăn chực" hai nhà nội ngoại, lại hay được bố mẹ cho đồ ăn đem về, hơn nữa chợ cũng mở cửa trở lại khá sớm nên đồ dự trữ cũng không cần nhiều. Nhìn chung, nhà mình ăn Tết khá đơn giản nên việc chuẩn bị cũng không quá cầu kỳ.
Nghe bạn chia sẻ thì có vẻ như tất cả những công đoạn khó khăn, vất vả, bạn gần như không phải đảm nhiệm nhỉ?
- Mình có quan điểm thế này, cuộc sống bây giờ đã có sự phân công lao động cụ thể. Mình làm công việc này thì sẽ có người khác làm công việc khác, bổ trợ cho nhau. Mình không có nhiều thời gian thì có thể nhờ người khác giúp mình làm một số việc mà mình không quen làm, như vậy sẽ có lợi cho cả hai bên: mình tiết kiệm thời gian để làm việc khác, họ cũng có cơ hội kiếm thêm thu nhập.
Ví dụ như nếu có khả năng, mình có thể thuê người dọn dẹp theo giờ, thuê nhân viên hỗ trợ bán hàng, sử dụng các dịch vụ bán hàng ăn có uy tín qua mạng... để bớt đi công việc, thay vào đó sẽ có thêm thời gian đi làm đẹp và chuẩn bị cho bản thân. Theo mình thì xã hội ngày càng đổi mới, chúng ta cũng không nên quá khắt khe và tự buộc mình vào những gánh nặng không cần thiết.
Gia đình chồng của Hà Thanh còn ấp ủ dự định sẽ đi du lịch vào dịp Tết khi các cháu đủ lớn.
Bạn nghĩ thế nào về ngày Tết: ngày của những trách nhiệm hay dịp để nghỉ ngơi?
- Mình luôn nghĩ rằng Tết là dịp để nghỉ ngơi sau một năm làm việc. Với nhà mình thì vào những ngày này, mọi người vẫn tham gia đủ các hoạt động của Tết cổ truyền, dù rằng thời gian có gấp gáp đôi chút nhưng ai cũng đều thấy vui vẻ.
Ngày Tết khi độc thân và khi đã có gia đình của bạn có khác nhau nhiều không?
- Cũng có khác chứ. Khi còn độc thân, có nhiều thời gian hơn thì ngày Tết mình có thể đi chợ hoa Quảng Bá, đi chơi… Có gia đình rồi thì đúng là ít thời gian hơn thật, nhưng với mình thì chẳng sao cả, bù lại mình có chồng, có con cái, có bố mẹ luôn ở bên cạnh.
Nghe bạn kể thì có vẻ như Tết đối với bạn “nhẹ như lông hồng”, gần như bạn không gặp phải áp lực về ngày này giống như các nàng dâu khác thì phải?
- Thực ra, mình luôn luôn cảm thấy mình may mắn vì được sinh ra trong một gia đình tốt, bố mẹ chồng cũng hết sức tâm lý. Cả hai bên gia đình đều rất thoải mái, gần như không cầu kỳ về chuyện ăn Tết, miễn sao con cái cảm thấy vui vẻ là được. Dù sao Tết cũng là dịp để nghỉ ngơi, chứ không nhất thiết phải tự tạo áp lực cho mình.
Ông bà, bố mẹ chồng mình rất tốt tính, yêu thương con cháu trong nhà và còn cực “thanh niên tính”, vô cùng thích đi du lịch. Cả nhà mình còn ấp ủ dự định sau này khi các cháu đã lớn, cả nhà sẽ cùng nhau đi du lịch vào dịp Tết nào đó.
Hai vợ chồng Hà Thanh cùng có suy nghĩ nhẹ nhàng về Tết.
Thường thì 3 ngày Tết của gia đình bạn sẽ diễn ra như thế nào?
- Ngày 30 Tết, cả gia đình sẽ quây quần bên nhau ăn tất niên, sau đó thì hoặc là cả nhà cùng nhau ngồi xem Táo quân, hoặc là cùng đi xem pháo hoa. Sáng mùng Một, mọi người cùng đến nhà họ hàng chúc Tết. Mùng 2 Tết thì mình về quê nội chồng, trong ngày đó tranh thủ đến thăm họ hàng. Mùng 3 Tết vợ chồng con cái sẽ sang ngoại chúc Tết. Mùng 4 mình thường dành cho bạn bè. Mùng 5 Tết cả nhà mới đi chùa cầu may mắn cho năm mới. Thường thì mùng 6 Tết cửa hàng của mình mở cửa trở lại, kết thúc những ngày nghỉ, bắt đầu một năm làm việc mới.
Xin cảm ơn Hà Thanh về cuộc trò chuyện. Chúc gia đình bạn có một năm mới nhiều may mắn!
beforeAfter('.before-after');