Mới 27 tuổi nhưng chị đã có một đời chồng và hiện tại chị đang hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình. Nhưng điều làm chị lo nghĩ vẫn là cuộc sống của người chồng cũ. Gặp lại anh sau nhiều năm đã li hôn, anh vẫn lẻ bóng một mình...
Ngày đó, vừa tốt nghiệp cao đẳng, chị kết hôn với anh. Tuy nhiên cuộc hôn nhân ấy nhanh chóng kết thúc và cuộc li hôn đó cả chị và chồng cũ không hề mong muốn.
Gia đình chồng chỉ có mẹ và anh. Chị nghĩ mẹ anh yêu anh chắc bà cũng sẽ yêu chị. Nhưng khi chị bước chân vào gia đình anh, mẹ anh không hài lòng cho lắm. Và càng ngày chị càng nhận ra sự yêu quý ấy hóa ra là một bi kịch, là khởi điểm của những bất hòa, xung đột trong gia đình. Mẹ anh tỏ ra khó chịu mỗi khi nhìn chị vì chị đã cướp mất “người đàn ông bé bỏng” của mẹ. Dù biết rằng, con trai mẹ cũng phải có lúc lấy vợ sinh con, và mẹ cũng luôn mong mình có cháu nội bồng bế, nhưng con người bà luôn ích kỉ và mâu thuẫn.
Ngày đầu tiên về nhà anh, bà cũng chẳng hề nói chuyện với chị, chị cũng hơi chạnh lòng, bảo với anh, anh nói gọn tính mẹ vậy, nên dù không gây được thiện cảm với mẹ ngay từ lần đầu nhưng vì yêu anh, chị cố gắng yêu bà như chính mẹ đẻ mình. Hai vợ chồng đi làm xa, sáng đi tối về vẫn quyết định về sống cùng với bà. Thế nhưng cuộc sống của ba người không bao giờ vui vẻ bởi luôn tồn tại cuộc chiến thầm lặng giữa mẹ chồng và chị. Và dù chị có cố gắng bao nhiêu mẹ anh vẫn cho rằng, tất cả những điều ấy là giả tạo, giống như chị là đứa chen ngang tình cảm của mẹ và anh. Không phải âm thầm thể hiện trong lòng mà bà thể hiện ra trước mặt chị. Chị nhớ có lần đang ngồi ăn cơm, hạt cơm dính vào má, thấy vậy anh liền lấy tay nhặt hạt cơm cho chị. Vậy mà mẹ chồng bực bội:
- Có hạt cơm trên mặt, không thấy khó chịu sao mà phải đợi chồng làm hộ.
Chị sững người nhìn mẹ chồng, anh ra lời giải thích nhưng bà vẫn giữ quan điểm của mình, cho rằng con dâu thiếu tế nhị. Thấy mẹ bực mình nên anh cũng khó xử. Biết tính mẹ nên chị và chồng rất giữ ý tứ. Trước mặt bà, vợ chồng chẳng bao giờ dám thể hiện tình cảm với nhau. Nhiều lúc buồn nhưng chị cũng tự an ủi mình và dặn anh phải luôn quan tâm đến mẹ. Vậy mà bà vẫn không hài lòng.
Cứ thế, những cử chỉ quan tâm, chăm sóc của vợ chồng chị dành cho nhau ngày càng ít đi (Ảnh minh họa).
Lần khác, biết mẹ chồng đi tập thể dục nên hai vợ chồng không khép kín cửa phòng. Lúc cả hai đang vui vẻ cười đùa, mẹ chồng về mở cửa nhìn vào, chưa rõ chuyện gì bà thẳng thừng ra mặt nói: “Phụ nữ phải nết na, thục nữ, cười phải có ý có tứ, nhắng nhít như thế còn ra thể thống gì?”. Kể từ lần đó, mẹ chồng “soi” kỹ đến từng hành động và thái độ của chị.
Những câu chuyện cứ tích tụ dần khiến nhiều lúc chị cảm thấy bế tắc, chị gợi ý với anh việc ra ở riêng nhưng anh lắc đầu: “Mẹ chỉ có mỗi mình anh, việc đó là không thể”. Vậy là chị đành ngậm ngùi chịu đựng. Có lần anh phải trực tối, bà gọi chị sang phòng nhắc nhở chuyện chăn gối, rằng phụ nữ thì phải biết giữ sức khỏe cho chồng, đừng có “tốt mái, hại trống”. Từ hôm ấy, ngay cả chuyện phòng the nhiều lúc vợ chồng chị cũng phải vụng trộm, lén lút.
Rồi chị mang thai và bị nghén nặng đến mức phải nghỉ ở nhà một tuần, anh gọi điện hỏi thăm vợ, mẹ chồng thấy vậy, nhấm nhẳng nói: "Phụ nữ ốm nghén là chuyện thường, làm gì mà tối đã ở cùng nhau, ngày vẫn còn gọi điện, tiền cả chứ phải lá cây đâu".
Sau hôm ấy, anh thưa gọi điện hơn. Mệt mỏi vì ốm nghén và áp lực từ mẹ chồng, nhiều lần chị rủ chồng kiếm cớ đi ra ngoài đổi gió nhưng anh từ chối với lý do: “Mẹ biết lại phiền”.
Cứ thế, những cử chỉ quan tâm, chăm sóc của vợ chồng chị dành cho nhau ngày càng ít đi. Chị luôn sống trong cảm giác bị gièm pha, theo dõi của mẹ chồng, còn anh thì lúc nào cũng sợ làm mẹ phật ý. Vì quá căng thẳng nên chị đã sẩy thai. Quãng thời gian buồn đau nhất, chị vẫn không nhận được nhiều sự quan tâm, chăm sóc của chồng vì sự ngăn cản và những ánh mắt hình viên đạn của bà. Cuộc sống bế tắc, chị quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân cho dù cả chị và anh đều không muốn.
Sau ly hôn, chị may mắn tìm được người đàn ông phù hợp xây dựng gia đình hạnh phúc. Có lần gặp lại chồng cũ, anh vẫn lẻ bóng một mình, chị hỏi anh, anh buồn bã trả lời: “Anh sợ, lại thêm một người phải khổ giống như em”.
Thực sự, anh là người đàn ông tốt, nhưng cán cân giữa hai người phụ nữ anh yêu quý nhất, anh chưa đưa ra được quyết định. Nhìn anh như vậy, chị chỉ nghĩ: “Giá như mẹ anh hiểu được nỗi niềm của anh, chắc anh sẽ không gặp phải bất hạnh như bây giờ”.
Có thể bạn quan tâm: