Có những lúc, tôi nhìn thấy em, mắt cứ mở to, sáng quắc lên mà quan sát mọi người. Nhưng kì thực, trong hầu hết những cuộc trò chuyện, những cuộc dạo chơi như thế, tôi biết chứ, em chẳng nhìn thấy được gì hết. Mắt mở to mà che giấu đi những suy nghĩ gì thì chỉ mình em thưởng ngoạn. Có những người, khi đang vui vẻ cười nói, bỗng nhiên bắt gặp một ánh mắt quen thuộc, một hình ảnh nào đó giống như nỗi đau năm nào vụt qua tâm trí, liền có thể rơi tõm xuống hố sâu.
Chiếc mặt nạ lại được phủ lên trên khuôn mặt, nhưng ánh mắt thì không thể nào che khuất. Nó liền mở thật to, và miệng cứ thế nói trong khi mắt chẳng thấy nổi ai. Người ta đều có thể nhìn ra được sự cô đơn từ những kẻ tự kỉ, luôn luôn một mình lủi thủi mọi ngõ ngách, một mình rảo bước trong ngõ xám xịt. Nhưng với những kẻ cô đơn ném mình giữa ồn ào xáo động, có lẽ chỉ bản thân họ mới biết được rằng lòng mình đang gặp gỡ điều gì. Đôi khi, giống như là một thói quen khó bỏ.
Cô đơn, phải là ở giữa cười đùa. Không phải là để làm dịu bớt đi, mà là để nó được tôn sùng. Khi đặt trong một sự tương phản, phần nhiều chúng ta sẽ nhận rõ hơn tính chất của cả hai phía. Người ta hay nói về những cô đơn một mình, là khi hoang mang, sợ hãi không có gì để bấu víu. Là đôi lúc thấy mệt mỏi không còn ai xung quanh, để nắm lấy đôi tay. Là những nỗi cô đơn không thể hiểu. Là nỗi đau. Thế mà lại còn có loại cô đơn như là một chất gây nghiện.
Giữa một căn phòng, tiếng xe cộ, tiếng cười đùa nhộn nhạo ngoài khung cửa. Họ có thể ngồi yên giữa bóng tối để chỉ lắng nghe với cái đầu trống rỗng nhưng trái tim thì tràn đầy. Bởi họ không thể, không thiết tha, không mong mỏi suy nghĩ nổi về những gì xung quanh. Và trong lòng lại ứ đầy những thổn thức không thể cất lên. Cảm giác có thể đưa tay móc lấy trái tim mình, cầm trên tay và nhìn ngắm nỗi cô đơn đau đớn.
Ban đầu, có lên tiếng kêu cứu, họ thèm được vuốt ve, được che chở. Nhưng rồi tiếng kêu trở nên yếu dần đi bởi sự thờ ơ, họ trở nên nghiện ngập trong một nỗi cô đơn không lí do. Nỗi đau, xét cho cùng có thể đem ra nước mắt. Nhưng cô đơn, vốn dĩ không phải sự đau đớn, nhưng đau đớn thay, nó lại khiến đau đớn trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Và khi ấy, ai còn bận tâm tới nước mắt?
Thiếu đi những âm thanh xung quanh, thiếu đi đường phố thân thuộc, thiếu đi xáo động, họ sẽ lại giống như những kẻ tự kỉ bình thường khác. Đối lập được tháo gỡ, cô đơn lại trở về với im lặng, với một mình, và cứ thế chìm đi. Lúc đó họ sẽ bị phát hiện, họ sẽ bị cô lập, và nước mắt, rồi sẽ rơi trong đêm. Lúc đó, cũng chính là lúc giới hạn của sự chịu đựng nỗi đau sẽ xuất hiện.
Thế nên, những kẻ cô đơn đặc biệt sẽ chỉ mở to đôi mắt, không bao giờ để nước mắt rơi. Và nỗi đau, khi ấy sẽ là không có giới hạn.
Nhưng em ạ, hãy cô đơn trong vòng tay tôi nhé. Em cứ cô đơn đi, cho đến khi rơi được nước mắt. Tôi sẽ hôn dịu dàng lên đôi môi vị mặn và nắm tay em bước vào bình yên!
Jackie Le -