Chị không còn nhớ nổi đây là lần thứ bao nhiêu chị khóc vì tủi thân. Mới một năm làm vợ anh thôi mà bộ nhớ của chị đã quá đầy. Lúc bận bịu quên đi thì thôi chứ hễ nghĩ đến sự vô tâm của chồng là hai hàng nước mắt của chị lại lã chã tuôn rơi. Chị vừa khóc vừa uất hận.
Chị và anh quen nhau qua một người bạn, ngay từ đầu gặp anh chị đã bị “say nắng” bởi vẻ ngoài đẹp trai, lịch lãm của anh. Lúc mới yêu chị cũng không nghĩ ngợi chi nhiều, chỉ biết được sánh bước cùng anh trước sự ngưỡng mộ của bao người là chị hãnh diện nở mày, nở mặt. Yêu nhau được 3 tháng thì anh ngỏ lời cưới chị, chị đồng ý không một chút lăn tăn. Cũng có thể do yêu nhanh cưới vội, chị chưa kịp hiểu về tính cách con người của anh nên giờ cơ sự mới ra thế này.
Hình minh họa
Nhiều lúc chị hồi tưởng về quá khứ, về anh của ngày mà họ đang yêu. Ngày ấy anh vui vẻ, hài hước và luôn quan tâm đến cảm xúc của chị. Sao giờ đây những tố chất ấy trong anh đã biến mất thay vào đó là sự lạnh lùng, ít nói và ích kỉ, vô tâm đến lạ. Có chăng là anh đã ngụy trang để đánh lừa cảm xúc của chị?
Hàng ngày hai vợ chồng đi làm đến tối mới gặp nhau nhưng cứ mỗi lần chị kể chuyện gì đó trên cơ quan cho anh nghe dù là chuyện hài hước hay tin giật gân gì đó anh vẫn cứ tỉnh bơ, coi đó như là chuyện bình thường ở huyện. Chị hỏi cái gì anh cũng chỉ nhận được một từ duy nhất là “Ừ”, “Tùy”. Anh cũng chẳng hỏi han công việc của chị mà chỉ cắm mặt vào điện thoại đọc báo, chơi game hay chát chít với bạn bè trên facebook. Nhiều khi nói chuyện với chồng mà chị cứ nói một mình rồi tự nghe lấy chứ chẳng thấy anh phản ứng gì.
Cuối tuần, anh thường ra ngoài cà phê, ăn sáng cùng bạn bè bỏ chị ở nhà với hàng tá công việc không tên khác. Đó là chưa kể những hôm anh đi nhậu nguyên ngày, gọi điện không nghe máy đến tận khuya tít mới về, mặc cho chị chờ cửa với đôi mắt đỏ hoe. Anh không quan tâm đến cảm giác đợi chờ trong lo lắng của chị. Dù cho chị có nói gì thì cũng chỉ nhận được một câu không thể lạnh lùng hơn nơi anh: “Anh có bảo em đợi đâu mà em kể công?”. Thử hỏi những lời nói vô tâm của anh như thế tim chị làm sao không thể không đau?
Nhiều lần anh mua đồ nhậu về nhà rồi rủ bạn đến nhậu. Mà cũng lạ thay, anh thừa biết chị không ăn được thịt chó, thịt mèo nhưng lần nào anh cũng chỉ mua hai món đó. Bởi đó là món khoái khẩu của anh. Nếu như người đàn ông để ý quan tâm đến cảm xúc của vợ thì anh ấy sẽ mua món nào đó khác cho vợ ăn. Đằng này, anh cùng chúng bạn hả hê đánh chén trên bàn nhậu mặc cho chị ngồi “tớ hơ”, có lúc bạn anh thấy chị ngồi “gắp nước mắm” thì trách anh sao không mua gì cho chị ăn. Anh lạnh lùng đáp: “Tại nó không ăn chứ có ai cấm đâu. Không ăn thì thiệt thôi”. Nghe anh nói vậy mà lòng chị quặn đau, mặt chị bừng đỏ, nước mắt chị chỉ chực để tuôn rơi. Nhưng cũng cố nén giận vì nhà có khách, vợ chồng cãi nhau vì miếng ăn người ta lại cười cho.
Rồi những lần chị ốm, anh cũng không thể hỏi thăm chị được nửa lời. Thấy chị nằm một chỗ không lo được cơm nước anh ném thẳng vào mặt chị một câu: “Lúc sáng còn thấy hớn hở lắm mà, sao bây giờ lại ốm rồi. Không phải định ăn vạ đấy chứ?”. Nói rồi anh thay quần áo vào bếp nấu cơm, những tưởng anh nấu cho chị món gì ngon ngon giải cảm ai ngờ anh nấu ăn theo cách của anh. Thức ăn anh bỏ ớt nhiều lắm, mà chị thì không ăn được ớt. Đến bữa anh ngồi ăn ngon lành mà chẳng để tâm đến chị, chị đành phải ăn cơm chay lấy sức mà vực dậy. Chị vừa khóc vừa nói trong tức giận: “Anh vô tâm ích kỉ vừa phải thôi”, thì anh thản nhiên đáp: “Anh nấu ăn như thế cho em chừa cái thói ốm đau vặt vãnh đó đi, hôm sau muốn ăn thì tự đi mà nấu. Nằm một chỗ chỉ tổ mệt thêm thôi”. Chị là người chứ đâu phải thần thánh đâu mà tránh khỏi ốm đau, nói như thế mà anh cũng nói được.
Đã hơn một lần chị nghĩ đến việc li hôn và có lẽ chị cũng phải li hôn chứ chị không thể tiếp tục sống với người chồng lạnh lùng, vô tâm, ích kỉ quá đáng như anh được. Nước mắt chị đã cạn, lòng chị đau đã đủ chị không muốn mình tiếp tục chung sống với người chồng như anh nữa. Chị nghĩ rồi, đời còn dài, chị không muốn hủy diệt bản thân mình trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc này.
Có thể bạn quan tâm: