hà giang vốn là một điểm đến lý tưởng của dân du lịch, dân phượt với khung cảnh núi rừng tuyệt đẹp, với những cánh đồng hoa tam giác mạch bạt ngàn… Nhưng dường như những ngày này, người ta nói về Hà Giang, nói về những cánh đồng hoa nhiều hơn cả sau “tâm thư hỏi dân phượt "đang làm gì với quê hương tớ vậy?" của cô gái quê Hà Giang…
Không bàn về vẻ đẹp của vùng đất nơi đây bởi Hà Giang vẫn đẹp xưa nay, vẫn là cung đường đầy thử thách đẹp đến nao lòng người. Người ta quan tâm hơn cả là sau mỗi chuyến phượt Hà Giang, sau những lần "check in" tại mảnh đất này, sau những lần "post" hình đẹp lung linh cùng tam giác mạch… khi các bạn rời đi, cánh đồng tam giác mạch còn lại những gì? Đó là hình ảnh những luống hoa bị giẫm đạp, gãy nát làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có, ảnh hưởng đến mùa màng của người dân. Đấy là hậu quả tất yếu của việc đạp lên hoa, nhảy lên hoa, giẫm nát,… để tạo dáng chụp ảnh của một số bạn trẻ.
Có lẽ, câu chuyện về "ý thức" không còn quá xa lạ đối với tất cả mọi người. Dù là chuyện "xưa như trái đất" và những hình ảnh không đẹp thường xuyên được chia sẻ trên mạng xã hội nhưng vào mỗi năm, cứ khoảng tháng 10-11, khi mùa hoa tam giác mạch nở rộ, đâu đó vẫn xuất hiện những hình ảnh chẳng mấy đẹp mắt.
Chúng tôi đã trả tiền để được vui chơi thoải máiRất nhiều bạn trẻ cho rằng, họ tới đây để du lịch hay phượt trải nghiệm với mong muốn lưu lại những khoảnh khắc đáng giá và lung linh nhất. Nếu chỉ đứng ở mép cánh đồng hay lưng chừng phía bên sườn cánh đồng hoa thì không thể ghi trọn khoảnh khắc hoa nở rộ. Thế nên, nhiều người kéo nhau vào giữa cánh đồng rồi thả sức tạo dáng, thoải mái nằm, lăn lê, bò toài trên những bông hoa bé nhỏ chỉ để lưu lại kiểu ảnh gọi là "tuổi trẻ". Không chỉ vậy, có người còn chạy nhảy, dẫm đạp xung quanh cánh đồng rất nhiều lần. Và sau khi có khoảnh khắc đẹp đó, các bạn vô tư ra về, để lại những cành hoa nằm ngổn ngang, trơ trọi.
Sau khi trả tiền, các bạn trẻ được quyền giẫm đạp lên những cành hoa?
Hi sinh vườn hoa chỉ để tạo dáng, để có những bức ảnh đẹp."Mỗi lần lên đó, chúng tôi phải bỏ tiền ra, lúc 5 nghìn, lúc 10 nghìn. Chúng tôi đã trả tiền để được vui chơi thì tại sao không được vui chơi thoải mái? Hoa hỏng thì người dân lại trồng. Họ cũng sinh sống và kinh doanh từ nghề này, vậy thì có gì khó hiểu khi họ phải chấp nhận sự thiệt hại không thể tránh khỏi khi đoàn người ùa nhau kéo về. Nếu có vấn đề gì thì người dân nơi đây đã lên tiếng rồi, đâu cần cứ phải để cho khách du lịch phá hoại như thế?", một cư dân mạng bình luận.
"Hà Giang đang làm giàu bằng cách chăm sóc hoa để người dân tới đây du lịch. Nếu bọn tớ không đến thì còn gì mà phát triển nữa. Trồng hoa là để khách thưởng thức và chiêm ngưỡng, giờ lại cấm đoán không cho chụp ảnh với hoa, rồi sợ hoa hỏng, hoa tàn, vậy thì tốt nhất nên đóng cửa luôn đi", một người dùng khác bức xúc cho hay.
10.000 đồng cho 1 lần chụp ảnh... ... Để đổi lấy cảnh tượng những cành hoa nằm ngổn ngang.Trên mỗi cánh đồng hoa tam giác mạch đều có những thửa đất hoặc con đường nhỏ để người dân tiện chăm sóc và cũng là nơi để du khách có thể đi vào và chụp ảnh. Thế nhưng nhiều bạn cho rằng, đúng là có lối đi, thế nhưng lối đi đó quá bé, khi nhiều người cùng đi vào thì việc vô tình giẫm đạp lên một vài cành hoa là điều dễ hiểu, chẳng có gì để thắc mắc cả. Còn việc nằm lên hoa, chạy trên hoa... chỉ là do ai cũng mong muốn có một bức hình độc lạ, đứng ở mép ngoài thì trăm kiểu như một, còn đâu mà khác biệt nữa, tâm lý chung của mọi người đều vậy mà thôi.
"Phượt thủ", "dân du lịch" chân chính hay chỉ là "sống ảo"?Lối đi nhỏ, chụp ở xa không đẹp mà còn trăm kiểu như một, không độc đáo... đó là những lí lẽ mà nhiều bạn đưa ra để biện minh cho sự giẫm đạp một cách vô tư của mình. Hàng năm, khi mùa hoa nở rộ, người người lại cùng nhau đổ về mảnh đất Hà Giang thăm thú cảnh đẹp và lưu lại khoảnh khắc kỷ niệm cho bản thân. Sau những giây phút đó, những bông hoa tam giác mạch lại bị vùi dập, người dân lại ra sức chăm bón vun trồng. Cho tới năm sau khi mùa hoa nở rộ trở lại, người người lại kéo nhau đổ về. Câu chuyện lặp đi lặp lại như một vòng tuần hoàn và nhiều người cho rằng, điều đó là chuyện đương nhiên.
Những thửa hoa tam giác mạch mong manh liệu có còn đẹp sau mỗi lần bị giẫm đạp?
Hành động của một số bạn trẻ khiến nhiều cư dân mạng bất bình và bày tỏ rõ thái độ không đồng tình với những lời biện minh trên.
"Thật sự thì mình ghét nhất đi đâu cũng "check in" làm màu. Cứ kêu "phượt" nhưng mấy ai hiểu đúng ý nghĩa từ "phượt", chỉ theo phong trào là nhiều. Chụp ảnh thì cũng chụp vài hình kỉ niệm thôi, chứ đi đâu cũng phải chụp ảnh, selfie bằng mọi cách bất chấp hậu quả, phá hoại cả thiên nhiên như thế thì không thể chấp nhận được. Đó là hành động của những kẻ sống ảo chứ không phải là những phượt thủ chân chính", một cư dân mạng bất bình.
Bạn T.H, người đã sống và gắn bó với mảnh đất Hà Giang cũng vô cùng bực tức và lên tiếng: "Các bạn có biết tam giác mạch cũng là một loài ngũ cốc mà người Hà Giang dùng làm thực phẩm của mình không? Nó quan trọng gần như lúa ở đồng bằng vậy. Bây giờ các bạn đến chụp và phá cánh đồng rồi kêu là đằng nào nó cũng sẽ hỏng và cũng sẽ trồng lại được. Thế nhưng, làm gì có mảnh đất nào tươi tốt mãi để các bạn phá đi phá lại như vậy?
Thật sự là những bạn trẻ này làm xấu hình ảnh của người dân phượt. Chúng mình đi rất có ý thức, đi để biết, để chiêm ngưỡng cảnh vật và lưu lại khoảnh khắc đẹp nhưng không phải bằng cách giẫm đạp lên những bông hoa mỏng manh mà người dân đã vất vả trồng được như vậy".
Nhiều ý kiến cũng cho rằng vấn đề ở đây không phải là lối đi bé mà là do ý thức của những người này quá... bé. Chỉ vì một hai kiểu "tự sướng để đời" mà các bạn sẵn sàng dẫm đạp một cách hồn nhiên lên những bông hoa mỏng manh ấy.
Vẻ đẹp này liệu có trường tồn khi có quá nhiều người "vô tình" giẫm đạp lên nó đến vậy.
Trước kia, Hà Giang là một vùng đất xa lạ với nhiều người. Kể từ khi được quy hoạch, mọi người mới bắt đầu biết đến vẻ đẹp yên bình của nơi đây và tìm về chiêm ngưỡng loài hoa tam giác mạch đặc biệt này. Người dân gắng sức vun trồng hàng ngày để cố gắng biến nơi đây thành một địa điểm cho mọi người thăm quan và khám phá, thế nhưng không phải là phá hoại những cành hoa mà họ cố gắng vun trồng. Bởi có quá nhiều khách du lịch ghé tới mỗi năm và số tiền ít ỏi kia có thể nào bù đắp những thiệt hại mà nhiều vị khách "vô tình" làm nên sau mỗi mùa du lịch?
A Tủa, chủ vườn hoa tam giác mạch thuộc xã Lũng Cẩm Sủng Là cho biết, ruộng hoa của anh trồng 2 tháng thì bắt đầu cho hoa. Những dịp cuối tuần, mỗi ngày vườn hoa của gia đình anh có hàng trăm lượt khách ghé tới chụp ảnh. Tuy nhiên anh cũng khá buồn khi nhiều người vì vô tình hoặc thiếu ý thức đã làm mất đi phần nào vẻ đẹp tự nhiên của cảnh sắc nơi đây.
Sau nhiều năm phải chứng kiến cảnh những cành hoa tam giác mạch nằm ngả nghiêng do bị giẫm đạp bởi lượng du khách quá lớn, người dân nơi mảnh đất Hà Giang đã tìm cách làm những bãi đất trống, những thửa ruộng rộng và đẹp hơn cho khách nơi đây thuận lợi trong việc ghi hình. Mong rằng, tất cả các bạn đều có ý thức hơn trong việc gìn giữ những cảnh vật thiên nhiên vốn có nơi này để mỗi năm chúng ta lại có cơ hội tới mảnh đất Hà Giang, chiêm ngưỡng những bông hoa tam giác mạch và lưu lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp trong đời.
Các bạn trẻ đang làm xấu hình ảnh dân phượt chân chínhTrao đổi với chúng tôi, anh Ngô Huy Hòa, một dân phượt chuyên nghiệp cho biết: "Những chuyện như thế này xảy ra đã quá nhiều rồi, đa phần là do ý thức của các bạn trẻ. Những tấm ảnh ảo "câu like" đã vô tình làm xấu đi hình ảnh tốt đẹp về những người dân phượt. Chúng tôi đi đây đó thăm thú, lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhưng không phải là theo cách giẫm đạp lên những bông hoa mỏng manh, dễ gãy. Thay vì nằm lên các cành hoa, các bạn có thể chụp hình từ xa theo góc máy khác để có được một bức ảnh hoàn hảo hơn".
Bức ảnh vẫn hoàn hảo cho dù không cần nhảy hay nằm lên những bông hoa.
Phương Ly