Kết hôn đã gần hai năm nhưng số lần Hồng Anh (Ba Đình, HN) về thăm bố mẹ chồng chỉ đếm được trên đầu ngón tay dù hai nhà chỉ cách nhau chừng 13 km.
Không phải Hồng Anh không muốn về thăm bố mẹ cũng chẳng phải vì cô quá bận. Lý do chính là bởi lần nào cô ngỏ ý cùng chồng về thăm bố mẹ, chồng cô cũng gạt phắt đi: “Mình anh về được rồi, em ở nhà với con đi”.
Hóa ra chồng không muốn vợ cùng về thăm bố mẹ là để che giấu khoản tiền lớn mà anh biếu bố mẹ. Ảnh minh họa. |
Hồi đang còn nuôi con nhỏ, nghe chồng nói vậy cô thấy như mở cờ trong bụng, nhưng giờ con đã lớn hơn, và nhà lại có người giúp việc mà cô vẫn bị gạt ra khỏi những chuyến về nhà nội khiến cô chạnh lòng.
Hơn nữa, mới đây cô còn choáng váng khi nghe người họ hàng kể rằng sáng chủ nhật nào chồng cũng ghé qua nhà nội. Trong khi đó, anh thường chỉ nói với cô rằng đường xá xa xôi, tháng về thăm bố mẹ một lần thôi.
Cô còn choáng váng hơn nữa khi biết rằng, lần nào về nhà anh cũng biếu bố mẹ rất nhiều tiền. Có người hàng xóm bên nhà bố mẹ chồng còn kể rằng, mẹ chồng cô khoe con trai tháng nào cũng biếu 8 triệu đồng để bố mẹ vừa chi tiêu vừa gửi tiết kiệm.
Hóa ra đây chính là lý do anh liên tục kêu công ty giảm lương, không có thưởng và tháng nào anh cũng chỉ đưa cho vợ có 5 triệu đồng. Và đây cũng là lý do anh không muốn đưa vợ về cùng để dễ bề biếu bố mẹ tiền.
Càng nghĩ Hồng Anh càng ấm ức vì trong khi bố mẹ cô, một năm chỉ có ngày tết mới được các con biếu tiền. Vậy mà nhiều lần chồng cô còn tỏ ý không hài lòng vì đồ biếu toàn hàng ngoại đắt tiền.
Từ khi sự thật này được lộ ra, mâu thuẫn gia đình cô không ngừng tăng. Thậm chí, nhiều khi cô còn nảy sinh ý định ly hôn.
Không ít gia đình tan vỡ hạnh phúc hoặc đang đứng trước bờ vực của ly hôn không phải bắt nguồn từ lý do tình yêu phai nhạt, cũng không phải vì vợ chồng mắc chứng hư tật xấu hay tệ nạn xã hội mà chỉ vì một trong hai người quá thiên vị trong việc chi tiêu cho bố mẹ mình như gia đình nhà Hồng Anh.
Khi cán cân nội - ngoại bị nghiêng
“Lấy chồng thì phải phụng dưỡng gia đình nhà chồng”, triết lý cổ xưa này xem ra thật bất công với nhiều phụ nữ hiện đại.
Tại sao anh biếu tiền bố mẹ mà lại phải giấu tôi? Ảnh minh họa |
Bố mẹ cũng bao công nuôi con gái, cũng cho ăn học đàng hoàng, đến khi bắt đầu đủ lông đủ cánh, kiếm được tiền nuôi thân thì lại cống hiến cho chồng và gia đình nhà chồng.
Bố mẹ thật thiệt thòi đủ đường! Vậy nên mỗi dịp Tết, lễ hay bất cứ dịp nào có thể con gái bao giờ cũng ngấm ngầm dành tặng cho bố mẹ mình những gì tốt nhất.
Gói quà Tết nhà chồng có thể chỉ dùng đồ nội nhưng nhà ngoại rặc phải là đồ ngoại. Cùng là chiếc vòng ngọc làm quà trong chuyến công tác, nhưng của mẹ đẻ là ngọc thật còn mẹ chồng chỉ là ngọc giả.
Còn đàn ông lại cũng có những lý lẽ cho riêng mình. Tính gia trưởng khiến nhiều người cho rằng mình là con trai hiển nhiên phải có nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ.
Vậy nên trong gia đình cái gì của nội ắt cũng phải hơn ngoại, không thể có sự “công bằng” ở đây.
Ai cũng yêu bố mẹ đẻ mình, cũng muốn dành phần nhiều hơn sự quan tâm cho bố mẹ mình. Và sự “nhất bên trọng nhất bên khinh” này đã gây nên nhiều xung đột cho đôi vợ chồng.
Nhẹ là xung đột, cãi vã, chiến tranh lạnh, nặng hơn thậm chí có cặp ly hôn vì chuyện này. Vậy làm sao để giải quyết ổn thỏa chuyện này?
Công bằng là giải pháp tối ưu
Khi mới yêu nhau, anh muốn mua sắm cho gia đình anh thế nào cũng xong, em muốn sắm sửa cho bố mẹ em thế nào anh cũng chiều. Nhưng đến khi thành vợ thành chồng rồi thì việc đối nội đối ngoại phải thật sự công bằng và phù hợp với khả năng kinh tế.
Để không lệch cán cân nội - ngoại thì phải dựa trên nguyên tắc chung "đồng vợ, đồng chồng". Hai vợ chồng sau khi bàn bạc, thống nhất trong việc tặng quà bố mẹ hai bên thì cùng góp chung tiền hoặc mua quà, đưa bên nội, bên ngoại như nhau.
Có như vậy vợ chồng mới cùng cảm thấy hài lòng, không khó chịu, không ganh tị và cũng chẳng có lý gì để nói hai bên thiên vị hay chênh lệch.
Còn khi có những chuyện lớn khác, như sửa nhà cửa cha mẹ, cưới hỏi của anh em trong nhà... tùy vào khả năng tài chính của vợ chồng để có ứng xử cho phù hợp.
Và chuyện chi tiêu tháng (nếu phải sống chung) nên rõ ràng từ đầu, ai sẽ chi trả hay mỗi người góp một phần. Sự thẳng thắn sẽ khiến không ai phải ấm ức, khó xử.
Khi nào thì nên nghiêng sang một bên?
Chuyện công bằng trong chi tiêu cho gia đình hai bên nội ngoại không phải bao giờ cũng nên dập khuôn. Trong những trường hợp như gia đình bên nào đang gặp khó khăn, đang phải giải quyết nhiều việc cấp bách hoặc cha mẹ già khi em còn đang tuổi ăn học… thì ngoài chuyện quà cáp nhiều hơn, sự ủng hộ về tài chính cho bên này cũng là điều vợ chồng nên làm.
Tuy nhiên, việc biếu này nên được công khai và có sự thống nhất của cả hai vợ chồng. Có như vậy việc hiếu nghĩa với cha mẹ mới trọn vẹn và hạnh phúc gia đình không bị ảnh hưởng.
beforeAfter('.before-after');