Ông bà nội tôi năm nay đã gần 80 tuổi. Bà nội tôi, dù trẻ hơn ông, nhưng gặp khó khăn trong việc đi lại, do chứng bệnh tê bì, đau mỏi khớp mãn tính. Bà thường bảo với tôi bà quen rồi, bệnh này theo bà từ hồi còn trẻ, khi tôi còn nhỏ cơ, tức là khi bà bằng tuổi mẹ tôi hiện giờ. Điều này thực ra khiến tôi rất thắc mắc, vì ngày còn trẻ mà bà đã bị đau chân, bệnh thì thường không tự nhiên mà có. Ông nội tôi bèn bảo: "Ngày bà còn mang bầu rồi sinh bố mày, lại thêm cô và chú, ông cũng cố gắng để bà không phải động chân động tay cơm nước, giặt giũ, kiêng cữ lắm rồi, nhưng ngày ấy làm gì có điều kiện như thời ba mẹ chúng mày, thỉnh thoảng mùa đông tới vẫn có lúc tay chân chạm vào nước lạnh, tránh thế nào được."
Tôi nghe tới đó, mới nhìn lại suốt quãng thời gian ông và bà chung sống với nhau, lúc nào bà nội cũng là người trực tiếp chăm sóc mấy đứa cháu gái, ông nội thì lo chuyện bếp núc, nhà cửa để đỡ đần bà phần nhiều. Tôi lớn lên với trọn vẹn lòng biết ơn, yêu thương và kính trọng ông bà là như thế.
Tuổi thơ tôi được nuôi dưỡng bằng những sớm bà đưa đi học, những chiều ông đón về; những bữa cơm ngon lành ông nấu, những bộ quần áo thơm bà giặt giũ, gấp gọn gàng; những lời ru của bà, những bài học vỡ lòng của ông; cả những trưa hè nóng nực bà không ngưng tay quạt, những ngày ốm đau ông luôn bồng bế đứa cháu nhỏ trên vai.
Tôi may mắn là một trong những đứa cháu được ông bà chăm sóc, và những năm tháng chăm sóc chúng tôi, niềm hạnh phúc nhưng đồng thời là trách nhiệm, cũng chỉ là một phần nhỏ trong suốt phần đời ông và bà đã đồng hành, chia sẻ với nhau.
Nếu cho rằng việc được hưởng những thành tựu của cuộc sống hiện đại, tiến bộ đơn giản là đặc quyền thế hệ, thì tình yêu thương và sự gắn bó, ở bất kì thời đại nào, cũng nên là niềm hạnh phúc khi san sẻ ngọt bùi. Ngẫm về câu chuyện của ông bà, rồi đọc bài viết "Đàn ông Việt Nam quá lười", khiến tôi giật mình với "tình yêu", hay đúng hơn là sự chung sống thời hiện đại. Không rõ là từ bao giờ, cũng không biết có phải từ khi ta may mắn được tận hưởng cuộc sống tiện nghi, đầy đủ hơn ông bà ngày trước, mà sự san sẻ trách nhiệm gia đình cứ dần mất thăng bằng hay không.
Tôi không cho rằng tác giả bài viết trên có ý "vơ đũa cả nắm", chẳng qua, đơn giản đàn ông thì gọi là đàn ông. Khắp những con đường tôi đi học, đi làm đều đi qua những quán nhậu, chẳng cần phải để ý kỹ cũng thấy là ngày nóng nực cũng như mát trời, ngày hội cũng như ngày thường, ngày buồn ngày vui đều thấy đông nghịt đàn ông. Nếu làm một cuộc khảo sát số các anh, các chú, các bác đã có vợ, vợ đang có bầu, có con ở nhà chờ đợi các anh, các chú, các bác về ăn cơm (chứ đừng nói tới việc chia sẻ chút công việc gia đình), e là con số không hề nhỏ. Nói ra thì chắc ai cũng bảo, "ôi, có gì lạ", "ôi, ai chẳng thế",... Thì chính những thứ không hề lạ, những điều "ai cũng thế" mới là sự dung túng cho cái sai, cái không tốt còn gì?
Đấy là ở Việt Nam. Tôi không có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Duy chỉ có lần, tôi làm phiên dịch viên cho một chị người Đức, 25 tuổi. Ngoài công việc, khi đã thân thiết hơn với nhau, tôi cũng có đem chuyện tương tự ra hỏi, đơn giản vì bản thân cũng rất tò mò vấn đề tình yêu và trách nhiệm gia đình ở bển nó như thế nào. Chị ấy đang chung sống với bạn trai mình ở Đức, hai người chưa kết hôn. Họ đều đi làm từ sáng sớm và về nhà khi trời đã tối, nên họ luân phiên nhau chuẩn bị bữa sáng trước khi đi làm, và cùng nhau nấu bữa tối, dọn dẹp nhà cửa mỗi ngày.
Bản thân chị ấy cũng nói rằng, họ chưa kết hôn vì cũng chưa chắc chắn có thể chung sống hòa hợp với nhau, họ cần học cách chia sẻ mọi thứ và nếu không thành công, hay một trong hai người không chấp nhận thì có lẽ họ không thể đến với nhau được. Quan điểm của chị ấy rất rõ ràng, không chia sẻ thì không có hôn nhân và chung sống lâu dài, và tình yêu thì cũng vô nghĩa. Họ không vì tình yêu mà mãi hy sinh và dung túng cho sự lười biếng của đối phương được.
Tạm quên đi những thứ mà ta có sắp xếp vào "niềm vui" hay là "trách nhiệm" vẫn mãi là không tương xứng, bởi hai thứ đó ít nhiều gắn kết với nhau, tôi chỉ ước rằng, nếu tình yêu là có thật, hy vọng chúng ta có thể chia sẻ mọi thứ cùng nhau. Tôi không muốn mãi rêu rao về những câu chuyện mặt trái của tình yêu thời hiện đại, bởi còn có vô số những lỗ hổng không thể nằm lòng một người trẻ đứng ngoài tất cả. Hãy cứ biết rắng, câu chuyện tình yêu đẹp nhất là câu chuyện tình của ông bà, hai người dắt tay nhau đi qua nhiều thập kỉ, cùng nhau vun đắp và sẻ chia từ những ngày gian khó đến khi hạnh phúc, đủ đầy.
Bảo Trân Phùng -