Thời tiết đã mưa nồm khó chịu chục ngày nay, nhà cửa hôi hám, thế mà chồng vừa về nhà, vợ đã cao giọng: “Em nấu xong cơm rồi, anh đi tắm đi rồi ăn cơm. Tí ăn xong anh nhớ rửa bát nhé không lại thành... con lợn”.
Ảnh minh họa.
Nàng nửa đùa, nửa thật nhưng giọng đầy mỉa mai vì đời nàng từ ngày lấy chàng chưa một lần chồng chịu rửa bát. Chàng đang thay quần áo nghe xong câu này bỗng cay mũi ném phịch cái áo xuống đất rồi gắt lên: “Làm gì có con lợn nào biết rửa bát, không rửa được thì cô ném đống bát ra sọt rác”.
Chuyện bé nhưng là chủ đề bế tắc của vợ chồng trẻ mấy năm nay thành ra lại châm ngòi một cuộc khẩu chiến nảy lửa. Thực ra trong mắt nàng, chàng rất ổn, yêu vợ, thương con nhưng chỉ duy nhất một điều là bị... “hâm”.
Chẳng hiểu truyền thống gia đình nhà chàng thế nào nhưng từ ngày cưới nhau, chàng có thể đi chợ, nấu cơm chứ nhất định không chịu rửa bát dù vợ có ốm, có đi công tác 3-4 ngày... Vợ ốm chàng có thể bưng cháo tận giường nhưng bát thì vứt chậu tới khi nào vợ khỏe thì rửa. Vợ đi công tác mấy ngày, chàng chất bát cả núi đợi vợ về rửa...
Nhiều lần như thế nàng ấm ức phát khóc nhưng chỉ nhận được một câu xanh rờn của chồng: “Nhìn thằng đàn ông vào bếp rửa bát trông hãm, không đáng mặt đàn ông”.
Nhân có “tuyên ngôn”: Đàn ông về nhà chỉ biết ăn, ngủ, tắm chẳng khác con lợn, nàng hả hê lắm. Nàng nhủ thầm sẽ thử làm “đại cách mạng” lần này xem thế nào.
Chồng nàng có thói quen không bao giờ nghe vợ nhưng lại nghe người ngoài, mà lần này trên facebook chị em cũng chia sẻ chuyện chồng họ rửa bát là chuyện không còn hiếm nữa. Thực tế bây giờ cũng nhiều đàn ông giúp vợ làm việc nhà, không coi việc rửa bát là “đặc quyền” của đàn bà. Thực ra không phải đàn ông nào cũng là con lợn. Nàng hy vọng biết đâu sau “tuyên ngôn” này có điều gì đó sẽ thay đổi tư tưởng ấu trĩ của chàng.
Thế nhưng nàng đã nhầm to thật, bữa cơm hôm ấy nàng nấu toàn món ngon chồng thích nhưng chồng chẳng buồn đoái hoài. Tranh cãi một hồi, chồng xách xe phi ra khỏi nhà đi nhậu và không quên quăng lại một câu thách thức: “Cô cảm thấy không nấu cơm, rửa bát nổi thì tôi ra ngoài ăn”.
Nàng ấm ức không kém cũng xách túi, bắt taxi đi thẳng. Thế là chàng và nàng mỗi người một hướng, mặc kệ mâm cơm toàn món hấp dẫn chỏng chơ trên mặt bàn.
Ảnh minh họa.
Sau khi lao rầm rập vào trung tâm thương mại quẹt mấy lần thẻ, nàng ngồi ăn kem, chiếc kem như giúp nàng hạ hỏa và tỉnh táo hơn. Nàng nhủ thầm: “Mình ngu thật, sao lại dại dột tuyên chiến kiểu này, động tới sĩ diện của đàn ông rồi. Một lão chồng “hâm” và đầy sĩ diện như chồng mình mà bị “bục” sĩ diện thì phát khùng là phải. Chả biết ai mới là... con lợn?!”.
Nàng thở dài đánh thượt, chén nốt cốc kem rồi bắt taxi đi về. Nàng tiếp tục miên man với dòng suy nghĩ và lóe lên “giải pháp”: Làm cách mạng kiểu này chỉ hỏng việc thôi, có lẽ nên mua máy rửa bát hoặc đổi chồng.
Đổi chồng thì hơi khó, chẳng nhẽ đâm đơn ra tòa ly dị vì lí do chồng không rửa bát? Nàng khoái trá tưởng tượng lại hình ảnh chiếc máy rửa bát long lanh trong trung tâm thương mại với suy nghĩ sẽ móc ví chồng mua ngay để giải phóng sức lao động và đỡ mang bực vào thân.
beforeAfter('.before-after');