Đa số chúng ta đều ít quan tâm đến chuyện mình đi... tiểu như thế nào, cụ thể ở đây là quan sát nước tiểu của mình về màu sắc, số lượng, cảm giác khi tiểu… Tuy nhiên, đây lại là một trong những cách giúp phản ánh trung thực tình trạng sức khỏe cũng như những rắc rối mà cơ thể có thể đang gặp phải. Theo các bác sĩ chuyên khoa Tiết Niệu, nếu thấy nước tiểu có 1 trong số 4 dấu hiệu bất thường dưới đây, bạn cần đi khám sớm.
1. Bất thường thể tích
Trung bình mỗi ngày, một người trưởng thành đào thải khoảng 1,8 lít nước tiểu ra ngoài. Do vậy, nếu trong một ngày mà bạn chỉ tiểu dưới 50ml (kể cả khi uống nhiều nước) thì đây là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc bệnh thiểu niệu, vô niệu. Nguyên nhân do suy thận cấp, tổn thương tại thận, tắc nghẽn hệ thống bài tiết nước tiểu ở thận.
Nước tiểu bình thường có màu trắng hoặc vàng nhạt, lượng nước tiểu thải ra trung bình mỗi ngày 1,8 lít, tần suất 6-8 lần/ngày.
Thận là cơ quan duy nhất trong cơ thể có chức năng lọc và bài tiết nước tiểu ra ngoài cơ thể. Nếu thận bị hư, các chất độc như ure, chất điện giải… sẽ ứ đọng lại trong cơ thể, lâu ngày có thể gây hôn mê hoặc ngừng tim do lượng kali trong máu tăng cao. Ngoài ra nếu thiểu niệu kèm triệu chứng phù 2 chân, phù toàn thân thì nên đi khám ngay, không nên chủ quan nghĩ là mình đang... mập lên.
2. Bất thường màu sắc
Nếu thấy nước tiểu có những màu sắc “lạ” dưới đây thì nên cảnh giác:
Màu xanh: Đây là dấu hiệu cho thấy chàng/nàng bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Dù vậy, đây là dấu hiệu bình thường, không quá nguy hiểm.
Màu đỏ - tiểu ra máu: Nguyên nhân do bướu đường hệ tiết niệu, viêm nhiễm đường tiết niệu, viêm nhiễm cơ quan sinh dục. Đặc biệt điều này thường xảy ra ở các bạn nữ do viêm bàng quang dẫn đến đi tiểu đau, buốt, tiểu máu đại thể (mắt thường có thể quan sát được màu đỏ của nước tiểu). Bên cạnh đó có thể nguyên nhân do bệnh ung thư , chấn thương hệ sinh dục...
Màu vàng: Đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm gan cấp tính, tắc nghẽn mật. Trường hợp bạn làm việc nhiều, quên uống nước nhất là trong điều kiện thời tiết nóng bức cũng sẽ làm nước tiểu trong cơ thể bị cô đặc, các chất hòa tan như muối sắc tố, mật, muối mật hiển thị rõ ràng hơn, khiến nước tiểu có màu vàng sậm. Một số bạn sử dụng multi vitamin, đặc biệt nhóm B mỗi ngày với liều lượng cao cũng làm màu nước tiểu có màu hơi ánh vàng, trong.
Màu nâu đen: Nếu trước đó các bạn bị tổn thương (có thể không biết) gây tụ máu bên trong bàng quang, thận. Khi đi tiểu máu cũ được tống xuất ra ngoài nên có màu nâu đen. Cần đến bệnh viện kiểm tra tổn thương cũ, nếu có.
Màu trắng như sữa: Hay còn gọi là tiểu ra dưỡng chất do mắc bệnh rối loạn hấp thu của hệ bạch huyết, rối loạn hấp thu can-xi, phốt-pho trong cơ thể. Đây là dấu hiệu của triệu chứng xuất tinh ngược dòng làm tinh trùng không đi ra ngoài mà ngược dòng đi vào bên trong bàng quang. Tinh trùng hòa lẫn với nước tiểu nên có màu đục và lợn cợn.
3. Bất thường “tia”
Đối với nam giới, khoảng cách từ vị trí tiểu đến tia trung bình là 80cm. Tuy nhiên nếu mắc bệnh bế tắc đường tiểu dưới, chít hẹp lỗ sáo thì nước tiểu sẽ bị tắc nghẽn, tia “bắn” ra ngắn, có khi phải... rặn đỏ cả mặt mới ra. Ngoài ra đây còn là dấu hiệu của bệnh bàng quang thần kinh (mất chức năng thần kinh của bàng quang), suy nhược cơ bàng quang. Nếu không cẩn thận, khi tiểu dễ bị nước tiểu làm ướt chân, giày. Trường hợp nước tiểu phun xa hơn chứng tỏ đường tiểu thông thoáng, cơ bàng quang co bóp khỏe.
Tiểu dễ dàng, thoải mái là dấu hiệu cho thấy bạn khỏe mạnh. (Ảnh minh họa)
4. Bất thường cảm giác
Bị ngắt nửa chừng, đau, són: Nguyên nhân gây nên do sỏi trong bàng quang, viêm nhiễm đường tiểu, tổn thương vùng chậu. Đặc biệt nếu bị són khi tiểu sẽ gây bất tiện trong sinh hoạt do sự không kiểm soát lúc nào đi tiểu, có khi tiểu ra quần.
Tiểu nhắt: Biểu hiện sau khi uống nước có cảm giác muốn đi tiểu, nhưng mỗi lần chỉ tiểu một ít. Coi chừng có thể bạn bị nhiễm trùng đường tiểu, sỏi bàng quang, viêm niệu đạo, niệu đạo có mủ làm nước tiểu không được tống xuất hết 1 lần mà lại ra lắt nhắt.
Tiểu không ra hết: Khác với tiểu nhắt, tiểu không hết tạo cảm giác nước tiểu còn sót lại mà không tài nào “rặn” ra được. Nguyên nhân của bệnh này là do bướu lành ở tiền liệt tuyến, hay co giãn thắt yếu của vùng chậu ở phụ nữ .