Khi thở bình thường, tiếng thở rất êm dịu. Trong trường hợp trẻ bị tắc nghẽn đường hô hấp dưới sẽ tạo ra tiếng thở bất thường.
Biểu hiện của nhiều bệnh đường hô hấp
Khò khè là hiện tượng phổ biến của 3 nguyên nhân: suyễn, viêm tiểu phế quản (trẻ dưới 2 tuổi) và viêm phổi. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân gây ra khò khè ít gặp hơn như dị vật đường thở (dị vật nằm trong phế quản gây khò khè), dị tật bẩm sinh đường thở hay có khối u nào đó chèn ép phế quản làm bé thở khò khè.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, thở khò khè nguyên nhân hàng đầu là do viêm tiểu phế quản. Từ 18 tháng tuổi trở lên dù trẻ khò khè lần đầu cũng phải nghĩ tới hen, suyễn hơn so với các nguyên nhân khác. Ngoài ra, đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi cần để ý vì dễ nhầm với nghẹt mũi, ngoài ra đây là dấu hiệu nặng của viêm tiểu phế quản (50% trẻ lứa tuổi này mắc bệnh phải thở ôxy, có trường hợp đột tử), bệnh cần đưa trẻ đi nhập viện.
Chính vì vậy, phụ huynh cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay khi khò khè kèm các biểu hiện: khó thở, tím tái, bỏ bú, bú kém (trẻ dưới 2 tháng tuổi), không uống được (trẻ lớn), trẻ ngủ li bì, khò khè nhiều lần không khỏi…
Phụ huynh dễ nhầm lẫn
Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhi, trên thực tế, các bậc cha mẹ rất quan tâm đến vấn đề này nhưng lại hay nhầm lẫn sang nghẹt mũi, chỉ có khoảng 40 - 45% cha mẹ đánh giá đúng hiện tượng khò khè. Tại các bệnh viện Nhi, nhiều cha mẹ đưa con đến nhập viện cũng nhầm về hiện tượng này với nghẹt mũi, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi vì các bé ở lứa tuổi này thường thở bằng mũi nên chỉ một lần tắc mũi, nghẹt mũi cũng làm em bé bất thường.
Có đến 90% cha mẹ có con dưới 3 tháng tuổi nhầm lẫn về hiện tượng khò khè. Chính vì nhầm lẫn nên nhiều cha mẹ sử dụng thuốc không đúng nên bệnh có thể trầm trọng hơn như thuốc long đàm, thuốc giãn phế quản, nhóm các thuốc kháng histamine trị dị ứng, một số bé có biểu hiện sổ mũi kèm theo cha mẹ mua thuốc trị sổ mũi tự chữa tại nhà nên trẻ bị nặng thêm.
Trong trường hợp con bị khò khè, phụ huynh phải xác định được đó là do tắc nghẽn đường thở nên cha mẹ phải đưa đi khám, cần thiết phải đưa trẻ đi cấp cứu kịp thời. Khi em bé khò khè sớm quá, ngay sau sinh, hoặc khò khè hoài không hết và mặc dù đã điều trị rồi mà không khỏi cũng cần hết sức lưu ý.
Cẩn trọng khi chăm sóc trẻ bị khò khè
Nếu chưa có thời gian đi khám hoặc bác sĩ cho điều trị tại nhà cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc. Phụ huynh nên chú ý đến các biện pháp chăm sóc khác như vệ sinh mũi thông thoáng bằng nước muối sinh lý, nên cho em bé uống nhiều nước giúp đàm lỏng ra nên em bé khò khè sẽ bớt hơn, tránh khói thuốc lá ảnh hưởng đến trẻ bị khò khè, đặc biệt là suyễn, viêm tiểu phế quản.
Nhiều phụ huynh sử dụng nước muối để vệ sinh mũi, với nghẹt mũi thì chỉ làm vài lần thì tiếng thở sẽ êm, còn nếu làm nhiều lần mà vẫn còn tiếng đó thì bé phải được bác sĩ thăm khám để xác định đúng bệnh.
Lưu ý: Phụ huynh nên mua nước muối sinh lý hơn là tự pha vì nếu pha không đúng nồng độ (đậm đặc quá) hay sử dụng nhiều quá sẽ làm teo niêm mạc, hậu quả về sau sẽ rất nghiêm trọng.