Đầu tuần này, Google chính thức tuyên bố: người dùng không cần có tài khoản Google+ để đăng nhập, bình luận hay chia sẻ các nội dung video đăng tải trên YouTube, cũng như trên các trang khác của hãng này. Quyết định này là động thái rõ ràng nhất sau khi hãng tuyên bố kế hoạch “cắt xẻ” Google+ thành hai bộ phận riêng biệt: Streams và Photo, vào tháng 3 vừa qua.
Nhưng dù vậy thì Google+ cũng không thể nâng tầm vị thế của mình được chút nào. Người dùng vẫn cứ chê bai nó (chỉ gần gõ “Hate Google plus” trên thanh tìm kiếm của YouTube, bạn sẽ thấy vô số kết quả bao gồm cả một những video ...khá nhảm nhí nhưng thu hút cả triệu lượt xem).
Rõ ràng là một sản phẩm được đầu tư và kỳ vọng song Google+ đã bị hắt hủi không thương tiếc. Có sai sót gì đã xảy ra trong quá trình vận hành và phát triển sản phẩm này?
Sai sót từ khâu xây dựng nền tảng
Google+ không thành công, trước hết vì đây là một sản phẩm không hấp dẫn (nếu không muốn nói là “chán òm” xét trên tư cách một mạng xã hội). Mặc dù việc login vào Google+ cho phép người dùng kết nối với tất cả các sản phẩm dịch vụ khác của Google, hữu ích cho cả doanh nghiệp lẫn người dùng song giao diện và cơ chế network của mạng này khiến việc kết nối giữa những người dùng với nhau trở nên khó khăn.
Để trở thành một mạng xã hội thành công, trước hết nó phải tạo ra được cảm giác kết nối cũng tính giản tiện, nhanh chóng trong việc kết nối. Facebook, LinkedIn đều làm được điều này, bạn tìm kiếm một người bạn trên mạng, một cá nhân trong mạng lưới và gửi lời mời “kết bạn”, không hề tốn thời gian, công sức. Với Google+, bạn phải suy nghĩ xem bạn muốn mời ai “vào vòng” nào (Add to circles), chưa kể không gian chia sẻ - cập nhật thông tin trên Google+ cũng khá …phức tạp.
sai lầm trong chính sách
Một khi ra mắt thị trường, những sản phẩm thiếu sức hấp dẫn chắc chắn không thể lôi kéo khách hàng và sớm muộn gì cũng bị quên lãng. Nhưng trong trường hợp của Google +, nó không bị quên lãng, mà bị …ghét bỏ.
Đó là do chính sách mang tính cưỡng chế của các nhà lãnh đạo Google, buộc người dùng khi muốn comment hay chia sẻ các nội dung video trên YouTube phải có một Google+ profile. Có hai điểm sai lầm trong quyết định này của Googe: 1) YouTube giống như một …cái chợ thông tin, nơi đủ loại thành phần người dùng xem, đăng, tải video và comment rất “văng mạng”, mà những kẻ càng “văng mạng” thì càng ghét tiết lộ danh tính của mình, trong khi đó 2) Google+ được phát triển như một “tấm thẻ căn cước” của người dùng trên mạng, nơi mà ở đó, danh tính của bạn được tiết lộ rõ ràng, từ tên tuổi, địa chỉ hòm thư, mạng lưới kết nối, bộ sưu tập ảnh – video v.v.
Trong thoáng chốc, bạn không còn cảm giác mình “vô hình” trên mạng nữa mà như đi giữa đời sống thực. Đó là điều không ai mong chờ ở một mạng xã hội.
Đến các vấn đề về niềm tin
Google+ gây ác cảm không đáng có từ chính sách “ép” sử dụng của mình và thực tế là trong số khoảng 2 tỷ profile Google+, người ta ước tính chỉ có chừng vài triệu người thực sự sử dụng mạng này (active users). Mà từ ác cảm, người ta thường sinh ra nghi ngờ và căm ghét.
Có thể nói, thất bại của Google+ còn là thất bại của niềm tin, bởi rất nhiều người cho rằng với các thông tin họ cung cấp trong profiles, Google khai thác chúng một cách trắng trợn phục vụ các nội dung quảng cáo có trọng điểm (là đơn vị kinh doanh công cụ tìm kiếm hỗ trợ quảng cáo lớn nhất toàn cầu, không khó hiểu nếu hãng có "mó máy" vào kho dữ liệu Google+). Và như bản chất tự nhiên của các hệ thống mạng xã hội, việc vận hành và rà soát kho dữ liệu thông minh khổng lồ của hàng tỷ người dùng luôn đặt ra những câu hỏi về bảo mật, an toàn và minh bạch thông tin.
Chậm trễ trong việc bắt kịp xu thế
Ở đây, là xu thế di động. Ngay cả Facebook cũng đã từng thừa nhận lơ là của mình với mảng người dùng di động và đã phải nhanh chóng xoay chuyển tình thế: đến nay, đa phần doanh thu của hãng đến từ các ứng dụng, dịch vụ và sản phẩm trên thiết bị di động thông minh.
Trong khi đó, trọng tâm của Google+ là hoạt động lưu trữ và chia sẻ những hình ảnh chất lượng cao chỉ phù hợp hiển thị trên màn hình máy tính.
Và lủng củng từ đầu não quản lý, lãnh đạo
Để một dự án thành công thì bên cạnh chất lượng sản phẩm/ dịch vụ cùng kế hoạch tiếp thị truyền thông hợp lý, đội ngũ lãnh đạo cũng cần có sự thống nhất và ổn định, đặc biệt ở giai đoạn khởi đầu hay trong các thời điểm gặp nhiều khó khăn.
Thế nhưng, khi Google+ có dấu hiệu chệch hướng thì “cha đẻ” của nó là Vic Gundotra đột ngột rời công ty hồi năm ngoái: không kế hoạch chuyển đổi, không thông báo trước. Với nhiều nhân viên Google, ngài Gundotra “đến rồi đi như điều tự nhiên nhất trên đời”.
Google+ đã sẵn sàng để ra đi?
Mặc dù được kỳ vọng “sẽ thay đổi cách con người chia sẻ cuộc sống của mình trên mạng” song Google+ đã sớm trở thành ảo vọng. Một số người cũng chỉ trích cách Google+ cố gắng “ăn theo” Facebook nhưng theo một đường hướng rườm rà và kém hiệu quả hơn hẳn, khiến vị thế của Google+ càng tầm thường và chẳng xứng làm một đối thủ của các mạng xã hội phổ biến khác.
Có lẽ, sứ mạng lịch sử của Google+ là giúp Google vỡ vạc những bài học xương máu để công ty công nghệ hàng đầu rút kinh nghiệm trong các bước phát triển tiếp theo (đặc biệt nếu hãng này vẫn còn muốn dấn thân vào địa hạt béo bở mang tên “mạng xã hội”). Thêm vào đó, cuộc chiến sắp tới với Facebook cũng hứa hẹn nhiều gian nan và Google không nên chủ quan, khinh địch.
Sứ mạng đã hoàn thành, phải chăng Google+ nên …ra đi?