Ngay sau vụ việc này, cộng đồng mạng đã dấy lên những làn sóng phản đối, dẫn đến việc hàng loạt nhân vật đình đám cùng “lên mạng” để gỡ tội cho cậu học sinh lớp 9 gốc đạo Hồi.
Sau hashtag #IStandWithAhmed lan truyền với tốc độ chóng mặt (mà mới nhìn qua, người viết giật mình tưởng có gì đó liên quan tới IS), hết tổng thống Mỹ Obama ngợi ca và mời Ahmed thăm Nhà Trắng, lại đến CEO Facebook tán thưởng và ngỏ ý muốn gặp chú bé tài năng: “Có kỹ năng và tham vọng tạo nên những thứ thú vị phải được khuyến khích ngợi khen chứ không phải bị bắt bớ. Tương lai của chúng ta thuộc về những người như Ahmed. Ahmed này, nếu em muốn đến Facebook chơi, anh sẽ rất vui lòng tiếp đón em. Tiếp tục niềm đam mê chế tạo của mình nhé!”
Chưa dừng lại tại đây, hàng loạt đơn vị cũng “ăn theo phong trào” ủng hộ Ahmed, khen ngợi em và thậm chí mời em đến doanh nghiệp thực tập, đơn cử như NASA, Google, Twitter và Box.
Một làn sóng phản hồi thỏa đáng, hay chỉ là động thái nhanh chóng xoa dịu tình hình có phần hơi “quá đà”? Cùng nhìn lại diễn biến sự việc.
Đầu đuôi câu chuyện
Ahmed Mohamed là một học sinh trung học 14 tuổi hiện đang sinh sống cùng gia đình tại Irving, Texas, Mỹ. Mang giấc mơ trở thành kỹ sư điện tử, cậu bé chăm học và rất chịu khó mày mò sáng tạo. Muốn thể hiện năng khiếu với các thầy cô và bạn bè ở trường, Ahmed quyết định chế tạo chiếc đồng hồ kỹ thuật số với chính hộp bút của mình và mang đến trường ngay sáng thứ hai 14/9 (giờ Mỹ).
Buồn thay, những nỗ lực của em không được đón nhận bằng những tiếng vỗ tay, mà là sự khiếp sợ của giáo viên cùng chiếc còng tay lạnh ngắt của cảnh sát. E ngại rằng đó là một dạng bom tự chế, cô giáo của Ahmed đã hốt hoảng bấm số điện thoại khẩn cấp và sau đó, Ahmed bị áp giải đi. Chia sẻ với các phóng viên vào ngày thứ tư (2 ngày sau khi bị bắt giữ), cậu bé buồn rầu: “Em chỉ định chế tạo đồng hồ để gây ấn tượng với cô nhưng khi nhìn thấy, cô lại nghĩ rằng đó là một vũ khí nguy hiểm. Em thật sự rất buồn vì cô đã hiểu sai về nó. Nó chỉ là một chiếc đồng hồ mà thôi!”
Quá trình điều tra khẳng định lời mà Ahmed nói, đó chỉ là một chiếc đồng hồ bình thường. Cậu bé được giải phóng, nhưng trường học của cậu thì “chịu án” nặng nề.
Cộng đồng mạng dậy sóng
Rõ ràng, hành động “thái quá” của giáo viên trường trung học MacAthur tại Irving đã làm tổn thương một cậu bé hiếu học và ham mê khám phá, gây ra những xáo trộn không đáng có trong nội bộ học sinh, đồng thời làm dấy lên nghi ngờ về thái độ “bài đạo Hồi” trong một bộ phận người Mỹ. Cũng như các vấn đề gặp phải với người da màu, nước Mỹ cũng nhạy cảm chẳng kém với cụm từ “người theo đạo Hồi”, kể từ vụ đánh bom khủng bố kép ngày 11/9/2001 và sự nổi lên của nhóm Hồi giáo cực đoan IS trong vòng một năm trở lại đây.
Người Mỹ đã quá khiếp sợ trước các vụ tấn công khủng bố, điều này chúng ta hiểu và thông cảm. Song đáng trách trong vụ việc này, đó là không ai trong trường chịu nghe lời Ahmed giải thích. Cậu bé liên tục khẳng định “dự án” của mình chỉ là một chiếc đồng hồ kỹ thuật số, không hơn. Bản thân Ahmed cũng là một học sinh tích cực, không dính tiền án tiền sự, gia đình cũng không nằm trong diện điều tra đặc biệt của các nhà chức trách. Khi bị bắt, cậu bé cũng chỉ bị cáo buộc “chế bom giả”, song bị giữ điều tra tới hai ngày vì lí do: không giải thích được tại sao mình làm đồng hồ rồi mang đến lớp?!
Ngay lập tức, cộng đồng mạng đã lên tiếng đấu tranh đòi quyền lợi cho Ahmed Mohamed. Chiến dịch #IStandWithAhmed (Tôi ủng hộ Ahmed) nhanh chóng hình thành và lan tỏa thông qua các mạng xã hội với hơn 100.000 tweets chỉ riêng trong sáng ngày thứ ba. Trong khi đó, Facebook page của trường cậu bị “tấn công” dồn dập bởi các chỉ trích nặng nề, đồng thời hashtag #engineersforahmed (Các kỹ sư vì Ahmed) cũng nhanh chóng trở nên phổ biến trên newsfeed.
Các yếu nhân cũng đồng tình hưởng ứng
Đỉnh điểm là việc đương kim Tổng thống Mỹ lên tiếng trên trang cá nhân: “Chiếc đồng hồ tuyệt lắm, Ahmed ạ. Cháu có muốn mang nó tới nhà Trắng không? Chúng ta cần khuyến khích nhiều trẻ em như cháu đam mê và theo đuổi khoa học. Đó là điều khiến nước Mỹ trở nên vĩ đại!"
Người phát ngôn của Nhà Trắng, Josh Earnest, tái khẳng định thiện chí này của ông Obama, cho biết Tổng thống thật lòng muốn mời cậu bé và các nhà khoa học cùng tham dự sự kiện Thiên văn thường niên (Astronomy Night) của Nhà Trắng sẽ diễn ra trong tháng sau. Có vẻ như Ahmed đã vui hẳn lên với đề nghị đầy vinh hạnh này và nhận lời ngay lập tức.
Không dừng lại ở đó, ứng viên Tổng thống Hillary Clinton cũng lên tiếng: “Lòng hoài nghi không đảm bảo cho chúng ta sự an toàn” và khuyến khích Ahmed “hãy tiếp tục sáng tạo!”.
Còn cộng đồng công nghệ phản hồi ra sao? Nếu như Nhà Trắng muốn mời Ahmed “đến chơi” thì Facebook cũng ngỏ ý tương tự. Twitter còn chủ động đề xuất cậu tham gia thực tập tại công ty, còn NASA tỏ ra hào hứng với năng khiếu xử lý các vi mạch điện tử của một thiếu niên mới 14 tuổi. Tất cả đều khẳng định: Ahmed, em rất giỏi, chúng tôi muốn tuyển em!
Phản ứng của xã hội: Thái độ tôn vinh nhân tài hay sự lo sợ trước cộng đồng Hồi giáo
Xem ra, tình thế đã xoay chuyển theo chiều hướng có lợi bất ngờ cho Ahmed. Từ bị bắt giữ và cảm thấy thất vọng về bản thân, em được ca ngợi, săn đón, tôn vinh như một thần đồng công nghệ trẻ tuổi. Em nhanh chóng trở thành một hiện tượng của mạng xã hội, với hàng loạt hãng thông tấn lớn nhỏ đưa tin, viết bài, phỏng vấn em. Em vụt nổi tiếng và đứng trước những cơ hội lớn lao: tham dự hội thảo cấp quốc gia cùng những nhà khoa học kỳ cựu, trở thành thực tập sinh của những tập đoàn công nghệ danh giá, v.v và v.v.
Song xét một cách công bằng, những ưu đãi mà Ahmed đang đón nhận liệu có phải là sự đền bù quá ư hậu hĩnh cho chút rắc rối em gặp phải đầu tuần qua? Một bo mạch điện tử đấu nối giản đơn có nói lên nhiều điều về tố chất của em như người ta đang ca tụng? Và nếu như em bị hiểu lầm chính bởi gốc gác đạo Hồi của mình, thì phải chăng giờ em lại được vinh danh, chủ yếu cũng bởi cái gốc gác ấy?
Sự giận dữ của thế giới Hồi giáo là điều mà thế giới đã biết và khiếp sợ. Lẽ dĩ nhiên, không nên đánh đồng mọi công dân đạo Hồi đều là cực đoan, hiếu chiến. Thế nhưng, rõ ràng một cộng đồng đã gây tổn thương và chịu tổn thương, thì những khúc mắc dù nhỏ nhất với những cá nhân đơn lẻ, cũng đủ để hằn sâu thêm nỗi đau dân tộc chưa bao giờ lành.
Cha Ahmed buồn bã trả lời các phóng viên: “Con tôi chỉ muốn sáng tạo ra những thứ tốt đẹp cho thế giới”, còn Ahmed lại chia sẻ tâm tư đầy nhức nhối trên Dallas Morning News, thề rằng sẽ không bao giờ mang những sáng tạo của mình tới trường nữa.
Điều gì đáng sợ hơn, giữa nguy cơ thui chột một nhân tài, và khả năng khuấy động những nỗi niềm phẫn uất và sự bất mãn đã tạm ngủ yên trong lòng nước Mỹ?
Xem ra, cả hai khả năng đều có thể xảy ra, và đều đòi hỏi một thái độ sửa sai, xoa dịu kịp thời, thỏa đáng.
Gác lại những hoài nghi, bà Alia Salem, nhân sự của Hội đồng quan hệ Mỹ - Hồi giáo chủ động lên tiếng: “Vấn đề ở đây không nằm ở việc cậu bé này có mang tên ‘Mohamed’ (một cái tên đặc trưng của người Hồi giáo) hay không. Vấn đề là em là một đứa trẻ thông minh sáng láng, và chỉ đơn thuần muốn thể hiện tài năng của mình với mọi người.”