Dù sống và làm việc xa nhà, cuối tuần nào Mi Trần (29 tuổi, Phú Thọ) cũng đều đặn bắt xe về quê chỉ để làm một việc giản dị, đó là vào bếp nấu cơm cho bố mẹ. Không cao lương mỹ vị, không cầu kỳ kiểu cách, những bữa ăn mùa hè của cô gái 9X mộc mạc với rau luộc, cà pháo, cá kho, thịt xào… nhưng nhìn thôi cũng đủ khiến người ta thèm chảy nước miếng. Ẩn sau mâm cơm đơn sơ là tình cảm gia đình đong đầy, thứ gia vị đặc biệt mà chẳng nhà hàng nào có thể nêm nếm được.
Mi Trần chia sẻ, công việc của cô vốn đòi hỏi cường độ cao, không chỉ gói gọn trong giờ hành chính mà cả ngoài giờ cô vẫn phải tiếp tục chăm sóc, tư vấn cho khách hàng. Những ngày đầu đi làm, guồng quay công việc cuốn cô theo đến mức chẳng còn tâm trí đâu nghĩ đến chuyện bếp núc. Bữa ăn trở thành thứ gì đó vội vàng và tiện lợi mà chỉ cần một cú chạm trên điện thoại, đồ ăn sẽ được mang đến tận nơi.
Thế nhưng, khoảng 2-3 năm trở lại đây, khi đã quen với những bộn bề, Mi bắt đầu tìm lại cảm giác của gian bếp, của những bữa cơm do chính tay mình nấu. Từ việc chỉ đơn giản là muốn ăn uống lành mạnh hơn, cô dần nhận ra niềm vui nhỏ bé mỗi khi tự tay chế biến món ăn, không chỉ là chăm sóc bản thân, mà còn như một cách cân bằng lại cuộc sống.
Mi tâm sự, những ngày đầu bước vào bếp, với cô, đó đơn giản là một khoảng lặng để chữa lành, nơi cô có thể tạm gác lại công việc, tắt điện thoại, mở một bản nhạc nhẹ và lặng lẽ nấu ăn trong không gian của riêng mình. Mỗi lần rửa rau, xào nấu, bày biện… như một cách để thả lỏng tâm trí, xoa dịu những áp lực tích tụ suốt ngày dài.
Nhưng càng nấu, cô lại càng thấy gắn bó với gian bếp hơn. Những món ăn dần không chỉ là phương tiện để no bụng, mà còn trở thành cầu nối để cô chăm sóc chính mình, rồi mở rộng ra là sẻ chia yêu thương với người thân. Từ thói quen mang tính “chữa cháy”, nấu ăn với Mi giờ đây đã trở thành niềm yêu thích thật sự, một phần không thể thiếu trong đời sống thường nhật.
“Hơn nữa, mình có một công việc trong lĩnh vực 'fitness' nên việc ăn uống làm thế nào để vừa đảm bảo sức khỏe, vừa duy trì vóc dáng đối với mình cũng khá quan trọng”, Mi chia sẻ thêm.
Mi Trần kể, trước đây khu vực cô sinh sống và làm việc khá ít nơi bán các món ăn “healthy”, hoặc nếu có thì giá thành lại không hề dễ chịu với túi tiền. Chính vì thế, cô bắt đầu chủ động tìm hiểu cách kết hợp thực phẩm, tự lên thực đơn và chuẩn bị những bữa ăn vừa đủ dinh dưỡng để mang theo mỗi ngày. Ban đầu chỉ là để tiết kiệm chi phí và đảm bảo sức khỏe, nhưng dần dần, việc tự tay sắp xếp từng bữa ăn cũng giúp cô cảm thấy chủ động hơn trong cuộc sống, biết mình đang ăn gì, và vì sao lại ăn như thế.
Mi còn bật mí một mẹo nhỏ dành cho những chị em muốn tự chuẩn bị cơm mang đi làm, có thể đi chợ 1 lần ăn cả tuần thì hãy chia sẵn nguyên liệu chính như thịt, cá, tôm… thành từng phần nhỏ ngay từ lúc mới mua về, trước khi chế biến. Mỗi ngày chỉ cần lấy một phần, kết hợp thêm rau củ hoặc món ăn kèm khác là đã có thể đổi món linh hoạt cả tuần mà không thấy ngán.
Từ khi áp dụng cách này và duy trì thói quen nấu ăn đều đặn, Mi cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng, tinh thần sảng khoái hơn hẳn. Nhờ ăn uống đủ chất, cô cũng không còn thèm đồ ngọt, trà sữa hay ăn vặt linh tinh như trước, điều mà theo cô, là một thay đổi tích cực cho sức khỏe lẫn lối sống.
Không chỉ chăm chút cho bản thân qua từng bữa ăn thường ngày, mỗi cuối tuần trở về quê, Mi Trần lại xắn tay áo vào bếp, nấu những bữa cơm đầm ấm dành cho bố mẹ. Với cô, việc đi chợ, lựa chọn món ăn không cần quá cầu kỳ, cứ thấy nguyên liệu nào tươi ngon là mang về chế biến, miễn sao cả nhà đều thích. “Khi ấy, mình không quan tâm dinh dưỡng, không bận tâm giá cả, chỉ cần cả gia đình quây quần bên nhau”, cô nàng chia sẻ. Những mâm cơm đơn sơ nhưng ấm áp ấy, theo Mi, chính là cách giản dị nhất để cô thể hiện tình yêu thương với những người thân yêu nhất trong đời.
Để mỗi bữa cơm dù là dành cho bản thân hay những ngày về quê sum họp cùng bố mẹ luôn hấp dẫn và tròn vị, Mi rất chú trọng đến việc chọn nguyên liệu. Cô ưu tiên thực phẩm tươi ngon, đúng mùa, vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa giữ được hương vị tự nhiên của món ăn. Với Mi, sự phong phú của ẩm thực Việt là một lợi thế lớn, bởi "mùa nào thức nấy", chỉ cần tinh ý một chút là đã có thể biến tấu món ăn mỗi ngày mà không sợ bị nhàm chán hay cạn ý tưởng, bí món.
Chính nhờ sự đa dạng của nguyên liệu theo mùa và niềm yêu thích nấu nướng ngày một lớn, Mi Trần luôn tìm cách làm mới thực đơn của mình. Nhiều món cô học hỏi từ các chị em trên Facebook, TikTok… cứ thấy công thức nào hay hay là lại lưu lại, đợi đến cuối tuần về nhà có dịp trổ tài nấu cho bố mẹ thưởng thức.
Đa phần các món đều được cả nhà đón nhận, mà người "dễ tính" nhất chính là bố cô, chỉ cần biết là con gái nấu thì lúc nào cũng xuýt xoa khen ngon. Một “thực khách trung thành” khác không thể không nhắc đến là ông ngoại Mi. Dù đã 85 tuổi, răng đã rụng gần hết, nhưng món gì cháu gái nấu là ông đều khen và ủng hộ. Có lẽ với Mi, những lời khen mộc mạc ấy chính là động lực để cô giữ mãi thói quen vào bếp, vì tình yêu đâu nhất thiết phải cầu kỳ, đôi khi chỉ là một món ăn, một ánh mắt, một nụ cười.
“Bố mẹ đã định hướng cho mình từ nhỏ rằng bếp núc không phải là trách nhiệm của phụ nữ, mẹ mệt bố sẽ nấu, hoặc mẹ nấu thì bố sẽ phụ, quan trọng nhất là gia đình hạnh phúc, ai cũng cảm thấy vui vẻ khi nấu và khi ăn. May mắn là ở thời điểm hiện tại mình thực sự đã tìm thấy niềm vui và ý nghĩa của việc chuẩn bị bữa cơm gia đình. Mình cũng rất mong là bản thân có thể lan tỏa tinh thần yêu bếp này với nhiều chị em nữa”, Mi vui vẻ cho biết.