sách cần đọc bao gồm những tác phẩm kinh điển, sách của những tác giả quan trọng, sách để lấy số má rằng ta là dân đọc sách nên cũng đã từng sờ đến quyển này quyển này rồi, rằng mang tiếng đọc nhiều mà nhắc đến ông này, quyển kia lại không biết, họ khinh (nhưng càng về sau này tôi càng không có nhu cầu số má nữa), sách tham khảo: khoa học, triết học, tâm lý học, xã hội học, nghệ thuật, hội hoạ, lịch sử (nói thật là tôi ngán đọc sách lịch sử nhất) rồi biography, autobiography...
Nói chung không bắt buộc phải đọc tất, nhưng có điều kiện thì cứ nên có cho đủ để cần thì làm hàng. Tôi đã đọc một cuốn sách chỉ ra các kỹ năng làm sao để ta chém về một quyển sách như thật mặc dù ta chưa đọc hết 10 trang sách đó. Tôi cũng thú nhận đôi lần là cái đống sách thuộc loại này của tôi, tôi chưa bao giờ đọc hết nổi một quyển.
Hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy.
Loại thứ hai là sách nên đọc, tức là những cuốn sách đã thực sự làm thay đổi cuộc đời ta, thay đổi con người ta từ bên trong, có thể chấn động tâm can ngay lập tức hoặc gặm nhấm từ từ. Là những cuốn sách ta sẽ đọc đi đọc lại nhiều lần, có những đoạn ta học thuộc lòng, có những cảnh ta đôi lúc nhận ra là đã gặp trong đúng cuộc đời thật. Chúng có thể là sách rất cao cấp (chắc chỉ có 5% những người đọc nó mới hiểu thực sự tác giả định nói cái gì) hoặc có khi là những cuốn sách rất rẻ tiền (làm ta rất xấu hổ khi phải thú nhận là say mê nó). Chả sao, miễn là chúng thay đổi ta, không hiểu cũng được miễn chúng làm loé lên một tia suy nghĩ nào đó, như là để cứu vãn một cuộc đời tăm tối mà ta đang phải đối diện.
Và sau đây là một số trong những cuốn sách từng làm thay đổi cuộc đời và suy nghĩ của tôi (tôi biết tôi kể ra đây sẽ có nhiều người cười khẩy lắm). Sách được xếp theo trình tự ngẫu nhiên không theo một logic nào và có giá trị ngang nhau về mặt cống hiến
1. Phế Đô của Giả Bình AoTôi đọc nó những năm tôi mới bước chân vào kinh doanh, bỗng nhiên tôi nhận ra, hoá ra cuộc đời cùng lắm cũng chỉ cỡ này: đi ra đi vào cắn hạt dưa, anh gặp chị, chị gặp anh, anh thích chị, chị lại thích thằng khác, anh về nhà ngủ luôn với giúp việc, kiểu thế. Không phải không có lý khi người ta ví Phế Đô với Hồng Lâu Mộng. Tôi hứa một ngày đep trời tôi sẽ viết một quyển sách toàn những chuyện vớ vẩn như thế, ai thấy triết lý cao siêu, tư tưởng này nọ kệ, nhỉ.
2. Để cạnh tranh với người khổng lồ (sách của ai quên rồi, do một người bạn và là người tổ chức xuất bản cuốn này tặng tôi, sau này mua chắc hiếm vì hồi đó chưa có bản quyền).
Đây là cuốn sách đã dạy cho tôi phải kinh doanh như thế nào với một doanh nghiệp nhỏ. Tôi học được gần như tất cả mọi điều từ trong đó, từ cách marketing với budget ít ỏi, làm sao tuyển dụng nhân viên tốt, đối đãi ra sao, kinh doanh thì bao gồm những việc gì, kinh doanh khác với quản lý như nào (tôi thề rằng có nhiều người lão làng đại gia kinh doanh cũng chưa chắc đến giờ hiểu được) cho đến cách tính toán chi phí sản xuất, chi phí dịch vụ, cách quản lý tài chính, tiết kiệm chi phí, tính toán đầu tư... Tôi không hiểu sao người ta cứ lao đi học các lớp MBA với cả CEO với CFO làm gì trong khi mọi thứ được giải thích trong sách đầy đủ, chi tiết và cực kỳ dễ hiểu.
3. Biên niên ký chim vặn dây cót của Murakami.Tất nhiên rồi, nhà văn mà tôi yêu thích, hơn cả yêu thích, tôi nghĩ tôi hiểu từng chi tiết ông viết trong truyện của ông. Trước Biên niên ký, tôi đã đọc Murakami nhiều nhưng không say đắm. Biên niên ký làm cho tôi hiểu được, để sống một cuộc đời, người ta cần phải đối diện với những thứ gì, bên ngoài và bên trong, dù cho bạn muốn hay không muốn, sợ hãi hay hứng thú đón nhận chúng. Biên niên ký còn làm cho tôi hiểu được, tôi ở đây trong thế giới này là một đặc ân kỳ diệu nhất. Và vì vậy, sứ mệnh của tôi lúc còn ở thế giới này là phải làm cho nhiều người khác hiểu ra cái đặc ân kỳ diệu đó.
Ôi trời, viết đến đây lại nổi hết cả da gà.
4. Nhiệt đới buồn của Claude Lévi-StraussĐây là một cuốn sách về dân tộc học viết ở dạng dễ đọc nhưng có rất nhiều thông tin và các dữ kiện dễ làm người đọc mệt mỏi, nếu không phải là dân ngiên cứu. Tôi thích cuốn này vì tôi nghĩ để tồn tại được giữa thời đại nhiễu nhương này, mình cần phải hiểu người khác. Mà cách hiểu người khác (tức là con người nói chung) tốt nhất là nên tìm về những thứ cơ bản, nguyên sơ.
Không thể giải quyết các vấn đề ở thời đại văn minh nếu không nhìn thấy rõ bản chất của con người khi còn ở dạng (tạm cho là) man di mọi rợ, chưa phát triển. Mỗi lần có gì đó thất vọng về người khác, tôi lại đem sách ra đọc.
5. Tôi là ai, và nếu vậy thì bao nhiêu của Richard David PretchTôi thích triết học và tâm lý học, nhưng tôi lười đọc sách chuyên môn, vì đọc chả hiểu chữ nào. Từ sau khi có quyển này, tôi vẫn thoả mãn ham muốn tìm hiểu triết học và tâm lý học của tôi mà không phải đụng đến những Freud những Jung, những Nietzche, những ... (còn mấy ông nữa, nhưng tôi không nhớ viết tên mấy ổng ra như nào).
Đọc quyển này lúc nào tôi cũng sung sướng, sướng như ăn kem 7 màu ngập toàn cream là cream, hân hoan như vừa lên đỉnh, má đỏ bừng, mắt long lanh, tôi phải đặt sách xuống ra ban công hít thở cho đỡ xúc động. Chắc mấy anh dân nghiên cứu sẽ hiểu cái trạng thái này của tôi rõ ràng nhất, nhỉ.
6. Shogun của James ClavellJames Clavell được coi là nhà văn hạng hai. Ông có 3 quyển quan trọng về châu Á dưới nhãn quan của một người phương Tây: Shogun, Taipan và King Rat. Shogun về Nhật (phim The last Samurai có anh Tom Cruise lùn đóng lấy nhiều mô-típ từ quyển này). Taipan chính là quyển Hong Kong thuở ấy và King Rat là về Singapore.
Tôi thích Shogun chỉ bởi hai điều, điều thứ nhất là vì tình yêu của Mariko, giờ tôi vẫn thuộc lòng bức thư cô viết: “Anh. Em yêu anh. Nếu anh đọc thư này tức là em đã chết...”. Tôi nghĩ rằng người đàn bà nào cũng cần có một tình yêu như thế, nồng nàn, chấp nhận và hy sinh vô điều kiện. Dù cho người đàn ông kia có xứng đáng hay không, may mắn thì họ xứng đáng, không may mắn cũng không sao cả. Điều thứ hai là lúc nào bạn ở tận cùng của bế tắc, tưởng như không còn con đường nào nữa, hãy ra vườn, ngồi xuống và xem đá nở hoa.
7. Sinh tử thư Tây TạngTôi được một người bạn đưa cho bản dịch Sinh tử thư Tây Tạng từ hơn 10 năm trước, anh tự dịch và chỉ gửi cho những người anh nghĩ là cần thiết hoặc quen thân. Tôi cũng chẳng muốn khoe khoang anh là ai, làm gì. 10 năm trước tôi đang có rất nhiều thứ và tin rằng tôi có thể làm được mọi việc nếu tôi muốn. Suốt 10 năm qua tôi đã mất mát nhiều, nhưng quan trọng hơn, tôi vẫn tin rằng tôi có thể làm được nhiều việc, nhưng nó chẳng liên quan gì đến những ham muốn của tôi cả.
Quyển sách này như một thứ luôn làm lệch trọng tâm của tôi đi. Khi tôi buồn, nó làm tôi buồn và đau khổ hơn nữa, nhưng không phải bằng chính nỗi buồn đã gây ra cho tôi ban đầu. Khi tôi vui, nó lập tức dập tắt ngay niềm vui ấy (điều này thì tốt) Tôi để nó ở đầu giường, thỉnh thoảng đem nó đi theo bên mình trong những chuyến công tác hoặc buổi họp quan trọng, dù nó nặng trịch và trông rất xấu xí. Để làm gì à? Để doạ thôi. Doạ ai? Doạ chính tôi.
Thành tựu thực sự của một đời người không phải ở những gì anh ta đã cố gắng để có được mà ở những gì anh ta đã chấp nhận từ bỏ.
8. 7 Thói quen của người thành đạt của Stephen ConveyĐây là một quyển sách rất Mỹ, rất hung hăng, rất rỗng tuyếch. Đây cũng là một quyển sách rất nhiều người ca tụng, gọi nó là quyển sách làm thay đổi cuộc đời. Tôi đọc nó không phải để thay đổi cuộc đời tôi mà để xem nó đã thực sự thay đổi được cuộc đời người khác như thế nào. Tôi là trẻ con, lúc nào cũng là trẻ con, nên tò mò vậy thôi.
9. Giamilia, Chuyện núi đồi và thảo nguyên của AimatovCó một nước Nga khác (dù giờ không phải là nước Nga nữa) với nước Nga mà tôi đã biết qua Dostoevsky, Tolstoy, Tshekov. Những con người trong thế giới của quyển sách này đơn giản và bi thương hơn. Tôi không bao giờ có một liên hệ nào từ các câu chuyện và nhân vật trong cuốn sách với cuộc sống của tôi hay thế giới thực, như là ở những cuốn sách khác mà tôi đã đọc. Khi đọc nó, tôi luôn nghĩ mình đang ở một nơi khác, một vùng đất khác, khác hẳn, nơi tôi không hy vọng sẽ được đặt chân tới. Thế nhưng họ vẫn đang tồn tại.
Cứ mỗi lần mở sách ra là tôi biết, có một Mắt lạc đà, một cây phong non trùm khăn đỏ, một Giamilia nào đó đang tồn tại ở trong cái thế giới đấy, ở một nơi nào đấy, ngoài kia. Khi cần trốn tránh thế giới này, tôi tìm đến quyển sách này.
10. Những lời bộc bạch của Jean-Jacques RousseauSách do bà Lê Hồng Sâm dịch, một quyển sách dày gần 800 trang, mới nhìn và đọc lời giới thiệu, text bìa cuối là chỉ muốn đập đầu vào tường vì khó hiểu. Tên tác giả nhìn cũng rối rắm, chẳng gợi mở cái gì cả. Nhưng tôi khuyên những ai tin rằng mỗi con người có hai phần, một là phần sáng, phần lộ ra ngoài, cần phải sáng sủa nhất có thể và một phần tối, phần che giấu đi, cần phải giấu càng kỹ càng tốt, thì nên tìm đọc cuốn này.
Suy cho cùng thì chúng ta sống một cuộc đời để làm gì? Để cố tô vẽ cho cái phần sáng sáng lung linh hay để sống sung sướng và hạnh phúc thực sự với cái phần tăm tối còn lại không phải che giấu? Tôi chọn vế thứ hai. Jean-Jacques Rousseau cũng chọn vế thứ hai để sống. Và dũng cảm hơn ông còn dám viết chúng ra, bộc bạch, phơi bày chúng ra cho thiên hạ thưởng lãm.
11. Những huyền thoại, sách của nhà ký hiệu học Roland BarthesTôi không hiểu ký hiệu học là gì đâu nhé, các bác đừng comment hay inbox hỏi tôi. Tôi khuyên các bạn làm branding, marketing, copywriter, PR, những người nổi tiếng, các hot blogger, facebooker nên đọc cuốn này (à còn nếu không đọc thì thôi, càng tốt, tôi bớt đi một đối thủ cạnh tranh). Vì sao phải đọc ư? Vì quyển sách này giải thích toàn bộ cơ chế làm sao để xây dựng lên được một hình tượng gây chấn động công chúng và biến nó thành huyền thoại.
Để gây chú ý dễ cực, để nhiều người quan tâm, càng dễ, để nhiều người ủng hộ, vẫn dễ, nhưng để trở thành một biểu tượng khi nghĩ đến người ta không ngừng liên tưởng và nó sẽ sống mãi với thời gian thì bất khả thi và đừng nghĩ rằng các công nghệ truyền thông hiện đại sẽ hỗ trợ cho điều đó, không đâu, dao hai lưỡi đấy.