Cú vấp ngã đầu đời
Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hòa Bình. Tuổi thơ của tôi cũng êm đềm như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Tôi có gia đình êm ấm bên bố mẹ và anh chị em.
Cũng như bao bạn tuổi mới lớn khác, sang năm cấp ba tôi đã có những rung động đầu đời. Mối tình đầu của tôi là một người lái xe, cách nhà tôi chừng 4km.
Tình yêu của chúng tôi khi đó tôi ngỡ là rất đẹp và người đàn ông ấy tôi đã tin là người tốt nhất với tôi. Và với những nông nổi của thời thơ dại, tôi đã trao thân cho người ấy mà không mảy may tính toán gì.
Thế rồi, một ngày giữa năm học của lớp 11, tôi thấy trong người mình khác lạ, bụng to lên bất thường và có biểu hiện mỏi mệt, tôi được mẹ đưa đi khám. Và lúc này tôi như chết đứng khi biết mình đã có bầu 5 tháng. Khi đó tôi mới 17 tuổi.
Bà mẹ đơn thân Nguyễn Thị Hải đã vượt qua những cay nghiệt của số phận để nuôi con khôn lớn. |
Tôi đau một thì mẹ đau mười. Đứa con mà mẹ kỳ vọng, như tôi lại có thể gây ra chuyện tày đình như vậy. Mẹ buồn rất nhiều. Vào thời gian đó, có con khi chưa có chồng là chuyện rất gây điều tiếng. Hơn nữa, tôi lại còn quá trẻ, mới đang là học sinh cấp 3.
Vì thế nên khi nghe tin sét đánh này cả tôi và mẹ vội vã đến gặp bố của đứa trẻ mà tôi đang mang trong bụng. Nhưng tôi như ngã ngửa khi người mà tôi yêu thương lại chối bỏ giọt máu của mình.
Đến bây giờ tôi vẫn còn ám ảnh với những dòng thư mà gã sở khanh ấy gửi cho tôi khi đó để chối bỏ giọt máu của mình: “Đừng ăn vạ tôi nữa đi. Tôi không ngu ngốc để đi đổ vỏ nhé. Không biết à, tôi vô sinh mà”.
Khi thấy bạn trai cương quyết chối bỏ con, tôi như chết điếng. Lúc đó, mẹ tôi và cả gia đình đều khuyên tôi nên bỏ đứa nhỏ vì sợ bé ra đời trong hoàn cảnh mẹ thì trẻ mà bố lại chối bỏ như vậy thì sẽ rất khổ.
Tuy nhiên, tôi lấy hết lý do này đến lý do khác để giữ lại đứa trẻ. Tôi thuyết phục bố mẹ rằng bác sĩ nói tôi không thể sinh được lần thứ 2 nữa, rằng giờ nếu bỏ thai là nguy hiểm đến tính mạng, nhưng cái chính tôi muốn giữ con. Đến giờ tôi vẫn cảm ơn về quyết định ngày đó của mình.
Hạnh phúc mỉm cười
Nhưng khi cái thai ngày càng lớn cũng là lúc tôi phải đối diện với sự nhạo báng, chê cười, kỳ thị của hàng xóm, người thân. Người bảo tôi hư hỏng, người bảo tôi “đũa mốc chòi mâm son” (Vì nhà tôi nghèo còn nhà bố đứa trẻ thì giàu có) nên mới thất bại. Nhưng phần vì tính tôi đã quyết là làm bằng mọi cách, và cũng phần vì sự hồn nhiên của tuổi trẻ giúp tôi vượt qua khó khăn dễ dàng hơn.
Và rồi đến ngày sinh nở, vì bố mẹ tôi đi làm ăn xa nên ngày tôi chuyển dạ, nhà chỉ có tôi và một đứa em 10 tuổi. Tôi một mình đi bộ ra trạm xá gần nhà và như sống đi chết lại với những cơn đau suốt gần cả đêm.
Dẫu vậy do tôi bị nhau quấn răng lược nên bác sĩ phải cho tôi chuyển gấp xuống bệnh viện tỉnh Hòa Bình. May nhờ người quen và người thân làm trong viện nên tôi đã sinh mẹ tròn con vuông.
Rời bệnh viện về nhà, tôi được mẹ chăm sóc đúng 20 ngày thì bà phải đi làm ăn xa. Nhà chỉ còn lại hai mẹ con và cậu em bé thơ dại.
Và thế là 20 ngày sau sinh con, tôi lại bắt đầu làm mọi việc từ chăm mình, chăm con và chăm em. Tôi phải lo mọi việc từ nấu nướng, giặt giũ,....
Và một tháng sau sinh, số tiền bố mẹ dành dụm cho mẹ con tôi đã hết. Lúc này, tôi bắt đầu phải lo kiếm tiền để nuôi mình và nuôi con.
Vì nhà nghèo, từ nhỏ tôi đã phải bươn chải buôn bán nên lúc này để xoay sở kiếm tiền, tôi không mấy vất vả. Tôi thu gom măng của bà con trong xóm và bán đổ buôn cho các mối hàng nên cũng thu lời nhanh chóng. Ngoài ra, thu nhập từ việc trồng trọt và chăn nuôi ở vườn nhà cũng đủ đảm bảo cuộc sống cho mẹ con tôi.
Tuy vậy, cũng có những giai đoạn khó khăn, trong suốt cả tuần nhà chỉ còn vài bơ gạo phải dành để nấu cháo cho con. Còn tôi phải ăn khoai, sắn trừ bữa.
Dẫu vậy, sau 7 tháng nghỉ sinh con, tôi tiếp tục đi học lớp 12. Song vì xấu hổ nên tôi phải chọn trường xa nhà để học và phải ở trọ lại. Xa con, cuộc sống khó khăn, đôi lúc tôi muốn bỏ dở chừng, nhưng rồi tôi luôn nghĩ mình phải thoát khỏi cảnh sống khổ sở này bằng con đường học hành, và tôi đã nỗ lực.
Thế rồi, tiếp những năm sau đó, tôi gửi con lại gia đình và một mình ra thủ đô vừa học trung cấp kế toán vừa đi làm kiếm tiền nuôi mình và nuôi con.
Khoảnh khắc hạnh phúc của hai mẹ con khi ở Hà Nội. |
Không đủ tiền để đưa con ra thành phố học, tôi quyết định gửi Quỳnh, cô con gái khi đó mới 6 tuổi ở trọ nhà cô giáo để học ở một trường thị trấn.
Và có lẽ vì sống trong hoàn cảnh luôn phải vươn lên như vậy mà con gái tôi già dặn trước tuổi. Cũng vì thương mẹ mà Quỳnh luôn nỗ lực học hành. Khi còn học phổ thông, Quỳnh luôn cố gắng giữ vị trí đứng đầu lớp về môn Văn và lấy đó là thành tích để báo cáo mẹ.
Sau này, mỗi khi thi đỗ vào chuyên nghiệp cũng như giành thành tích cao trong học tập, Quỳnh đều sung sướng vô cùng vì với con gái “đó là quà tặng mẹ”.
Vừa rồi, Quỳnh đạt giải A thể loại chùm truyện ngắn ở cuộc thi Cây Bút Tuổi Hồng năm 2013-2015 do tỉnh Hòa Bình tổ chức.
Khi nghe con thông báo đạt giải mà tôi nước mắt lưng tròng. Giọt nước mắt của hạnh phúc, điều mà tôi phải chắt chiu gây dựng từng ngày, từng giờ trong suốt mấy chục năm qua.
Hạnh phúc này như là một sự đền đáp cho “phận bạc”, từ mà nhiều người vẫn dùng khi nói về hoàn cảnh của tôi.
Nguyễn Thị Hải (Hòa Bình)
beforeAfter('.before-after');