Để thực phẩm ngoài tủ lạnh quá lâu trước khi đưa vào
Những loại thực phẩm dễ hỏng như rau, hoa quả, đồ ăn thừa chỉ nên để ở nhiệt độ thường trong vòng 2 giờ đồng hồ. Nếu để bên ngoài quá lâu, đồ ăn sẽ chóng phân hủy trước khi được đưa vào tủ lạnh, tạo mầm bệnh.
Vặn nhiệt độ không phù hợp trong tủ lạnh
Nhiều người có thói quen "tiết kiệm điện" nên thường điều chỉnh nhiệt độ trong tủ lạnh quá cao. Tuy nhiên điều này rất dễ khiến thực phẩm hỏng, kể cả thực phẩm trong ngăn đá. Nhiệt độ trong ngăn mát tủ lạnh cần đảm bảo luôn ở mức dưới 4 độ C, còn ngăn đá tốt nhất là dưới -18 độ C. Nhiệt độ trên 4 độ C sẽ làm vi khuẩn sinh sôi rất nhanh chóng.
Để thực phẩm trong tủ lạnh quá lâu
Nhiều người thường có thói quen mua đồ ăn tích trữ trong tủ lạnh, nhất là các loại thực phẩm sống như thịt, cá... Tuy nhiên đây là thói quen hoàn toàn sai lầm. Thông thường, thời gian lý tưởng để tích trữ các loại đồ ăn trong tủ lạnh như sau:
- Cá biển: 3 ngày.
- Tôm, cua, mực: 2 ngày.
- Thịt: 3-5 ngày.
- Thịt băm, đồ ăn thừa: 2-3 ngày.
- Thịt xông khói: 2-3 tuần.
- Thịt gà, vịt: 3 ngày.
- Nước hoa quả: 1-2 tuần.
- Sữa: 5-7 ngày.
- Kem: 5 ngày.
- Phô mai: 1-3 tháng.
- Trứng: 3-6 tuần.
- Bơ: 8 tuần.
Để thịt cá lên ngăn trên tủ lạnh
Những loại thực phẩm như thịt, cá... nếu đưa vào ngăn trên tủ lạnh có thể rỉ nước xuống các loại rau quả bên dưới. Nước thịt này chứa các mầm bệnh nguy hại có thể lây lan đến các loại thực phẩm khác. Thông thường những loại thực phẩm này nên sơ chế, để ráo nước, đóng hộp kín và cho vào ngăn dưới.
Vệ sinh tủ lạnh quá ít
Hầu như mọi gia đình đều có thói quen vệ sinh tủ lạnh, tuy nhiên thường làm ít và không thường xuyên. Các chuyên gia về thực phẩm khuyến nghị mọi gia đình nên vệ sinh tủ lạnh 1-2 tuần/lần.
Đưa thực phẩm đã rã đông vào trong ngăn đá
Thực phẩm đã rã đông được khuyên không nên đưa trở lại vào ngăn đá vì có thể đã biến chất, ngấm nhiều nước,... Tốt nhất chúng ta chỉ nên mang thực phẩm ra rã đông một khi chắc chắn sẽ lập tức sử dụng, chế biến. Nên để thực phẩm rã đông từ từ bằng cách đưa xuống ngăn mát hay nhúng nước lạnh.
Để lẫn lộn thực phẩm sống và thực phẩm chín
Việc để lẫn lộn giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín có thể làm đồ ăn trong tủ lạnh biến chất, bởi cách bảo quản đồ sống và đồ chín trong tủ lạnh hoàn toàn khác nhau.
Không đậy nắp thức ăn thừa
Nhiều người có thói quen để nguyên thức ăn thừa vào trong tủ lạnh mà không đậy lại. Trên thực tế việc này sẽ làm hơi thức ăn bốc lên, gây mùi khó chịu khắp tủ lạnh. Hiện nay những miếng bọc nylon có bán sẵn ngoài siêu thị, rất tiện lợi cho việc bọc thức ăn trước khi đưa vào tủ lạnh.
Không rửa sạch rau trước khi đưa vào tủ lạnh
Các loại rau củ quả thường có thể lẫn đất cát từ nơi trồng và chưa được làm sạch. Do đó nếu đưa vào trong tủ lạnh, các loại vi khuẩn có sẵn trong đất sẽ sinh sôi.
Theo Vntinnhanh.vn