Trong bối cảnh hạnh phúc gia đình hết sức mong manh giữa bạt ngàn thông tin về những vụ bạo hành, đổ vỡ, lừa dối, cô gái Hà thành, Nguyễn Tuyết Như, 28 tuổi, đã khiến không ít bạn trẻ phải thực sự suy nghĩ lại sau khi chia sẻ bài viết về 4 câu chuyện ngôn tình có thực do chính mình chứng kiến. Tuyết Như lập gia đình được hơn 1 năm nay, hai vợ chồng từng trải qua nhiều cung bậc trong cuộc sống, nhưng Như luôn ghi nhớ và cảm động về tình yêu của 4 cặp đôi đẹp là người thân của mình.
Họ không phải là những cặp vợ chồng son, không phải là người may mắn được sinh ra trong một thế hệ đủ đầy mọi thứ nhưng thứ mà họ có rất nhiều đó là tình yêu thực sự. Chính thứ tình cảm thiêng liêng này đã giúp họ vượt qua mọi thác ghềnh cuộc sống để bên nhau cho tới khi con cháu đề huề, đầu bạc răng long.
Cuộc trò chuyện ngắn dưới đây chính là những tâm tư mà cô gái 28 tuổi muốn chia sẻ tới tất cả các chị em trước khi bước vào giai đoạn mới của cuộc đời – làm mẹ!
Chào Như, bài viết này được bạn thực hiện trong hoàn cảnh nào và tại sao bạn lại quyết định chia sẻ nó trên trang cá nhân?
- Thật lòng là mình viết bài này khi đang muốn tìm con đường thực sự cho hạnh phúc hôn nhân gia đình. Từ nhỏ, mình sinh ra trong một gia đình mà hầu như chưa hề có biến cố gì, từ ông bà nội ngoại cho đến ba mẹ, chưa khi nào chứng kiến bất cứ điều gì làm mình phải buồn hay sốc. Gia đình mình rất bình thường và phải bươn chải cuộc sống, cũng trải qua nhiều khó khăn nhưng vẫn luôn ngập tràn tiếng cười và hạnh phúc.
Mình bắt đầu trăn trở khi đi lấy chồng bởi có nhiều thay đổi và khác biệt. Bài viết này đã giúp mình suy nghĩ nhiều hơn về hạnh phúc và vượt qua tất cả để yêu chồng hơn. Nhờ những câu chuyện có thực của ông bà, bố mẹ mà mình mới rút ra được một điều là phải cố gắng xây dựng cuộc sống riêng, gia đình nhỏ giống như ông bà mình đã làm, và chính người phụ nữ mới thực sự là người xây tổ ấm. Bạn bè mình cũng có nhiều người kêu ca than vãn về chồng, cùng với sự bi quan về cuộc sống gia đình nên mình chia sẻ thế để các bạn có thêm niềm tin.
Trong năm nay, có khá nhiều câu chuyện ngôn tình nổi tiếng trên cộng đồng mạng. Qua bài viết này thì có lẽ bạn cũng có niềm tin lớn lao vào tình yêu ngôn tình và cho rằng điều đó hoàn toàn có thật chứ không phải chỉ ở trong tiểu thuyết?
- Đúng thế, mình tin rằng hoàn toàn có thể có hạnh phúc trọn vẹn, cũng vì bây giờ nhiều bài viết khiến các chị em mất niềm tin quá, đang hạnh phúc cũng khiến người ta nghi ngờ rồi chính từ nghi ngờ đó mà tan vỡ.
Nhiều người nghĩ rằng ngôn tình là phải làm điều lãng mạn, nhưng ngôn tình trong câu chuyện của bạn thì hơi khác, khi có cả hành động vợ chồng già dọn vệ sinh cho nhau. Phải chăng là ngôn tình thực sự trong mắt bạn là những cử chỉ quan tâm đời thường như vậy?
- Ngôn tình theo quan điểm của mình thì không chỉ dành cho hai người, ngôn tình của mình là những câu chuyện có ảnh hưởng đến thế hệ sau, từ việc nhỏ nhặt đến lãng mạn, tất cả những gì làm cho người kia thấy vui hơn, hạnh phúc hơn và cho những người xung quang thấy thế mà học theo. Đó mới là ngôn tình.
Sự thực thì vì cuộc sống hiện đại mà không có nhiều người tin vào ngôn tình đâu, họ cho rằng thời của ông bà mình mới có thể tồn tại chuyện đó, còn thời này thì quá xa xỉ. Bạn nghĩ rằng nên làm gì để thay đổi được tư tưởng đó?
- Mình tin vào nền tảng gia đình, cái gì được chứng kiến và nuôi dưỡng từ bé sẽ có ảnh hưởng đến thế hệ sau. Con cái nhìn cách bố mẹ đối xử với nhau, cách bố mẹ chăm sóc gia đình, trách nhiệm với nhau thì sẽ học theo. Mình nghĩ là trước hết phải coi trọng hạnh phúc gia đình, đặt nó lên hàng đầu, phải nhìn vào đích đến chứ không phải cách đi. Đặ ra mục tiêu giữa hai vợ chồng sau này thế nào, con cái ra sao, về già thế nào… Có đích rồi thì những hạt cát hay viên sỏi trên đường đời cũng vượt qua dễ dàng hơn.
Vợ chồng bạn thì sao, bạn sẽ viết tiếp truyền thống ngôn tình của gia đình mình chứ?
- Khi yêu nhau, vợ chồng mình từng có cả tập thơ ngôn tình. Lấy nhau rồi, tình cảm hai vợ chồng vẫn như vậy, mặc dù trải qua rất nhiều khó khăn vì vợ chồng lập công ty riêng nhưng vẫn vượt qua. Nhưng hiện tại thì bọn mình không viết nữa, cố gắng duy trì, tận hưởng để sau này con cháu viết lại, không ai tự đi viết ngôn tình của mình cả. (Cười)
Nguyên văn bài viết về 4 câu chuyện ngôn tình đời thực của Tuyết Như:
Khi xã hội phát triển quá nhanh, mạng xã hội thì tràn lan các bài báo tan vỡ, đổ vỡ, ly dị, giật chồng, cặp bồ, cãi nhau rồi những câu chuyện ngôn tình không có thật thì hôm nay trời mưa, trời lạnh, ngồi chia sẻ những câu chuyện ngôn tình đời thật, những câu chuyện ngôn tình mà có sức ảnh hưởng đến thế hệ sau, những câu chuyện giúp con cái họ luôn luôn có niềm tin vào cuộc sống và tình yêu… Đó là ngôn tình của các cặp đôi U70-U90 trong gia đình tôi…. 4 câu chuyện về 4 hoàn cảnh khác nhau từ ngôn tình của cặp đôi phải chia rẽ và khó khăn, ngôn tình của cặp đôi ít tiền, ngôn tình của cặp đôi nhiều tiền và ngôn tình của cặp đôi rất rất nhiều tiền…
Câu chuyện về cặp đôi phải chia rẽ và gặp muôn vàn khó khăn đó là ông bà nội tôi. Ông nội tôi phải xa xứ khi bà mới vừa sinh chú tôi và ba tôi thì còn nhỏ. Chiến tranh và hoàn cảnh đất nước đã chia rẽ họ, ông nội phải bỏ tất cả lại không quay về được nhưng cũng vì hoàn cảnh mà bà nội không thể đi theo ông. Câu chuyện của họ không phải là yêu nhau thắm thiết mà là tình yêu dành cho các con, tình yêu cho sự bao dung, tha thứ. Ông đã có gia đình khác, những đứa con mới nhưng bà nội và các con cả chưa từng trách ông, cả gia đình tôi không phân biệt bà cả, bà hai, vẫn yêu thương nhau hết mực… Ông đã già lắm rồi nhưng không tháng nào là không gửi thư về cho cả họ (gần 8 hộ gia đình), gửi thư cho thông gia của các cháu, không tuần nào là không gọi điện về hỏi thăm từng người kể cả thông gia các cháu, và cũng không có kì nào là không gửi tiền về cho vợ và các con, kể cả số tiền ít ỏi phải tích góp từ lương trợ cấp người già, ông vẫn gửi….. Mặc dù nền tảng là 1 gia đình không hoàn hảo, cũng tan vỡ nhưng các con, các cháu và cả họ nữa vẫn là một huyền thoại với chúng tôi.
Câu chuyện về cặp đôi ít tiền đó là ông bà ngoại tôi… Ông ngoại dạo này yếu lắm rồi, ông vừa phải vào viện cấp cứu vì không thở được … chuỗi ngày bà ngoại chăm sóc ông thực sự là những chuỗi ngày cảm động mà không ngôn tình nào có thể so sánh được. Ông không còn nhận thức được rõ nữa và đi vệ sinh khắp nơi, không thể kiểm soát… Bà chăm ông từ sáng đến trưa, tối rồi cả đêm nữa. Có hôm ông giật bỉm và đi tứ tung khắp giường, khắp sàn, cả nhà lại đi vắng, mẹ tôi sang thấy bà ngoại đang hì hục dọn dẹp, dọn được đằng này ông lại bôi ra đằng khác nhưng bà vẫn hì hục dọn… Công việc ngày này qua ngày khác bà chăm cho ông không kêu ca gì, tôi gọi đây là ngôn tình của cặp đôi ít tiền vì có bao nhiêu họ mang cho con, cho cháu hết chẳng giữ đồng nào. Đấy ngôn tình là nó phải thế, nhìn người vợ già chăm cho người chồng già lúc ốm đau mới là ngôn tình nhé.
Câu chuyện về cặp đôi nhiều tiền là câu chuyện của 2 bác U70 bố mẹ chồng của chị tôi. Ba tôi và tôi thường gọi cặp đôi này là đôi chim suốt ngày tíu tít bên nhau, hai ông bà đi đâu cũng có nhau, nếu đã đi là ông sẽ xách túi cho bà, ông sẽ đèo bà, ông chỉ suốt ngày ở nhà với bà, bà chỉ thích chăm sóc ông. Họ vẫn gọi nhau là anh, là em chứ không phải là ông bà. Bà nói là: Anh Tùng ơi, Anh Tùng nhà con, bác Tùng nhà bác, nghe ngọt ngào lắm. Mấy tháng trước ông phải nằm viện mổ mà nhất quyết ông không cho ai chăm sóc ngoại trừ vợ ông, kể cả con trai xin trông ông cũng không thích, ông chỉ thích em Vân là vợ ông thôi, chỉ thích bà vào trông, vào chăm, chỉ cần vợ không cần ai. Bà thì đau chân, đau lưng không đi được nhưng vẫn vui vẻ vào chăm chồng. Ra viện rồi đôi chim ấy vẫn tíu tít chăm sóc cho nhau, chẳng thế mà ông hồi phục rất nhanh chóng….
Câu chuyện về cặp đôi rất rất nhiều tiền là về ông bà trẻ tôi. Họ cũng U60, U70 rồi… Về đôi này, họ nhà tôi gọi là “đôi bươm bướm”, vì họ quấn quýt nhau cả ngày, đi từ tỉnh này sang tỉnh khác với nhau, từ nhà này sang nhà khác, từ nước này sang nước khác. Ông hơn 70 rồi nhưng vẫn lái xe chở bà đi xuyên việt, hai ông bà đi du lịch các nước với nhau chưa bao giờ có bà mà không có ông, có ông mà không có bà. Hở ra cái là: anh Xuân nhà em, Thủy nhà em, họ gọi nhau là anh em, gọi tên nhau nghe ngọt ngào lắm. Đi với nhau là phải đi sánh bước cùng nhau, bà khoác tay ông, ông đứng ở đâu là phải ngó bà, chạm vào lưng bà, họ làm mọi việc cùng nhau chả chừa cái gì cả. Họ làm cho những người trẻ phải ngưỡng mộ.
Câu chuyện từ không có tiền đến có rất rất nhiều tiền là bởi vì đồng tiền chẳng ảnh hưởng gì đến tình yêu dành cho nhau cả, quan trọng là có đi được với nhau đến cuối cuộc đời không. Tài sản cha mẹ, ông bà để lại không phải tiền đâu, mà là tấm gương, là tình yêu mà con cháu sau này nhìn vào học tập. Các chị em, các anh em, ai đang có vợ có chồng hãy quay sang ngay vợ hoặc chồng mình mà cảm ơn trời phật vì họ vẫn còn khỏe mạnh và sống bên cạnh mình, ôm hôn họ 1 cái đi. Người đi với mình cả đời không phải là bố mẹ, con cái đâu mà là người chồng, người vợ của mình đấy….
Hãy làm cho vợ mình hạnh phúc, đàn ông sẽ có tất cả.
Hãy làm cho chồng mình hạnh phúc, người vợ sẽ thấy cuộc đời thật đẹp.
Tôi tin vào nó vì tôi đã được chứng kiến quá nhiều.
Có thể bạn quan tâm: