Tại sao phụ nữ lại phải bị dạy nhiều như thế? Phải chăng phụ nữ tệ hơn đàn ông, hiểu biết ít hơn, vụng về hơn, sống tệ hơn…? Không phải, mà đó chỉ là cái sự mặc định oan uổng từ thời phong kiến ngày xưa. Cũng chính bởi đó mà bao nhiêu kẻ làm đàn ông vốn chẳng tử tế gì vẫn cứ vênh mặt lên mà nói rằng: tôi dạy vợ tôi , hay con vợ tôi cần phải dạy dỗ lại, hoặc bảo nhau: ông về dạy lại vợ ông đi…
Tất nhiên, cái chuyện phụ nữ phải học cách làm mẹ, làm vợ, làm dâu… cũng là chuyện tốt. Vì khi sinh ra, con người có phải cái gì cũng biết đâu, chuyện gì cũng hiểu đâu? Mà cái gì cũng phải học, phải luyện rèn. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại nếu phụ nữ phải học tất cả những điều đó trước khi bước về nhà chồng, bắt đầu một cuộc đời làm dâu, làm vợ, làm mẹ thì hà cớ gì đàn ông không phải học những điều tương tự như: làm chồng tốt, làm cha tốt, làm một người đàn ông trụ cột trong nhà… Vậy mà, xưa nay chưa nghe tới chuyện những người đàn ông phải được dạy làm chồng sao cho ra chồng, làm cha sao cho đáng mặt làm cha?
Giá như mỗi người đàn ông đều được cha mẹ mình dạy cho những bài học làm chồng, làm một người đàn ông đàng hoàng, đáng tin cậy ngay từ nhỏ thì hẳn số phận người đàn bà cũng sẽ ít hẩm hiu đi, sẽ có ít những mảnh đời phụ nữ bất hạnh hơn. Và nếu có những bài viết về những người phụ nữ không may mắn trong hôn nhân trên những trang báo thì cũng sẽ không có nhiều thế những người phụ nữ vừa đọc vừa rơm rớm nước mắt vì thấy sao có mình trong đó. Cái sự đồng cảm, ấy đâu phải là vô duyên vô cớ đâu.
Tại sao bắt phụ nữ phải học, phải nhẫn nhịn “cơm sôi nhỏ lửa”, “chồng giận thì vợ bớt lời”, phải biết “lạt mềm buộc chặt”, phải biết hi sinh, chịu đựng mà không phải là đàn ông? Phụ nữ cũng là người mà đàn ông cũng là người, cho nên tất nhiên phụ nữ cũng phải được đối xử công bằng, được ứng xử đúng với phép tắc chứ không có chuyện đàn bà tất phải chăm con, nâng khăn sửa túi cho chồng và nếu bất mãn thì các ông chồng vẫn có thể thượng cẳng chân hạ cẳng tay? Vậy công bằng ở đâu? Đàn bà thì không thích nhẹ nhàng mềm mỏng sao? Đàn bà thì không có lúc sôi lửa? Đàn yếu ớt, cần được chở che thì tại sao lại là người phải chịu đựng, hi sinh?...
Chứ không phải làm chồng chỉ đơn giản là ra ngoài kiếm tiền rồi về quẳng vào mặt vợ. Rồi kêu tôi phải nai lưng kiếm tiền nuôi cả cái nhà này, tôi phải vất vả nọ kia, cả ngày đi làm về nhà phải được thế nọ thế kia… Ai phải nuôi ai khi mà phụ nữ cũng phải đi làm? Ai phải nuôi ai khi công việc nhà dường như mặc nhiên đều đổ lên đôi vai mỏng manh của người phụ nữ. Và cái nai lưng ra làm vất vả kia có bằng những tháng ngày chửa đẻ, những năm tháng nuôi con?
Tôi có một cô bạn làm y tá. Cô ấy kể, hôm đó có một ông đến rút ông xông vì anh ta phải mổ sỏi thận trước đó. Cô ấy và một cô y tá nữa giữ tay. Hai người nữa giữ chân. Vậy mà anh ta kêu rống quá trời. Cô bạn tôi khẽ nhắc: Chưa bừng một góc đau đẻ đâu anh. Làm gì mà anh kêu dữ vậy? Thế là bị anh ta chửi vào mặt luôn. Nhưng lúc đó, cũng chả đôi co làm gì. Cái chuyện lên bàn sinh con, dường như các ông đàn ông nghĩ nó đơn giản như con vịt đẻ quả trứng vào mỗi buổi sáng sao ấy. Họ có biết, đó là cả một quá trình chịu đựng, đau đớn và vô cùng dũng cảm của người đàn bà đâu?
Đàn ông được sinh ra, lớn lên, già đi rồi chết. Còn đàn bà, sinh ra lớn lên, xấu đi, rồi mới già thêm và chết. Riêng chịu đựng điều đó đã là bản lĩnh lắm rồi. Tôi có cô bạn, cô ấy vừa sinh đứa thứ hai. Cô ấy bảo, cô ấy bị biến dạng.
Tôi bảo: Làm gì đến mức đó, rồi sẽ trở lại bình thường thôi. Vì phải chăm hai đứa nhỏ, phải đi làm vất vả tất sẽ gầy đi mà lấy lại vóc dáng bình thường. Cô ấy chỉ thở dài: Chả được nữa đâu. Tớ biến dạng thật rồi. Đứa bạn học cùng đại học gặp mà chả nhận ra mình nữa. Nhìn ánh mắt ái ngại của nó mà buồn lắm! Tôi có ý bảo cô ấy chịu khó tập thể dục để lấy lại vóc dáng nhanh hơn, sẽ khỏe hơn. Nhưng cô ấy lại thở dài: Giờ này mà còn chưa thấy chồng sủi tăm thì tập cái nỗi gì? Chắc chán vợ rồi!
Ờ nhỉ, người ta dạy cách đàn bà sinh con như thế nào? Chăm con ra sao? Mà có bà mẹ nào, ông bố nào dạy cậu con trai của mình phải làm gì khi vợ đẻ, chăm vợ đẻ ra sao? Chăm con nhỏ, con ốm ra sao đâu?
Người ta không hề dạy người đàn ông cách ứng xử với vợ mình khi vợ mình vượt cạn, khi vợ mình xấu đi chỉ vì sinh ra một thiên thần? Nếu đàn ông đều tốt, thì đàn bà đâu có trầm cảm sau sinh, đâu có lên diễn đàn mà than vãn chuyện mình xấu đi, da rạn, bụng chảy sệ nhăn nheo, tan nhang, già nua, lôi thôi…
Người ta có dạy đàn ông khi vợ có bầu, khi vợ ở cữ thì được quyền ra ngoài đàn đúm, gái gú, giải quyết như cầu không? Người ta có nói nếu làm thế là vô đạo đức, là khốn nạn không? Là không đáng mặt đàn ông, không đáng mặt chồng, không xứng làm cha không?...
Đàn bà khi bị chồng chê xấu, chê già, chê lôi thôi luộm thuộm… rồi bỏ mặc không ỏ ê gì? Thế khi ấy đàn bà cũng không có nhu cầu sao? Chả nhẽ khi ấy, đàn bà cũng sẽ làm như đàn ông là đi ra ngoài tìm kiếm một bạn tình nào đó, thì cái xã hội này, thành cái gì? Những cái gia đình có thể gọi là gia đình hay không? Nếu đàn bà cũng tệ như đàn ông hẳn họ sẽ chẳng dại gì mà hi sinh bản thân mình, cấu véo bớt cả máu thịt của mình chỉ vì sinh con mà làm xấu mình đi đâu.
Vậy, trong cái chuyện trọng đại ấy của đời người, ai là người ích kỉ đây? Ai mới là người văn minh đây? Ai là người cần phải học và cần được dạy? Vậy các ông chồng còn oang oang chuyện dạy vợ nữa thôi?
Thay vì nghĩ tới chuyện dạy vợ thì các ông chồng hãy sống cho tử tế, ra dáng một ông chồng, một người cha để rồi làm tấm gương cho con trai của mình nhìn vào mà học tập. Hay để sau này mà dạy dỗ con của mình làm một người đàn ông đường đường chính chính đáng mặt làm trai mà không cảm thấy hổ thẹn với lòng. Đàn ông yêu vợ, trọng vợ chả khiến mình mất mặt, mất sĩ diễn, mất bản lĩnh mà chỉ khiến chính cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa và tốt đẹp hơn mà thôi.
Người dưng còn cần phải yêu thương nhau, chia sẻ cũng nhau một cách vô điều kiện thì chẳng có lí do gì mà một người đàn ông không thể yêu thương và chia sẻ vô điều kiện với người đàn bà của chính mình. Và cái bài học phải yêu thương và trân trọng người phụ nữ của riêng mình, hẳn nó sẽ ý nghĩa hơn, thiết thực khi mỗi người cha tự dạy cho con trai mình bằng chính cuộc đời mình, bằng những việc làm và hành động của mình…
Đào Thy