“Money alone sets all the world in motion”
(Tiền bạc khiến cả thế giới xoay chuyển)
- Publilius Syrus
Từ xưa đến nay, đồng tiền chưa bao giờ mất đi vị trí tối cao của nó. Không ai có thể phủ nhận vai trò của tiền trong cuộc sống của chúng ta. Không có tiền thì làm gì cũng khó: tiền điện, tiền nước, học phí, sinh hoạt phí… bước chân ra khỏi nhà là cần đến tiền, gánh nặng “cơm áo gạo tiền” chi phối tất cả mọi người, cả xã hội cùng bị cuốn vào vòng quay kiếm tiền.
Ma lực của đồng tiền
Tiền đơn giản chỉ là một công cụ và có chức năng trao đổi hàng hóa, người ta dùng tiền để mua bán, giao thương. Nay, xã hội càng phát triển, tiền càng có thêm nhiều sức mạnh vô hình.
Có tiền người ta thao túng quyền hành
Có tiền người ta mua bán nhân phẩm
Có tiền người ta vứt xó lòng tự trọng
Có tiền người ta bán rẻ linh hồn cho quỷ dữ
Thời nào cũng có kẻ chạy theo đồng tiền, bất chấp mọi giá để có tiền. Nhiều người kiếm tiền bất chính bằng những nghề nghiệp bất lương. Chúng ta vẫn thường “thương hại” họ bằng lí lẽ: đó cũng chỉ là một cách kiếm sống. Quả thực, có những người do hoàn cảnh xô đẩy hoặc ép buộc họ phải kiếm tiền phi pháp. Nhưng, vẫn còn biết bao người đang ngày đêm vất cả kiếm tiền bằng chính sức lao động của họ. Suy cho cùng, tất cả chỉ là cái cớ cho sự lười biếng, ỷ lại bởi lẽ cái gì cũng có giá, thế nên đời vội trách ĐỜI bạc bẽo! Cuộc sống là một gã sòng phẳng, khi hắn lấy đi của bạn một thứ, hắn sẽ trả lại thứ khác tương đương thế. Vậy nên đừng vin vào cái cớ “nghề kiếm cơm” để rồi liên tiếp phạm sai lầm.
Không ai có quyền phán xét cách ta đối xử với đồng tiền của mình, nhưng xin hãy quý trọng nó!
Với những kẻ giàu có, tiền mang lại danh tiếng và cuộc sống an nhàn với nhà đẹp, xe sang, những món hàng xa xỉ. Càng có nhiều tiền, người ta càng sinh ra lắm ảo tưởng bởi lẽ họ cho rằng mình đang đứng trên tất cả và coi thường kẻ khác. Những bữa tiệc thâu đêm, những chiếc xe tiền tỉ, những cuộc vui trác táng tiêu tốn một đống tiền chỉ để thể hiện đẳng cấp của họ.
Với những kẻ nghèo khó, tiền tạo ra những giới hạn. Đã không còn cái triết lí:” Một túp lều tranh hai trái tim vàng”, không có tiền chắc chắn giữa vợ chồng sẽ nảy sinh mâu thuẫn và dẫn đến đổ vỡ. Các Mạnh Thường Quân cũng không thể cứ làm từ thiện mãi nếu không có tiền. Các nhà văn, nhạc sĩ không thể cứ sáng tác mãi mà không kiếm được tiền để nuôi sống chính mình và gia đình – đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.
Không chỉ vậy, tiền còn ngăn cản người ta thực hiện những ước mơ, hoài bão lớn bởi lẽ ngay cả những thứ cao đẹp nhất như nghệ thuật cũng sẽ chỉ là viển vông nếu thiếu tiền. Tất cả rồi cũng sẽ sụp đổ như Cửu Trùng Đài – công trình vĩ đại nhưng xa rời lợi ích thiết thực của nhân dân – gắn liền với kết cục bi thảm của kiến trúc sư thiên tài Vũ Như Tô (kịch Vũ Như Tô – Nguyễn Huy Tưởng). Bên cạnh đó, Hộ trong “Đời thừa” của Nam Cao với những hoài bão cống hiến hết mình cho nghệ thuật cũng rơi vào bi kịch với đồng tiền: ”Còn gì đau đớn hơn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt?”
Ừ thì tiền quan trọng thật đấy, nhưng tiền không phải là tất cả và càng không phải thước đo để đánh giá một con người. Đừng bị tiền mê hoặc bởi nó cũng chỉ là thứ vật chất, rồi cũng sẽ tan biến đi. Bạn sẽ bảo tôi mơ mộng, thậm chí điên rồ nhưng nếu bạn có tiền, hãy đầu tư một cách thông minh, đừng lãng phí tiền vào những thứ phù phiếm mà hãy mua hạnh phúc nhé – Hạnh phúc cho chính mình vào cho người khác. Hạnh phúc rất khó định nghĩa cụ thể, nhưng với tôi, đó là phần thưởng cho bản thân – một bữa ăn ở nhà hàng sang trọng vào ngày cuối tuần, là bữa trưa đạm bạc của đứa trẻ mồ côi tôi thấy trên phố hay đơn giản là niềm vui khi có chiếc vé tàu về quê sum họp ngày Tết của cậu sinh viên tỉnh lẻ.
Người ta bảo có tiền không mua được hạnh phúc, thật vậy sao? Có chăng bạn chưa biết hạnh phúc nên mua ở đâu thôi!
Anh Nguyễn LP