Phương Lan (Thụy Khuê, Hà Nội) lấy chồng được 4 năm nhưng vẫn không thể quên được cái Tết đầu tiên khi cô đi làm dâu. Vốn là con gái út, lại sống ở thành phố nên khái niệm Tết với Phương Lan hồi còn con gái chỉ là kì nghỉ dài, tha hồ ăn chơi tụ tập bạn bè. Thế nên sau khi đón cái Tết đầu tiên ở nhà chồng, cứ nhắc đến Tết cô lại rùng mình "ớn lạnh".
Phương Lan vẫn sợ hãi khi kể lại những ngày Tết kinh khủng đó: “Bọn mình cưới nhau được gần 3 tháng thì Tết, anh xã đề nghị năm đó về quê ăn Tết để mình có dịp làm quen với nếp sống của nhà chồng. Thú thực nhà chồng mình ở quê cũng không đến nỗi nghèo nhưng với một đứa quen sống trong điều kiện tiện nghi như mình thì thật khác xa một trời một vực. Ngay hôm mới về, mẹ chồng giao cho mình lo Tết. Lần đó mình biết thế nào là nấu cơm đãi khách bằng bếp củi, biết thế nào là ăn Tết ở quê, suốt ngày chỉ có dọn mâm với xếp mâm”.
Ngay hôm mới về, cô đã bị mẹ chồng giao cho sắp cỗ Tết (Ảnh minh họa).
Nhà chồng Lan quen nấu nướng bằng bếp củi, từ hôm hai vợ chồng cô về, mẹ chồng cô liền giao việc cơm nước ngày Tết cho con dâu mới. “Lần đầu nhóm bếp củi mà mình ho lụ khụ, nước mắt nước mũi tèm lem. Nấu xong được bữa cơm thì cũng ‘ăn no’ khói, đã thế trông chẳng khác nào vừa từ đám cháy trở ra, đầu tóc rối mù, chân tay nhọ nhem, thật kinh khủng. Mà ở quê chồng mình, cứ có khách đến nhà chơi là lại chuẩn bị dọn mâm cỗ ra mời, có ngày đến 5,6 lần đi làm cỗ. Có khi xếp cỗ ra rồi nhưng khách chỉ ngồi xuống uống chén rượu rồi lại đi đến nhà khác, thế là lại lật đật đi dọn dẹp. Chỉ quanh quẩn xếp cỗ và dọn dẹp cũng hết ngày rồi. Tay thì lúc nào cũng đầy dầu mỡ, nứt nẻ đỏ căng đau rát. Cũng may chỉ có mấy ngày Tết chứ tầm 1 tháng như thế chắc mình cũng đành ‘chạy mất dép’ về thành phố”.
Không những mệt mỏi với việc cỗ bàn ngày Tết, Phương Lan còn khiếp đảm bởi ông bố chồng "suốt ngày say". “Mấy ngày Tết bố chồng mình luôn trong tình trạng say túy lúy. Ông uống rợu xong nếu không vui thì sẽ gây sự để cãi nhau với mẹ chồng mình. Ai đời mẹ chồng mình chỉ nói 'Ông say rồi vào ngủ đi để con dâu nó dọn dẹp' thế mà ông cũng mắng mẹ chồng là không tôn trọng ông để cho con dâu học theo, rồi bà lắm điều không để ông ăn hết bữa cơm, rồi cái nhà này bà làm chủ rồi đâu ai coi ông ra gì… Có hôm dọn dẹp xong 3 mâm bát đĩa, vừa lên nhà lấy nước uống thì bố chồng bảo ngồi xuống nói chuyện với ông. Vậy là ông lại kể lể đến gần 2 tiếng đồng hồ, mấy lần mình nhắc khéo là ‘hôm nay bố tiếp khách mệt rồi bố đi nghỉ sớm đi ạ’ thì ông lại bảo ‘Ừ, nhưng con cứ nghe hết câu chuyện này đi đã’. Mãi đến lúc hơn 11 giờ đêm, anh xã sau khi đánh được một giấc dậy không thấy vợ đâu mới đi tìm thì thấy mình đang ngồi ‘chịu trận’. Lúc ấy anh xã phải nói mãi ông mới cho mình về phòng nghỉ ngơi. Đấy, tắm rửa xong thì cũng 12 giờ đêm rồi, Tết mà còn mệt hơn ngày thường đi làm” – Phương Lan ngao ngán kể về cái Tết đầu tiên ở nhà chồng.
Giống như Phương Lan, Hảo (Hoàng Cầu, Hà Nội) cũng “nhớ đời” cái Tết đầu tiên ở nhà chồng. Nhà đẻ và nhà chồng Hảo đều ở Hà Nội thế nhưng suốt mấy ngày Tết cô chẳng có thời gian về thăm bố mẹ đến một ngày vì còn phải ở nhà lo cơm nước. Chẳng là ngày cưới của vợ chồng Hảo cách Tết có chục ngày, thế nên cô ruột của chồng Hảo ở nước ngoài về ăn cưới cũng ở lại nhà Hảo ăn Tết luôn.
“Bắt đầu từ đêm giao thừa, cô chồng mình đi xem bắn pháo hoa về, còn đưa thêm 4 ông bạn Tây về nhà mình ăn Tết cổ truyền của người Việt Nam. Vậy là lúc hơn 2 giờ đêm, khi mình vừa đặt lưng xuống giường thì đã bị gọi bật dậy làm chút thức ăn để đãi khách. Chờ khách nhậu rồi dọn dẹp xong thì cũng 6 giờ sáng rồi, mình chỉ được ngủ một lúc rồi lại dậy làm cơm để thắp hương sáng mùng 1. Thời tiết lạnh giá, đầu thì đau như búa bổ vì cả đêm không được ngủ, mình vừa canh nồi hầm vừa ngủ gật ở bếp” – Hảo than thở.
Cái Tết đầu tiên ở nhà chồng của Hảo chỉ có đun đun nấu nấu (Ảnh minh họa).
Không những vậy, cô chồng Hảo còn hay “thèm” món này món kia, vậy là mẹ chồng cô lại rủ rỉ: “Thôi con chịu khó chiều cô, cô xa quê lâu rồi nên lúc nào cũng thèm đồ ăn quê hương”. Mỗi khi ấy, Hảo lại lật đật đi đun đun nấu nấu. Ăn uống xong cô chồng cũng hay rủ Hảo đi chỗ này chỗ kia, mặc dù không muốn nhưng dưới sự “khuyên nhủ” của mẹ chồng, Hảo lại phải đi cùng cô. “Thèm ngủ lắm nhưng vẫn phải lết thân để đưa cô chồng đi chơi. Đi chơi về lại giải quyết bãi chiến trường mâm bát chờ ở nhà, mẹ chồng mình không hề mảy may đụng đến. Cứ thế hết 3 ngày Tết chính mình chẳng có lúc nào để về thăm bố mẹ đẻ, đành để chồng đi đại diện, đến hết hôm hóa vàng mình mới có thời gian về nhà đẻ” – Hảo kể lại.
Cũng may chỉ cái Tết đầu tiên mới vất vả thế, những năm sau này cô chồng không về Việt Nam ăn Tết nữa, thêm vào lại có con nhỏ nên Hảo cũng được chồng giúp đỡ nhiều.
beforeAfter('.before-after'); Có thể bạn quan tâm: