Suýt trở thành nhà khoa học
Gặp gỡ, trò chuyện với họa sĩ Nguyễn Bảo Nguyên, tôi cảm nhận được đúng như những gì người ta hay nói về người Hà Nội gốc vốn thanh lịch, giọng nói nhẹ nhàng, chậm rãi. Sinh ra và lớn lên tại Ô Quan Chưởng nhưng nơi ông gắn bó lại là phố Hàng Ngang, bởi ngày nắng cũng như ngày mưa, ông cần mẫn và tỉ mẩn với những bức tranh truyền thần ở đó. Đã bước qua tuổi 80 nhưng họa sĩ Bảo Nguyên (SN 1934) vẫn minh mẫn, khỏe mạnh.
Căn nhà số 47 Hàng Ngang với hai màu đen trắng lọt trong khu phố buôn bán sầm uất nhất nhì Hà Thành. Cửa hiệu vẽ tranh truyền thần của ông không hề bị những mảng đa sắc màu nuốt gọn mà ngược lại còn nổi lên bởi cái hồn phố cổ tụ hết lại nơi đây: Trầm mặc và tao nhã.
Trong căn phòng im lìm, tĩnh mịch ghi dấu ấn thời gian, họa sĩ Bảo Nguyên cặm cụi vẽ, còn người vợ là bà Cát Thị Ngọc Vân ngồi bên cạnh góp ý cho ông, thỉnh thoảng lại rót cho ông chén chè nóng giữa cái lạnh cóng cuối đông. 54 năm làm nghề với hơn 100 bức tranh truyền thần nổi tiếng, trong đó có 14 bức tranh được triển lãm tại Nhật Bản năm 2000, ông đã lưu giữ và quảng bá nét đẹp văn hóa của mảnh đất kinh kì này. Và làm nên sự thành công ấy của ông phải kể đến công lao to lớn của người vợ hiền cũng chính là cô học trò đầu tiên và xuất sắc nhất của ông.
Ngược dòng thời gian, khi Bảo Nguyên còn nhỏ, một lần có người bạn của bố đến nhà chơi, nhìn thấy cậu bé gầy gò nhỏ nhắn liền nói với cậu có duyên làm thầy thuốc hoặc thợ vẽ. Nhưng suốt những năm sau đó, người nhà và cả chàng thanh niên Bảo Nguyên vẫn không thấy mình có năng khiếu gì ở hai nghề này. Tốt nghiệp cấp 3, cậu thi vào Khoa Lý, Trường Đại học Tổng hợp và trở thành một trong những tân sinh viên ít ỏi của Khoa Vật lý nguyên tử của trường đại học danh tiếng này. Và nếu không có bước ngoặt đầy bất ngờ của số phận thì ông có thể đã trở thành một nhà nghiên cứu khoa học.
Vào kì thi cuối cùng của năm cuối đại học, chàng sinh viên Bảo Nguyên ốm một trận thập tử nhất sinh buộc phải bỏ kì thi và phải chờ một năm để thi lại. Chính trong thời gian đó, một lần tình cờ thả bộ trên phố Hàng Đào, ông đã gặp một người vẽ tranh truyền thần nên thích thú đứng xem. Rồi những ngày sau đó, ông đến cửa hiệu quen thuộc học lỏm rồi về nhà tự mày mò tập vẽ. Đầu tiên ông kí họa những người thân quen: Bố, mẹ, anh chị em và được khen là vẽ giống. Thế rồi, ông tự tin theo học như lời tiên đoán của người bạn đến thăm bố trước đó.
Trời phú cho chàng thanh niên Bảo Nguyên đôi tay tài hoa, cộng thêm trí thông minh của một người thích nghiên cứu khoa học, sự nhạy cảm tinh tế của người nghệ sĩ như một chuẩn bị tất yếu để ông đến với nghề này. Tiếng lành đồn xa, nhiều người đam mê vẽ tìm đến xin học. Và trong những sự tình cờ của đời mình, chính sự “lạc nghề” đã đem đến cho ông người vợ hiền, mà hàng chục năm qua, ông vẫn luôn yêu thương, tự hào, trân trọng.
Sống với nhau qua nửa thế kỷ, vợ chồng họa sĩ Bảo Nguyên vẫn luôn hạnh phúc mặn nồng. Ảnh: Quỳnh Nguyên
Hạnh phúc với người học trò đặc biệt
Ông Bảo Nguyên kể: “Trong số những người đến xem tôi vẽ có một người con gái Hà Thành với đôi mắt đăm chiêu, cứ thầm lặng đứng bên tôi quan sát, không nói, không cười. Người con gái xinh đẹp có cái tên rất mĩ miều Cát Thị Ngọc Vân tâm sự với tôi, vì cảm mến tài hoa qua những nét vẽ nên đã đến xin nhận tôi làm thầy dạy vẽ”.
Ban đầu họa sĩ Bảo Nguyên không đồng ý, sau vì cô gái quá say, ngày này qua ngày khác kiên trì đến học khiến người họa sĩ vô cùng cảm động. Ông chia sẻ: “Những lúc bên nhau cầm tay chỉ vẽ, khi trò chuyện vui buồn, tôi đã yêu cô ấy lúc nào không hay. Mối tình đầu ở tuổi 27 của tôi đến như thế”.
Vậy là hai con người yêu hội họa đã cùng nhau tô vẽ nên bao bức tranh truyền thần, giờ đây khi hai tâm hồn đã hòa hợp, họ lại cùng nhau vẽ nên ngôi nhà hạnh phúc cho riêng mình. Dù có nhiều chàng trai vây quanh, nhưng trái tim của bà Cát Thị Ngọc Vân đã cảm phục trước sự tài hoa của người họa sĩ cũng là người thầy của mình. Một năm sau, đám cưới được diễn ra trong sự chúc phúc của gia đình và bè bạn.
Họ không chỉ là một cặp vợ chồng hòa hợp mà còn là những đồng nghiệp ăn ý. “Những gì chúng tôi tìm thấy ở nhau đó là khi bà ấy làm việc tôi trở thành người hỗ trợ cho bà ấy và sau đó khi tôi làm việc, bà ấy cũng hỗ trợ tôi. Bà ấy vẽ tốt, lại đam mê học hỏi, là học trò nổi trội nhất trong số ít người tôi nhận kèm cặp”, ông Bảo Nguyên chia sẻ.
Những người bạn già của họa sĩ Bảo Nguyên kể rằng, ông chưa bao giờ bận tâm về nỗi lo cơm áo gạo tiền, không lo xây nhà mua sắm đồ đạc, ông càng không bận tâm giá vàng “nhảy múa” chóng mặt… Chăm nom nhà cửa ở Ô Quan Chưởng, nuôi dạy con cái đều nhờ người vợ đảm đương. Có thời kì khó khăn, ít khách, ông đã định đóng cửa hàng tìm việc khác để lo cho cuộc sống gia đình. Bà nhất định không chịu. Bà mở quán “Nem chả Cát Tần” để buôn bán kiếm đồng ra đồng vào. Cũng bởi lẽ đó, sự thành công của ông ngày hôm nay có phần nhờ sự động viên, sự hi sinh của người phụ nữ đức hạnh ấy.
Ngồi với ông lúc này, không phải họa sĩ vẽ tranh truyền thần nổi tiếng phố cổ, mà chỉ đơn giản là một ông già 80 tuổi vẫn nói chuyện tình yêu. Khi thời gian đã đi qua gần thế kỷ, ông vẫn có thời khóa biểu khiêu vũ buổi sáng, chạy xe máy Wave alpha đi thăm bạn bè, làm thơ, vẽ tranh, đánh tenis, kể chuyện cười... và vẫn yêu!
Chia sẻ về cuộc hôn nhân sau 50 năm vẫn bền chặt, người vợ họa sĩ cười bảo: “Ông ấy vốn không phải là người biết chăm sóc gia đình vì thời gian ông ấy dành cho việc vẽ tranh. Nhưng ông ấy cho tôi cảm giác an toàn và ấm áp. Và điều đặc biệt là, chúng tôi đang già đi cùng nhau. Điều đó rất thú vị”.
Hạnh phúc hơn nửa thế kỷ và có với nhau 3 người con trai giờ đã phương trưởng, người họa sĩ già Bảo Nguyên âu yếm nhìn người vợ rồi ông quay sang nói với chúng tôi: “Tình yêu là thứ không lý giải được, nay tôi đã bước qua tuổi 80, nói chuyện tình yêu thì nghe phi lý, nhưng thực sự có những tình cảm, cảm giác hạnh phúc theo trọn đời, thậm chí theo sang cả kiếp khác... Chữ tình là như vậy đó!”.
beforeAfter('.before-after'); Có thể bạn quan tâm: