Các nguyên nhân gây bệnh ở vùng bẹn thường liên quan mật thiết với thói quen sinh hoạt, vệ sinh, trang phục, tiếp xúc… hàng ngày.
Vào mùa mưa, các loại vi nấm rất dễ sinh sôi và phát triển nên chị em phải chú ý giữ gìn vệ sinh. (Ảnh minh họa)
Nấm bẹn
Nguyên nhân chủ yếu do nấm candida albicans gây nên, đặc biệt khi gặp các yếu tố thuận lợi như da vùng bẹn hay bị nóng, ẩm ướt, hai bên bẹn cọ sát vào nhau nhiều, bị tổn thương, miễn dịch suy yếu, béo phì… Biểu hiện của nấm bẹn là xuất hiện những đám da nổi lên thành các vòng màu hồng đỏ, có bờ viền rõ rệt, có vảy và mụn nhỏ lấm tấm. Các vòng tổn thương có đường kính khoảng vài cm, càng gãi sang thương càng lan rộng và gây đau rát, thường xuất hiện ở cả 2 bẹn.
Lưu ý: Khi bị nấm bẹn, cần nhanh chóng đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời, không bị lan rộng. Lưu ý kiêng “yêu” vì có thể lây bệnh cho người khác, giặt sạch quần áo bằng nước sôi, ủi nóng để diệt nấm. Muốn tránh nấm bẹn, chị em cần giữ vùng này khô ráo, sạch sẽ, thông thoáng, không để mồ hôi bám nhiều ở bẹn, không mặc đồ lót dơ cũ hay của người khác.
Mẩn đỏ, ngứa
Biểu hiện là vùng da bẹn bị nổi nhiều nốt đỏ, ngứa, rát, có khi lan đến cả “cô bé”. Nguyên nhân gây bệnh khá đa dạng, như bị viêm da do côn trùng, trang phục bẩn, chật gây nóng ẩm, mất vệ sinh, bị nhiễm khuẩn... Đây là bệnh thường gặp nhưng không quá nguy hiểm, ở giai đoạn mới phát bệnh chị em có thể tự xử lý tại nhà bằng cách dùng nước muối 0,9% (mua ở quầy thuốc Tây) rửa mỗi ngày 3-4 lần, dùng thêm thuốc bôi làm dịu da và giảm kích ứng hướng dẫn của thấy thuốc.
Lưu ý: Tránh mặc quần bó sát, tạo thông thoáng, khô sạch cho vùng bị mẩn đỏ, ngứa. Nếu tự vệ sinh và bôi thuốc ở nhà không thấy đỡ, cần đi khám chuyên khoa da liễu ngay để được bác sĩ tư vấn và có hướng điều trị khác kịp thời.
Hăm da
Là bệnh thường xuất hiện tại các nếp gấp trên da như bẹn, các kẽ ngón tay, chân, hậu môn…, hăm da dễ gặp ở những ai có miễn dịch kém, béo phì... Biểu hiện là da bẹn bị ửng đỏ, sậm màu, có sự phồng nhẹ nơi sang thương, bị tróc vẩy, ngứa, nhưng thường không đau. Nguyên nhân chủ yếu là do vi nấm hoặc bị bội nhiễm bởi vi khuẩn, với các yếu tố thuận lợi cho bệnh phát triển là mặc quần áo chật, đổ mồi hôi nhiều, khí hậu nóng ẩm… Hăm da là bệnh lành tính, đáp ứng tốt với điều trị tại chỗ bằng các thuốc thoa kháng nấm.
Lưu ý: Nên đến bệnh việm sớm để bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng nấm dạng thoa hay uống, tùy trường hợp. Để tránh hăm da, bạn cần mặc quần áo rộng thoáng, sạch sẽ, khô, không dùng chung khăn tắm, quần áo với người khác.
Hạch bẹn
Hạch bẹn rất nhạy cảm đối với các tổn thương vùng cơ quan sinh dục, ống bẹn, đùi, có thể gặp ở cả nam và nữ. Bệnh xuất hiện khi các hạch lympho ở vùng bẹn bị viêm, có thể đau và có mủ, bị sốt. Khi các hạch này vỡ ra sẽ tạo thành các vết loét. Nguyên nhân gây hạch bẹn thường là do mắc bệnh giang mai, nhiễm trực khuẩn hạ cam, chlamydia trachomatis gây bệnh hột xoài hay bệnh u hạt bạch huyết hoa liễu…
Lưu ý: Đến ngay bệnh viện để được khám, chẩn đoán kịp thời, tìm nguyên nhân gây bệnh để xử lý. Với các hạch to, mềm, có thể được chọc hút qua vùng da lành. Giữ vệ sinh sạch sẽ và kiêng “yêu” theo chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt với trường hợp mắc bệnh do lây qua đường tình dục .
Lang ben
Lang ben là bệnh nấm nông ngoài da, do nấm malassezia furfur gây ra. Bệnh thường gặp ở người trẻ, đặc biệt ở các vùng khí hậu nóng, ẩm, có thể gặp ở mặt, lưng, ngực và cả vùng bẹn. Bệnh ít ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng tới thẩm mỹ do làm thay đổi sắc tố da. Hiện có nhiều loại thuốc dùng điều trị lang ben nhưng nếu dùng bừa bãi có thể không hết bệnh mà còn gây tác dụng phụ. Cần tư vấn bác sĩ da liễu cẩn thận.
Lưu ý: Điều trị lang ben không khó nhưng rất dễ tái phát. Cần kết hợp với các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh như tránh tắm bằng xà bông, sữa tắm trong khi điều trị mà nên dùng chanh để tắm, không chà xát nhiều, nên giữ cơ thể khô ráo, tránh ra nhiều mồ hôi.
Chị em phải chú ý mặc quần lót sạch, khô thoáng để phòng bệnh. (Ảnh minh họa)
Hắc lào
Hắc lào (lác) là bệnh do vi nấm cạn gây nên, thuộc nhóm dermatophytes. Dấu hiệu nổi bật nhất của bệnh là vùng bị nấm thường tròn như đồng tiền ngứa, nổi mẩn đỏ, có mụn nước, ngứa ngáy rất khó chịu. Bệnh có thể gặp ở bẹn, chân tay, mặt, bụng, ngực... Nếu không điều trị sớm bệnh sẽ lây sang những vị trí khác, tăng mức độ tổn thương, chàm hóa hoặc dễ dàng lây sang người khác do tiếp xúc trực tiếp hoặc qua quần áo.
Lưu ý: Cần bôi thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh dùng bừa bãi, bôi lan sang vùng da lành. Những bạn đang bị hắc lào bên cạnh dùng thuốc cần diệt nấm ở những vật dụng cá nhân như quần áo, chăn màn... bằng cách luộc ở nước sôi 100 độ C trong vòng 15 phút. Để phòng bệnh, cần giữ vệ sinh vùng kín, bẹn sạch sẽ, tắm gội và giặt giũ quần áo, chăn màn thường xuyên, không mặc quần áo chung với người khác.