Các vận động viên đỉnh cao Trung Quốc đều được khổ luyện từ khi còn rất bé.
Những hình ảnh vận động viên nhí rơi nước mắt đau đớn khi tập luyện trong những "lò luyện huy chương vàng" ở Trung Quốc vẫn khiến nhiều người ám ảnh. Tuy nhiên, đằng sau những giấc mộng ấy là vô vàn câu chuyện khủng khiếp.
Giống như nhiều vận động viên Trung Quốc - những người đang mong muốn được thi đấu tại Olympic Rio mùa hè này, Li Gang từng ôm khát khao được chạm tay vào chiếc huy chương vàng danh giá.
Li Gang từng là "hạt giống" tốt bậc nhất khi được rất nhiều ngôi sao Judo Trung Quốc nổi tiếng thập niên 1980 - 1990 đào tạo, trong đó có cả Zhuang Xiaoyan, người đoạt huy chương vàng Judo hạng nặng dành cho nữ giới tại Olympic 1992 - Barcelona.
Li Gang ở tuổi 44 mập mạp và tắt ngấm mọi niềm tin.
Thế nhưng giờ đây, ở tuổi 44, Li là một người đàn ông với cơ thể nhiều mỡ thừa, tinh thần trống rỗng và không còn trông đợi vào bất cứ điều gì trong đời. Thu nhập hiện nay của Li chỉ vỏn vẹn 1.300 nhân dân tệ/ tháng (hơn 4 triệu đồng) từ việc bán các loại thịt nướng trên đường phố, miễn sao n uôi được cậu con trai đang tuổi ăn tuổi lớn.
Còn Cheng Fei, nữ chủ nhân huy chương vàng Olympics Bắc kinh 2008 môn thể dục dụng cụ, người sở hữu hàng chục thành công ở các giải đấu tầm cỡ châu lục và thế giới nay đã 27 tuổi, đang theo đuổi sự nghiệp HLV.
Tên tuổi Cheng Fei vẫn được nhiều HLV nhắc tới như một hình mẫu cho lớp VĐV trẻ noi theo, tuy nhiên, gia đình Cheng Fei dường như nhận ra sai lầm của mình. "Chúng tôi không chỉ hạnh phúc mà còn tự hào vì con bé. Song, tôi hy vọng nó sẽ được đi học đại học trong thời gian tới vì tuổi thọ của một VĐV rất ngắn, nếu không đi học thì thực sự tôi không biết nó sẽ làm gì sau khi hết tuổi thi đấu", bố của Cheng Fei nói.
Tuổi thơ của Cheng Fei như bị đánh cắp vì không được trải qua những ký ức như bao bạn bè đồng trang lứa.
Mẹ của Cheng Fei cũng rơm rớm nước mắt khi kể lại những tháng ngày tập luyện của con gái: "Chương trình tập rất nặng, đặc biệt là các động tác duỗi thẳng chân. Con bé như phát điên hệt như sắp chết. Trái tim chúng tôi như vỡ thành từng mảnh khi nghe con bé khóc thét".
Chou Chunlan, nữ kiện tướng cử tạ, từng đoạt 9 huy chương vàng thế giới lại rơi vào một bi kịch khác. Sau khi giải nghệ năm 1993, dù rất cố gắng song cô không thể kiếm việc làm, để rồi lâm vào cảnh khốn khó.
Nghiệt ngã hơn, Chou đã bị HLV lừa tiêm chất cấm Steroid trong nhiều năm, biến cô thành một phụ nữ mang hình hài giống đàn ông và không còn khả năng làm mẹ. “HLV nói với tôi rằng đó là những thứ thuốc để tăng cường dinh dưỡng và tôi đã tin lời ông ta”, Chou đau đớn nói.
Chou Chunlan đã mất khả năng làm mẹ vì bị tiêm thuốc chứa chất cấm Steroid.
Không chỉ mang nỗi đau tinh thần, nhà vô địch Marathon Quốc tế Bắc kinh năm 1999 sau đó đã phải trải qua nhiều công việc như bán quần áo, bỏng ngô trên khắp các con hẻm ở Bắc Kinh. Thậm chí 19 tấm huy chương ghi dấu cả máu và nước mắt, trong bước đường cùng, Chou Chunlan cũng phải ôm hận mang bán chỉ vì kế mưu sinh.
Theo thống kê của China Sport Daily, trung bình khoảng 80% các vận động viên Trung Quốc giải nghệ phải sống trong tình trạng thất nghiệp, nghèo đói và các bệnh mãn tính - di chứng của việc tập luyện quá độ trong suốt những năm tháng dài.
Sau thành công tột đỉnh ở Olympic 2008 tại Bắc Kinh, thể thaoTrung Quốc đánh mất ngôi đầu vào tay Mỹ, và olympic rio 2016 là cơ hội để họ lấy lại vị thế của mình. Thế nhưng đằng sau giấc mơ ấy, có bao nhiều người đau đớn đến kiệt sức, bao nhiêu số phận bi đát của những vận động viên sau ánh hào quang?